Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện kế hoạch 5 năm (2006-2010): Việt Nam đã tương đối thành công trong các chính sách kinh tế

17:05, 26/07/2010
Theo Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 – 2010 mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố, tuy bị ảnh hưởng những khó khăn của kinh tế thế giới và xuất phát điểm thấp, nhưng Việt Nam đã tương đối thành công trong các chính sách kinh tế .

Về tình hình tăng trưởng 5 năm qua, kinh tế Việt Nam đã chịu tác động lớn từ những diễn biến bất thường và không thuận lợi của kinh tế thế giới. Trong 2 năm đầu (2006-2007), GDP tăng khá cao, lần lượt đạt 8,2% và 8,48%. Tuy nhiên, do tác động của lạm phát và cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu sau đó, GDP 2008 và 2009 chỉ còn đạt 6,18% và 5,2%. Dự kiến năm 2010, tổng sản phẩm quốc nội của toàn nền kinh tế có thể hồi phục, đạt 6,5%. Với mức tăng trưởng như vậy, GDP bình quân 5 năm mới chỉ đạt 6,9%, thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu 7,5 - 8% mà kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, nếu so sánh với thời điểm năm 2000, kinh tế Việt Nam đã đạt được những bước tiến rất xa khi GDP tăng gấp đôi so với 10 năm trước, đạt khoảng 106 tỷ USD trong năm nay. Trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người sẽ đạt khoảng 1.200 USD trong năm nay.
đầu tư xây dựng đườnggaio thoongnoong thôn ở Ea Hleo
Đầu tư xây dựng giao thông nông thôn ở huyện Ea Hleo

Về đầu tư, tổng nguồn lực được huy động và đưa vào nền kinh tế trong 5 năm đạt trên 3.000 nghìn tỷ đồng, gấp 2,5 lần so với 5 năm trước. Đáng chú ý, vốn nhà nước chiếm 67% và góp phần đưa tỷ lệ đầu tư toàn xã hội lên mức 43% GDP. Trong khi đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng đạt gần 660 nghìn tỷ đồng, tức là gần gấp rưỡi kế hoạch đề ra. Vốn vay ưu đãi ODA cũng giải ngân được khoảng 13 tỷ USD, chiếm 60% tổng lượng cam kết.
Về xuất - nhập khẩu, kim ngạch bình quân hàng năm đạt trên 54 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng ngoại thương nhanh gấp đôi so với tăng trưởng kinh tế. Đây vừa là điểm mạnh, cũng vừa là điểm yếu của kinh tế Việt Nam.
Trong 5 năm, cơ cấu tích lũy trong tổng tích lũy và tiêu dùng tăng nhẹ từ 34,7% lên 36,7% (con số của năm 2000 mới là 29%) giúp tăng nguồn lực cho phát triển. Tuy nhiên, vấn đề tiêu dùng vẫn còn là một bài toán nan giải khi vẫn còn tình trạng lãng phí, kém hiệu quả, nhất là thất thoát trong chi tiêu công.
Mô hình phát triển kinh tế vẫn mang tính truyền thống, chưa tạo ra bước đột phá, khiến chất lượng và hiệu quả tăng trưởng không cao. Động lực chính cho tăng trưởng hiện nay chủ yếu là vốn, lao động và khai thác tài nguyên. Những yếu tố này giúp tăng năng lực sản xuất về chiều rộng, thiên về “cung” chứ chưa chú ý đến “cầu”.
Đánh giá chung về việc thực hiện kế hoạch 5 năm, báo cáo cho rằng, trước những khó khăn bất ngờ của kinh tế thế giới và xuất phát điểm thấp, Việt Nam đã tương đối thành công trong các chính sách kinh tế thời gian qua. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn những hạn chế như chất lượng tăng trưởng không cao, hiệu quả sử dụng nguồn lực phát triển thấp, sức cạnh tranh của nền kinh tế yếu kém...Nguyên nhân chủ yếu của những yếu kém này là chậm xác định mô hình phát triển phù hợp, thiếu bao quát trong tổ chức thực hiện chính sách trong khi công tác dự báo còn chưa đạt yêu cầu.
Để khắc phục những vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, trong thời gian tới, Việt Nam nên tiếp tục đổi mới tư duy phát triển, gắn với các quy luật chung của toàn cầu. Ngoài ra, cần khẩn trương tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng hiện đại, đổi mới mô hình phát triển và xây dựng được kế hoạch phù hợp cho giai đoạn 2011-2015.
 
H.H ( Nguồn:Vietnam+)

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.