Multimedia Đọc Báo in

Phát triển thị trường nội địa: Doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội

08:48, 02/07/2010
Thị trường nội địa nước ta được đánh giá là khá nhiều tiềm năng phát triển. Để khai thác hiệu quả tiềm năng,  doanh nghiệp (DN) cần  chủ động nắm bắt cơ hội .
Sự trỗi dậy mạnh mẽ
Theo các chuyên gia, lợi thế của thị trường nội địa là các DN am hiểu văn hóa, nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, từ đó có những chính sách phù hợp; khoảng cách tới thị trường gần, giảm thời gian và chi phí vận tải, tiếp thị; dễ dàng thiết lập mối liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất với doanh nghiệp phân phối; giảm bớt rủi ro do biến động của thị trường thế giới, làm tăng vị thế của doanh nghiệp ở thị trường quốc tế và ngược lại. Năm 2009, tổng mức bán lẻ thị trường nội địa cả nước đạt hơn 66 tỷ USD (tăng 22,2% so với năm 2008), còn nếu tính theo sức mua thì đạt 205 tỷ USD. Với mức tăng trưởng khá cao hàng năm, dự kiến tổng mức bán lẻ vào năm 2012 đạt mức 85 tỷ USD. Nếu tính bình quân đầu người thì tổng bán lẻ của nước ta hiện tại mới chỉ đạt 768 USD/người, còn khá khiêm tốn so với các nước phát triển, tuy nhiên sự trỗi dậy mạnh mẽ của thị trường nội địa trong bối cảnh đầy biến động kinh tế do khủng hoảng kinh tế thế giới khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng. Nhiều DN đã bước đầu chiếm lĩnh thị trường, như Parkson, Diamond, Metro, Lotte, Coop Mart, City Mart…
 
thị trường bán lẻ
Kênh bán lẻ tại Co.op Mart  Buôn Ma Thuột thu hút nhiều khách hàng
Khó khăn trên “sân nhà”
Tuy vậy điểm yếu lớn nhất của các DN nước ta là kênh phân phối, trong khi kênh này đem lại giá trị gia tăng nhất trong chuỗi giá trị thiết kế sản phẩm, tiếp thị, xây dựng thương hiệu. DN Việt Nam gần như bị đánh bật khỏi các kênh tiêu thụ hàng hóa tại các chợ, các cửa hàng bán lẻ. Có thể thấy, đến hơn 70% hàng hóa tại chợ là hàng Trung Quốc, chủ yếu vải vóc, quần áo may sẵn, giày dép, túi xách, đổ gia dụng và các loại thực phẩm…đẩy dạt hàng Việt ngay trên sân nhà. Còn tại các tiệm tạp hóa lại là địa bàn áp đảo của các mặt hàng dùng thương hiệu ngoại như Pepsi, Unilever, P&G…Nhờ chính sách và đội ngũ marketing chuyên nghiệp, nhiều thương hiệu ngoại không chỉ bao tiêu được các cửa hàng, tiệm tạp hóa mà còn về nông thôn hiệu quả hơn phần lớn các thương hiệu nội.
Điểm yếu thứ hai là chất lượng và chính sách khách hàng. Tại thị trường nội địa, người tiêu dùng bị DN Việt “bỏ quên” hoặc đối xử không công bằng: Sản phẩm tốt, chất lượng cao thì dành để xuất khẩu, còn hàng kém chất lượng, không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu thì để bán trong nước. Nhiều DN bán hàng theo kiểu chụp giật, thiếu chữ tín đối với người tiêu dùng trong nước; dịch vụ sau bán hàng còn thiếu hoặc chưa chuyên nghiệp. Do vậy có đến 77% người tiêu dùng Việt chuộng các thương hiệu nước ngoài.
Cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước
Để chiếm lĩnh thị trường nội địa đòi hỏi DN phải có chiến lược lâu dài, đầu tư mọi mặt về sản xuất, nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm, xây dựng hệ thống phân phối…Bên cạnh đó, không thể thiếu sự hỗ trợ hiệu quả từ phía quản lý Nhà nước. Theo Vụ Thị trường (Bộ Công thương), cần tập trung bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý thị trường nội địa và các vấn đề liên quan; tăng cường và thực hiện tốt công tác quản lý thị trường, chất lượng hàng hóa, đấu tranh với hành vi cạnh tranh không lành mạnh, nạn hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu trốn thuế; bên cạnh đó, cũng cần có chính sách hỗ trợ tín dụng cho DN trong phát triển thị trường nội địa để mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ, phát triển hệ thống phân phối, đặc biệt đối với DN vừa và nhỏ.
 
 
H.H (Tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc