Multimedia Đọc Báo in

Sức bật mới trên quê hương anh hùng

09:50, 02/08/2010

Là một xã anh hùng, anh dũng, kiên cường trong hai cuộc kháng chiến - Cư Pơng hôm nay vẫn đang tiếp bước, phát huy truyền thống anh hùng và ngày một thay da đổi thịt với những sức bật mới trong công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Những chiến công anh dũng
Đã 35 năm trôi qua, vết thương chiến tranh đang được hàn gắn, nhưng người dân xã Cư Pơng (huyện Krông Buk) vẫn còn ghi nhớ những chiến công oanh liệt của quân và dân địa phương trong hai cuộc kháng chiến; và người già thường kể lại cho con cháu nghe về một thời hào hùng ngày ấy…

Cư Pơng những năm 1940 là một xã chỉ có khoảng vài trăm hộ gia đình sinh sống, trong đó đồng bào Êđê chiếm đa số. Mặc dù cuộc sống còn rất nhiều khó khăn nhưng đồng bào sớm giác ngộ cách mạng. Ngay từ cuối năm 1945 các đoàn thể của xã như Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Mặt trận cứu quốc đã được thành lập. Trong Cuộc vận động “Tuần lễ vàng” đồng bào ai cũng hăng hái tham gia góp tiền, vàng, bạc và những thứ quý hiếm như chiêng, ché, ngà voi… Để chuẩn bị cho kháng chiến lâu dài, hàng trăm nam, nữ thanh niên đã thoát ly ra rừng theo cách mạng. Với đội du kích gồm 40 người, vũ khí chủ yếu là giáo mác, xà gạc, chông bẫy, đơn vị đã xây dựng tuyến bố phòng đường 14 chống địch càn quét.

Những năm 1957 – 1962, mặc dù chính sách tố cộng của Mỹ - Diệm diễn ra ráo riết, nhưng lực lượng du kích và cán bộ đảng viên vẫn được nhân dân nuôi giấu, bảo vệ, giữ vững cơ sở cách mạng. Trong thời kỳ 1964 – 1965 địch dồn dân lập ấp, một số cán bộ đảng viên thâm nhập vào ấp và đã trở thành hạt nhân lãnh đạo đồng bào phá ấp chiến lược; đồng thời dẫn đường để bộ đội vào ấp lấy vũ khí, diệt trừ những tên tề điệp ngoan cố. Lúc này, đội du kích xã có 120 người được trang bị đầy đủ vũ khí thu được của địch, đã diệt được 8 tên ác ôn, vận động 28 binh sĩ địch mang súng trở về với buôn làng.
Từ năm 1966 – 1975, nhân dân xã Cư Pơng đã tiếp tế cho cách mạng hàng trăm tấn lúa, hàng chục con trâu, bò; huy động 2.000 người đi phá đường 14 để ngăn chặn địch hành quân về quận lỵ Buôn Hồ; hàng nghìn người đi dân công tải đạn, tiếp tế lương thực, thực phẩm cho bộ đội; xuống đường biểu tình kéo về thị xã Buôn Ma Thuột. Với khí thế hừng hực ngày ấy, quân và dân xã Cư Pơng đã phá được một ấp chiến lược, giải phóng cho hàng nghìn người dân; tiêu diệt 163 tên địch trong đó có 6 tên Mỹ, 22 tên ác ôn, thám báo; làm bị thương hàng trăm tên, bắt sống 12 tên; đốt cháy 1 xe quân sự, thu 196 khẩu súng trong đó có 6 khẩu M79… Những ngày mới giải phóng, thống nhất đất nước, lực lượng Fulrô vẫn còn quấy rối, quân và dân Cư Pơng đã cùng nhau vận động, bóc gỡ hết cơ sở Fulrô cài cắm ở buôn làng, tiêu diệt 25 tên (trong đó có 4 đại úy), thu 24 khẩu súng…

Với những thành tích đạt được, năm 1994, nhân dân và lực lượng vũ trang xã Cư Pơng đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Sức bật mới trong công cuộc xây dựng quê hương
Về Cư Pơng trong một ngày tháng bảy, dọc theo hai bên đường là những ngôi nhà xây khang trang nằm lấp ló trong vườn cà phê xanh mướt mát mới thấy được sự đổi thay nơi đây. Hiện nay, hệ thống giao thông từ xã lên huyện đã được đầu tư nhựa hóa 100%; từ trung tâm xã đi đến các buôn, thôn 45% là đường nhựa và còn lại là đường cấp phối; trong đó có một phần đóng góp không nhỏ sức người, sức của nhân dân trong xã.

Đồng chí Y Kha Mlô, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: địa bàn xã Cư Pơng có 18 thôn, buôn với hơn 2.000 hộ, gần 10.000 nhân khẩu, trong đó dân tộc Êđê chiếm đa số (65,2%). Về kinh tế, những năm gần đây, xã đã xây dựng được một nền nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại khá phát triển. Trên địa bàn xã hiện có 2 doanh nghiệp tư nhân, 6 điểm thu mua cà phê, 5 cơ sở chế biến sơ chế, 40 điểm dịch vụ thương mại… Trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, xã Cư Pơng luôn xác định mục tiêu xây dựng xã văn hóa gắn với nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Mục tiêu này đã được người dân đồng tình hưởng ứng thông qua Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”: 100% thôn, buôn đã được tuyên truyền, triển khai thực hiện. Tỷ lệ Gia đình văn hóa tăng theo từng năm, đến nay đã có 527 hộ Gia đình văn hóa và 3 thôn, buôn được công nhận Thôn, Buôn văn hóa; các thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng khá hoàn chỉnh, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, nâng cao dân trí cho nhân dân. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, trường lớp được đầu tư phát triển mạnh, đáp ứng được nhu cầu dạy và học; năm 2007, xã được công nhận đạt phổ cập giáo dục trung học cơ sở; chất lượng dạy và học ngày càng được nâng cao, tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp và lên lớp hằng năm đạt tỷ lệ 88% - 93%. Việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân cũng luôn được chú trọng, đội ngũ cán bộ Trạm y tế thường xuyên duy trì trực tại trạm, đảm bảo công tác tiếp nhận, khám và điều trị cho nhân dân; trong những năm qua tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng đã giảm từ 37,7% (năm 2005) xuống còn 20,1% (năm 2009)…

Phát huy truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", những năm qua, xã Cư Pơng đã thực hiện tốt chính sách đền ơn đáp nghĩa, nhiều gia đình chính sách được quan tâm, hỗ trợ kịp thời về vật chất và tinh thần, từ đó phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống. Bên cạnh đó, công tác xóa đói giảm nghèo cũng được triển khai có hiệu quả: Đến nay đã tiến hành làm mới và sửa chữa 144 căn nhà cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ; xây dựng 6 nhà đại đoàn kết với tổng kinh phí 134 triệu đồng; từ năm 2005 – 2009 đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 51,18% xuống còn 13,64%.

Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, tất cả mọi chủ trương của cấp ủy, chính quyền đều được công khai, dân chủ. Chính vì vậy, người dân trong xã luôn tin tưởng và sẵn sàng chung tay góp sức cùng chính quyền địa phương để từ đó tạo sức mạnh nội lực, cùng với truyền thống lịch sử anh hùng đã thành lực đẩy để Cư Pơng vươn lên đổi thay từng ngày, xây dựng cuộc sống mới giàu đẹp.

 

Lan Anh

 


Ý kiến bạn đọc