Phường Thiện An (thị xã Buôn Hồ): Nhân rộng mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất
Hiện nay, nguồn nguyên liệu phụ, phế phẩm nông nghiệp để ủ phân trên địa bàn tỉnh khá dồi dào, tuy nhiên, số hộ gia đình, địa phương biết tận dụng cách làm này còn rất ít. Nhằm giúp người dân và để cải thiện môi trường, UBND phường Thiện An đã tuyên truyền, hướng dẫn áp dụng mô hình lấy vỏ cà phê làm phân hữu cơ sinh học.
Phường Thiện An là một địa phương phát triển mạnh về diện tích trồng cà phê (1142 ha), hầu hết 100/100 hộ dân đều trồng cây cà phê và đối với nhiều gia đình đó là nguồn thu nhập chính của họ. Những năm trước, sau mỗi lần thu hoạch, vấn nạn rác thải từ vỏ cà phê được xem là một vấn đề gây bức xúc cho chính quyền, người dân nơi đây. Tuy nhiên, hai năm nay đã có gần 50% số hộ dân biết tận dụng phụ phẩm nông nghiệp này để ứng dụng trong sản xuất. Ban đầu chỉ có hơn 10 hộ làm thử nghiệm, về sau nhận thấy hiệu quả lớn nên nhiều hộ đã học theo để làm phân bón hữu cơ sinh học.
Đầu năm 2009, sau khi được Công ty phân bón 333 chuyển giao khoa học - kỹ thuật, Trạm khuyến nông phường đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách làm phân bón hữu cơ sinh học từ các phụ phẩm nông nghiệp như vỏ cà phê, vỏ ngô, điều… rất hiệu quả mà không tốn nhiều chi phí. Biến những phụ, phế phẩm nông nghiệp này thành phân bón giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế khí thải gây nên biến đổi khí hậu. Đồng thời tạo ra nguồn phân bón với giá rẻ có thể thay thế từ 30-70% phân hóa học. Điều đặc biệt, từng gia đình, từng nhóm đều có thể tự sản xuất phân hữu cơ sinh học này bằng những phế liệu phát sinh trên đất nông nghiệp, chăn nuôi của mình, mà không tốn kém nhiều từ chi phí đến công lao động. Theo ước tính, 10 tấn vỏ cà phê chỉ tốn khoảng 8 công lao động từ khi ủ đến khi thành phân hữu cơ; với mỗi tấn phân đã ủ thì người dân chỉ tốn khoảng 600.000 – 700.000 đồng, với thời gian chưa đầy 3 tháng. Trong khi đó, vỏ cà phê không được ủ thì phải mất gần 2 năm mới có thể đem bón cho cây và chất lượng cũng không cao như loại đã được làm thành phân, anh Nguyễn Đức Vinh, một người dân đã áp dụng mô hình này cho biết.
Ông Phạm Văn Xuân - người đứng ra tuyên truyền vận động người dân làm mô hình sản xuất phân hữu cơ. |
Để biến những phụ, phế phẩm nông nghiệp này thành phân hữu cơ, đòi hỏi người dân phải sử dụng cả chất thải từ phân (heo, bò, gà đã hoai mục); vôi; phân lân; men Trichoderma và các phế phẩm khác. Từ đây, chất thải từ động vật ở các cơ sở chăn nuôi không còn gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, mà trở thành nguồn thu nhập lâu dài cho họ. Tuy nhiên, người dân phường Thiện An vẫn phải nhập loại phân này từ các tỉnh, thành khác để sản xuất phân hữu cơ. Ông Phạm Văn Xuân, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường phấn khởi nói: “Ứng dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất vừa tận dụng được thời gian nhàn rỗi của người dân và nguyên liệu sau khi thu hoạch sản phẩm, vừa mang lại nhiều lợi ích: giảm ô nhiễm môi trường; giảm chi phí bón phân và nâng cao độ màu mỡ của đất, giúp cây phát triển tốt. Đây là việc làm thiết thực góp phần phát triển ngành nông nghiệp bền vững”. Hiện tại, quy trình làm phân hữu cơ sinh học không những được người dân trong phường tuyên truyền nhau làm, mà nhiều hộ từ các phường khác trên địa bàn thị xã, huyện đến học tập và nhân rộng.
Ý kiến bạn đọc