Multimedia Đọc Báo in

Doanh nghiệp làm du lịch cùng “bắt tay” nhau phát triển

10:53, 21/08/2010

Mỗi vùng miền đều có bản sắc, thế mạnh riêng và đó cũng chính là yếu tố quan trọng để các doanh nghiệp (DN) kinh doanh “ngành công nghiệp không khói”này khai thác làm nên sản phẩm du lịch của mình. Tất nhiên, những sản phẩm du lịch ấy phải được xúc tiến quảng bá một cách mạnh mẽ dưới nhiều hình thức, trong đó việc hợp tác, liên kết giữa các DN với nhau để thu hút du khách là mắt xích không thể thiếu trong chiến lược kinh doanh của các đơn vị làm du lịch cả nước.

Vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng Tây Nguyên là một nét đặc trưng đã thu hút nhiều du khách đến với vùng đất này. (Ảnh: Đặng Bá Tiến)
Vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng Tây Nguyên là một nét đặc trưng đã thu hút nhiều du khách đến với vùng đất này. (Ảnh: Đặng Bá Tiến)


Những nỗ lực bước đầu
Với Dak Lak nói riêng và Tây Nguyên nói chung, việc các DN làm du lịch liên kết với nhau và tự nỗ lực “tiếp thị” để tìm kiếm, thu hút du khách cho mình cũng đang được các Hiệp hội Du lịch đầu tư, quan tâm. Từ tháng 5 đến tháng 7 vừa qua, Hiệp hội Du lịch Dak Lak đã tập hợp, kêu gọi các DN làm du lịch trên địa bàn tỉnh tham gia hai đợt trao đổi và hợp tác với nhiều đối tác ở khu vực phía Bắc và Nam bộ nhằm bàn giải pháp để phát triển ngành du lịch địa phương. Ông Lê Hoàng Cơ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Dak Lak cho biết, cứ mỗi lượt đi “tiếp thị” như vậy, các DN tự xây dựng nội dung, chương trình cho mình dựa trên sản phẩm du lịch có tính lợi thế cạnh tranh. Chẳng hạn như các đơn vị làm du lịch ở Buôn Đôn, Hồ Lak thì ưu tiên giới thiệu về sản phẩm du lịch cưỡi voi, thám hiểm rừng già và chinh phục các ngọn thác, đỉnh núi… Còn những đơn vị làm du lịch ở Buôn Ma Thuột và các vùng trọng điểm cà phê như Công ty Du lịch - Thương mại Dam San, Banmeco, Công ty Cổ phần Du lịch Dak Lak và một số hãng lữ hành khác thì tích cực quảng bá các sản phẩm đặc thù và khá mới mẻ hơn như tour trải nghiệm với cà phê, đi điền dã đến các buôn làng truyền thống của các dân tộc thiểu số để được sống và sinh hoạt trong không gian văn hóa - lịch sử của người bản địa…Tất nhiên, phương tiện chuyển tải “thông điệp” của từng DN làm du lịch ở Dak Lak đến với đối tác phụ thuộc vào điều kiện, kinh nghiệm của từng đơn vị. Ví dụ như Công ty Du lịch-Thương mại Dam San, ngoài hình ảnh minh họa cho các tour, tuyến được in ấn nổi bật, sang trọng gửi đến khách hàng, còn có cả những đĩa CD được đầu tư dàn dựng có chiều sâu và hết sức công phu nhằm thu hút mọi người. Trong một đợt hợp tác, giới thiệu du lịch Dak Lak với các DN cùng ngành tại các tỉnh phía Bắc hồi cuối tháng 5-2010, ông Bùi Văn Đức-Chủ nhiệm HTX voi Buôn Jun (huyện Lak) cho rằng, qua những dịp được ngồi lại với nhau như thế mới lộ rõ ra nhiều vấn đề đáng quan tâm như giá cả, thời gian và thông tin của từng tuor, từng sản phẩm du lịch của từng vùng, miền và từng đơn vị kinh doanh trong khối kinh tế này mang lại. Ông Đức cũng hết sức đồng tình sự hợp tác, chia sẻ với nhau trên nhiều phương diện: lượng khách, cơ sở lưu trú, xây dựng sản phẩm cạnh tranh và cuối cùng là lợi nhuận mang lại. Chẳng hạn, trên địa bàn Dak Lak đến nay có khoảng gần chục công ty lữ hành, chuyên đứng ra đón-đưa, giới thiệu và phân phối lượng khách cho các đơn vị có tour, tuyến trên địa bàn Dak Lak và ngược lại. Sự kết nối với nhau trong những hoạt động trên là rất cần thiết, bởi chính nó trước tiên giúp du khách chọn một điểm đến dễ dàng, thuận lợi hơn trong “quỹ thời gian” nhất định của mình. Ví dụ muốn cưỡi voi, ăn ngủ và sinh họat trong các gia đình người M’nông ở Lak trong thời gian (1 đêm 2 ngày) thì các công ty lữ hành phải chọn điểm đến cho du khách là khu du lịch Hồ Lak; muốn vượt rừng, thăm thú các danh thắng Dak Lak thì vào Buôn Đôn; trải nghiệm với văn hóa cà phê, hay các dịch vụ giải trí, mua sắm khác thì tìm đến Dam San, Banmeco… Tùy thời gian lưu trú, nhu cầu hiểu biết và cả khả năng tài chính của du khách để có sự điều phối, phân bố hợp lý để hướng đến mục tiêu là chia sẻ lợi ích cho nhau và tạo ra bức tranh du lịch đa sắc màu, hấp dẫn mà không chồng chéo, lặp đi lặp lại như hiện nay.
Theo nhiều DN làm du lịch ở Dak Lak, để hướng đến điều đó, rất cần ý thức của “người trong cuộc” khi bắt tay xây dựng và hoạch định cho một sản phẩm du lịch, cũng như chiến lược kinh doanh của mình. Phải lấy yếu tố lợi thế cạnh tranh làm đầu, nhất quyết từ bỏ ý nghĩ “người ta làm được, mình cũng làm được”, hoặc làm theo kiểu đua nhau một cách thiếu cân nhắc, tính toán… thậm chí thiếu lành mạnh.

Diễn tấu cồng chiêng, sản phẩm du lịch đang được các doanh nghiệp làm du lịch khai thác để phục vụ du khách.
Diễn tấu cồng chiêng, sản phẩm du lịch đang được các doanh nghiệp làm du lịch khai thác để phục vụ du khách.


Du lịch gắn với công tác tôn tạo, bảo tồn
Một khi các DN kinh doanh du lịch Dak Lak ngồi lại với nhau và cùng đem sản phẩm của mình đi giới thiệu, quảng bá thì tất yếu tính chất đặc thù và lợi thế cạnh tranh sẽ được nhắc đến nhiều nhất. Và cũng trên tinh thần đó, mọi người dần hiểu ra, làm du lịch mà không gắn với việc tôn tạo, bảo tồn các giá trị (vật chất cũng như phi vật chất) vốn làm nên thương hiệu cho mình thì trước sau cũng thất bại. HTX voi Buôn Jun ra đời gần hai năm nay cũng vì lý do đó. Cũng vì mục đích gìn giữ đàn voi nhà hiện còn khỏi đứng trước nguy cơ bị “bóc lột” quá sức vào việc khai thác, phục vụ du lịch, nên các hộ đang sở hữu voi đã cùng nhau đứng ra chia sẻ, phân phối lợi ích này một cách hài hòa hơn. Ông Bùi Văn Đức, Chủ nhiệm HTX voi Buôn Jun nhận xét: Trước đây, khi chưa vào HTX, voi tham gia làm du lịch (chủ yếu là chở khách) để được ăn chia phần trăm (tùy theo thỏa thuận gữa hai bên - chủ voi và đơn vị du lịch cần sử dụng voi trong ngày, hoặc theo tour được định trước). Chủ voi nào tham gia nhiều lượt/ngày thì có thu nhập cao, ngược lại thì thu nhập thấp. Và cũng chính lợi ích trước mắt này khiến các chủ voi đua nhau tận dụng sức lực, thời gian của voi để kiếm tiền, bất chấp mọi điều kiện, rủi ro gặp phải trong quá trình sử dụng voi. Vì thế đàn voi nhà ở đây nhanh chóng bị suy sụp về sức khỏe, dễ dẫn đến bệnh tật và chết dần. Đến khi vào HTX, theo ông Đức và hầu hết chủ voi đều cho rằng, tình trạng trên dần được khắc phục nhờ kế hoạch, lịch trình sử dụng voi hợp lý hơn dựa trên tinh thần tập thể, có sự tương trợ lẫn nhau trong việc thực hiện nghĩa vụ và quyền lợi của thành viên trong HTX. Đó cũng là một phương cách nhằm bảo tồn, gìn giữ đàn voi nhà để tạo dựng một sản phẩm, hay rộng hơn là một thương hiệu du lịch lâu dài và bền vững hơn cho Buôn Jun và nói riêng và cả Dak Lak nói chung hiện nay.
Gìn giữ, bảo tồn và tôn tạo các giá trị văn hóa làm nên các sản phẩm du lịch đặc sắc, mang tính chất cạnh tranh tại các điểm du lịch trên địa bàn Dak Lak hiện đang được các DN bắt đầu chú trọng và quan tâm hơn. Ông Phạm Xuân Diệu, Giám đốc Công ty Du lịch Văn hóa - Sinh thái Bản Đôn có suy nghĩ: Muốn lôi kéo, hấp dẫn du khách đến đây, mình phải có sản phẩm khác lạ với nơi khác. Do vậy khu du lịch này đã và đang xúc tiến xây dựng các hạng mục mới như vườn tượng điêu khắc dân gian các dân tộc bản địa Tây Nguyên; “bảo tàng” tín ngưỡng dân gian của các tộc người ở Dak Lak với đầy đủ hiện vật (vật thể, phi vật thể sưu tầm được) cùng nhiều mô phỏng, tái hiện sinh động các lễ nghi truyền thống độc đáo và tiêu biểu. Còn Công ty Du lịch Thanh Hà ở Buôn Đôn cũng đang dần hoàn thiện một Trung tâm giải trí, nghỉ dưỡng khá lý tưởng cho du khách tại thác Bảy nhánh, bên dòng Sêrêpôk hùng vĩ với nhiều dịch vụ thú vị như câu cá, du thuyền độc mộc, vượt thác... nhằm cải thiện hình ảnh du lịch Dak Lak trong thời gian tới.
Có thể nói, ngoài việc xúc tiến, quảng bá chiến lược phát triển du lịch Dak Lak đến bạn bè, du khách trên mọi miền đất nước như thời gian qua dưới sự đoàn kết, tập hợp của Hiệp hội Du lịch Dak Lak, đến nay các đơn vị làm du lịch trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu nhận thức rõ những gì họ cần làm, nhất là trong quá trình nghiên cứu, tìm hiểu tiềm năng, thế mạnh của mình để xây dựng các sản phẩm du lịch mới mẻ, hấp dẫn hơn… đáp ứng nhu cầu của du khách khi đến thăm thú, tìm hiểu vùng đất giàu bản sắc này.

 

Phương Đình

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.