Người dân xã Ea Phê (huyện Krông Pak) tổn thất lớn vì dịch heo tai xanh
Gần 1 tuần nay, tình trạng heo mắc bệnh, chết không rõ nguyên nhân xảy ra ở hầu hết các thôn của xã Ea Phê (huyện Krông Pak). Nhiều hộ dân nơi đây lâm vào tình trạng khó khăn vì mất vốn, không có điều kiện tiếp tục đầu tư chăn nuôi, sản xuất…
Trang trại chăn nuôi của gia đình chị Nguyễn Thị Lan (thôn Phước Trạch 2) đã có hơn 200 con heo bị chết trên tổng đàn hơn 430 con… Chị Lan cho biết, năm nay gia đình mở rộng trang trại để chăn nuôi, không ngờ lại bị dịch. Ban đầu đàn heo có hiện tượng bỏ ăn, sốt cao, thở gấp. Những ngày sau đó thì xuất hiện nhiều đốm tím đỏ ở tai, phân lỏng, toàn thân run rẩy, heo nái thì sảy thai, sau đó chết đồng loạt. Gia đình đã mua thuốc về tiêm cho những con còn sống nhưng vẫn không cứu vãn được tình hình. Hiện nay tổng số heo trong các chuồng chỉ còn khoảng 100 con. Sau khi đoán biết đó là dịch tai xanh, gia đình đã tự đào hố để chôn theo đúng quy định, rắc vôi hầu hết các ô nuôi để sát khuẩn. Nét mặt mếu máo, chị Lan tâm sự, heo thịt chết đã đành, 60 con heo nái chuyên gây giống cũng nhiễm bệnh đồng loạt, trọng lượng hơn 2 tạ/con, gia đình phải chặt thành nhiều khúc mới bỏ vừa hố tiêu hủy, giờ thì còn trơ lại chuồng không. Sau này gia đình tôi không biết lấy gì để tái chăn nuôi đây. Chị Lan bật khóc. Không riêng gì gia đình chị Lan điêu đứng mà rất nhiều hộ dân trong xã cũng “khóc dở, mếu dở” vì dịch bệnh lan tràn. Gia đình anh Nguyễn Dũng (thôn Phước Lộc 4, xã Ea Phê), sống bằng nghề xay sát và chăn nuôi, đàn heo gồm 50 con đang độ lớn phổng phao thì lăn ra chết vì bệnh tai xanh. Anh kể: “Thú thật khi nhìn thấy trong chuồng 10 con heo nằm la liệt, chưa biết đó là bệnh tai xanh nhưng gia đình cũng đã chủ động tiêu hủy, chỉ có 20 con chuồng kế bên bắt đầu xuất hiện tình trạng bỏ ăn, sốt cao chúng tôi mới liều mổ ra bán rẻ cho bà con, đỡ chút tiền công cám. 20 con heo còn lại không dám bán, gia đình đã tiêm thuốc và hy vọng chúng sẽ không chết”. Cùng cảnh ngộ, gia đình anh Đinh Văn Ngọc (buôn Khê) có 13 trên tổng số 53 con đã nhiễm dịch heo tai xanh, cũng đang rất hoang mang không biết cách chữa chạy như thế nào.
Đàn heo thịt mắc dịch tai xanh và đã nhiều con bị chết. |
Trước tình trạng heo bị bệnh lạ, đội ngũ cán bộ thú y huyện Krông Pak đã nhanh chóng cùng với cán bộ thú y xã Ea Phê tập trung đi kiểm tra, đồng thời phun thuốc sát khuẩn tại các hộ chăn nuôi, khoanh vùng dịch và yêu cầu bà con không bán đổ bán tháo heo có bệnh ra thị trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều người. Bệnh tai xanh đang lan rộng ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, nhưng có lẽ ở tỉnh Dak Lak, xã Ea Phê là một trong những địa phương được phát hiện sớm nhất. Tuy vậy, đến thời điểm này chính quyền xã vẫn không thể thống kê được số heo mắc bệnh và đã chết. Lý do là vì một số gia đình đã cố giấu, nhanh chóng mang đi tiêu thụ ở những nơi khác. Tổng số lượng heo đang nuôi khoảng từ 10.000 đến 16.000 con, chủ yếu là heo thịt, hình thức chăn nuôi hộ gia đình, nhỏ lẻ cho nên họ đã tự giải quyết hậu quả theo cách “bán đổ bán tháo” ra thị trường để đỡ lỗ. Tại các thôn: Phước Lộc1, Phước Trạch 1, 2…, heo đều bị nhiễm dịch, thậm chí lây sang xã Ea Kly và một số xã khác. Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Nguyễn Khắc Chuyên cho biết, dịch tai xanh ở heo xuất hiện ở tỉnh ta với tốc độ lây lan nhanh, gây thiệt hại lớn về kinh tế nhiều hộ chăn nuôi. Chúng tôi đã tiến hành làm các xét nghiệm tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, thu được kết quả đàn heo ở các huyện Krông Pak, huyện Ea Kar và TP. Buôn Ma Thuột dương tính với bệnh tai xanh. Để phòng và chống loại bệnh này, Chi cục Thú y tỉnh đã đưa ra biện pháp chống dịch theo Quyết định số 80 ngày 15-7-2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Cụ thể bước đầu tiên tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân chăn nuôi trong từng thôn ký cam kết thực hiện 5 không: “không giấu dịch; không mua lợn bệnh, sản phẩm của heo bệnh; không bán “chạy” heo bệnh; không vận chuyển heo bệnh ra khỏi vùng dịch, không vứt bừa bãi xác heo bệnh ra môi trường”. Tiếp đó, tổ chức thực hiện kế hoạch giám sát dịch bệnh tại địa phương; lập bản đồ dịch tễ bệnh tại địa phương để tham mưu cho chính quyền các cấp các biện pháp phù hợp, chủ động phòng chống dịch. Đối với trường hợp dịch xảy ra ở diện rộng cho tiêu hủy số heo mắc bệnh nặng không chờ kết quả xét nghiệm (lợn mắc bệnh nặng là những lợn có bệnh, đã được chăm sóc tích cực, được hỗ trợ tăng cường sức đề kháng trong vòng 7 ngày nhưng không có khả năng bình phục), lợn mắc bệnh nhẹ nuôi cách ly triệt để với lợn chưa bị bệnh để theo dõi chặt chẽ diễn biến bệnh.
Thiết nghĩ, không riêng gì cơ quan thú y các cấp mà các cơ quan chức năng hữu quan cũng nên nhanh chóng vào cuộc, đồng hành cùng với ngành Thú y ngăn chặn tình trạng nhiễm dịch ra diện rộng, ảnh hưởng đến đời sống vật chất và sức khỏe của nhân dân.
Ý kiến bạn đọc