Huyện Krông Bông: Bán đổ bán tháo rừng trồng!
15:32, 16/07/2010
Năm 2005, Công ty Cổ phần Nghiệp Lâm (TP. Hồ Chí Minh) hợp đồng liên kết trồng 475 ha rừng với người dân các xã Khuê Ngọc Điền, Hòa Lễ, Hòa Sơn và Cư Kty (Krông Bông). Nhưng sau khi đầu tư giống và hỗ trợ một phần kinh phí cho người dân thì công ty này đã bỏ mặc người dân tự chăm sóc. Không nhận được tiền hỗ trợ theo đúng hợp đồng, hiện nay nhiều hộ dân ở huyện Krông Bông đã tự ý chặt phá rừng bán đổ bán tháo...
Theo hợp đồng liên kết trồng rừng, Công ty Cổ phần Nghiệp Lâm phải hỗ trợ 6 triệu đồng/ha tiền công khai hoang, trồng mới cho người dân, đồng thời có trách nhiệm cung cấp giống cây, phân bón và tiền công chăm sóc trong 7 năm là hơn 11 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, công ty này chỉ cấp cho người dân 6 triệu đồng/ha cùng với cây giống và một số tiền công rồi bỏ mặc người dân tự chăm sóc từ năm 2008 cho đến nay. Ông Phạm Hồng Cường, người dân thôn 9, xã Khuê Ngọc Điền bức xúc: “Công ty Nghiệp Lâm làm ăn theo kiểu “mang con bỏ chợ” như thế này là không thể được. Dân chúng tôi nghèo, tưởng trồng rừng là xóa được đói nghèo, nhưng từ khi trồng xong công ty bỏ mặc chúng tôi chăm sóc. Do công ty không thực hiện đúng theo hợp đồng thì chúng tôi đành phải chặt phá rừng để lấy đất sản xuất”.
Các diện tích rừng trồng liên kết giữa người dân và Công ty Cổ phần Nghiệp Lâm mới được 5 năm tuổi, chưa đủ tuổi khai thác và tiêu thụ. Song hiện một số người dân ở các xã Khuê Ngọc Điền, Hòa Sơn, Hòa Lễ và Cư Kty đã tự ý chặt phá, bán đổ bán tháo với giá rẻ mạt từ 15 - 25 triệu đồng/ha mà không có sự đồng ý, không theo quy hoạch cũng như quy trình khai thác trong hợp đồng với Công ty Cổ phần Nghiệp Lâm. Ông Hồ Tuấn Diệp, Trưởng thôn 3, xã Cư Kty cho biết: “Hơn 20 ha rừng liên kết giữa Công ty Cổ phần Nghiệp Lâm với 25 hộ dân trong thôn hiện đã bị chặt phá gần hết, chỉ còn một số diện tích ở trên đồi núi cao là khó khai thác nên thương lái, doanh nghiệp chưa mua”. Theo thống kê của chúng tôi, chỉ riêng hai xã Cư Kty và Hòa Lễ, người dân đã chặt phá trên 50 ha rừng trồng liên kết. Với tình trạng như hiện nay, 475 ha rừng trồng liên kết giữa Công ty Cổ phần Nghiệp Lâm và người dân huyện Krông Bông sẽ bị xóa sổ trong nay mai.
Đáng nói là, khi người dân chặt phá rừng trồng tràn lan bán cho các doanh nghiệp, thương lái thì chính quyền các địa phương có rừng trồng liên kết không hay biết gì. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Lễ khẳng định: “Trên địa bàn xã chưa xảy ra tình trạng chặt phá rừng theo như phản ánh của phóng viên” nhưng khi đi thực tế, chúng tôi phát hiện 1 xe tải đang bốc gỗ nguyên liệu và nhiều xe máy cày chở gỗ đã bóc vỏ thành phẩm gỗ chở từ rừng trồng liên kết với Công ty Cổ phần Nghiệp Lâm tại thôn 4, xã Hòa Lễ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trọng Lộc, Giám đốc Công ty Cổ phần Nghiệp Lâm cho biết: Công ty đã có tờ trình gửi UBND huyện Krông Bông về thực trạng dân chặt phá rừng trồng. Cuối tháng 7, công ty sẽ thỏa thuận với người dân, tìm ra giải pháp để giúp bà con yên tâm chăm sóc và bảo vệ rừng trồng theo đúng hợp đồng đã ký kết.
Có thể nói, trước tình trạng chặt phá, bán đổ bán tháo gỗ rừng trồng chưa đến tuổi khai thác như hiện nay, việc đầu tư trồng rừng không đem lại hiệu quả cho cả người dân lẫn doanh nghiệp đầu tư. Trước mắt các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc, ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng tràn lan, phối hợp với doanh nghiệp tìm ra biện pháp giải quyết hợp lý nhằm bảo đảm cho công tác trồng rừng và phát triển vốn rừng được triển khai thực hiện có hiệu quả, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân cũng như các đơn vị đầu tư trồng rừng trên địa bàn.
Phan Tuân
Ý kiến bạn đọc