Multimedia Đọc Báo in

Bảo vệ người tiêu dùng: Góp phần tạo dựng vị thế hàng Việt

18:08, 24/09/2010

Trong quá trình triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", công tác bảo vệ người tiêu dùng được xem như một kênh quan trọng góp phần tạo dựng vị thế cho hàng Việt.

Ban chỉ đạo Cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" của tỉnh đã phát động CVĐ gắn với chương trình giới thiệu và bán hàng Việt Nam do doanh nghiệp (DN) có uy tín, có thương hiệu tham gia. Cùng với việc kêu gọi phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam, Ban chỉ đạo còn chú trọng tuyên truyền, vận động DN nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, thực hiện cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, xây dựng được thương hiệu quốc gia cho nhiều sản phẩm, hàng hóa Việt Nam. Qua gần 1 năm triển khai Chương trình, hiệu quả của hàng Việt tại thị trường nội địa có thể khẳng định bằng sự gia tăng số lượng các DN tham gia, số lượng các mặt hàng phục vụ người tiêu dùng, đặc biệt là khu vực thị trường nông thôn. Từ đầu năm đến nay, ngành thương mại cùng các DN tổ chức 2 Hội chợ giới thiệu hàng Việt trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, 2 đợt đưa hàng Việt về nông thôn trên địa bàn huyện Ea Kar và Cư Kuin, thu hút gần 50.000 lượt người tham gia ... Hàng hóa của DN tham gia chương trình đều được bảo đảm các tiêu chuẩn về chất lượng, kèm theo chế độ hậu mãi chu đáo đã góp phần thay đổi nhận thức, hành vi người tiêu dùng về việc dùng hàng sản xuất trong nước, đưa doanh số bán hàng trên địa bàn tăng lên đáng kể.

Mặt hàng bánh kẹo sản xuất trong nước của các thương hiệu uy tín chiếm tỷ lệ lớn tại các điểm phân phối trên địa bàn.
Mặt hàng bánh kẹo sản xuất trong nước của các thương hiệu uy tín chiếm tỷ lệ lớn tại các điểm phân phối trên địa bàn.


Theo bà Nguyễn Thị Phương Lan, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh, một yếu tố quan trọng tạo nên sức hút của CVĐ là việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được đặc biệt coi trọng. Các DN tham gia chương trình đã bảo đảm các quyền cơ bản của người tiêu dùng, như quyền được thông tin trung thực về hàng hóa, dịch vụ để tránh mua phải hàng kém chất lượng, hàng giả, được hướng dẫn về xu hướng tiêu dùng hợp lý và tiết kiệm ... Điều đó cũng thể hiện sự tôn trọng người  tiêu dùng, từ đó tạo dựng niềm tin với DN cũng như sản phẩm của DN. Do đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội thời gian tới là đẩy mạnh tuyên truyền để CVĐ nhận được sự hưởng ứng tích cực hơn nữa từ cả phía DN và người tiêu dùng, trước mắt sẽ phối hợp với Hội Phụ nữ thành lập Câu lạc bộ Hội viên nữ với những hoạt động thiết thực trong việc lựa chọn, sử dụng hàng hóa bảo đảm chất lượng.

Chọn mua hàng Việt tại Coop.Mart Buôn Ma Thuột.
Chọn mua hàng Việt tại Coop.Mart Buôn Ma Thuột.


Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban chỉ đạo CVĐ, đây là CVĐ lớn, thời gian triển khai chưa lâu nên vẫn còn những hạn chế, nhất là trong việc phối hợp và tuyên truyền vận động thực hiện nhằm thực sự bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng. Đại diện Coop. Mart Buôn Ma Thuột cho biết: hàng hóa bày bán tại Coop. Mart chủ yếu là hàng sản xuất trong nước của những DN có thương hiệu, uy tín, với cam kết rõ ràng về giá cả, chất lượng nên đã thu hút được người tiêu dùng cả khu vực đô thị lẫn nông thôn. Những chuyến đưa  hàng Việt về nông thôn của DN được chính quyền địa phương cũng như người tiêu dùng nhiệt tình ủng hộ. Tuy nhiên, tỉnh ta có địa bàn rộng nên chi phí vận chuyển cho mỗi chuyến hàng khá lớn, hàng về nông thôn phải lựa chọn hàng tốt, tặng hàng khuyến mại, giá rẻ hơn để phù hợp với điều kiện từng vùng, do đó, các chuyến hàng mới chỉ ở mức quảng bá thương hiệu, chưa đạt mục tiêu về lợi nhuận. Phòng Quản lý Thương mại (Sở Công thương) cho biết, cơ quan chức năng cũng chỉ ủng hộ DN về mặt chủ trương, chứ không có kinh phí hỗ trợ. Do đó, DN chưa thể mở rộng các hoạt động này. Mặt khác, cũng phải thừa nhận rằng, nhiều mặt hàng sản xuất trong nước có chất lượng và giá thành chưa hợp lý, chưa bắt kịp với nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng.  Đại diện một nhà phân phối lớn trên địa bàn TP. BMT cho biết,  trong tháng triển khai Chương trình Tự hào hàng Việt năm nay, dù các nhà sản xuất, phân phối đã thực hiện khuyến mãi khá rầm rộ, nhưng sức mua chỉ tăng khoảng 10%, giảm gần 20% so với năm trước, mà một phần là do chính sách giá cả, chất lượng và chế độ hậu mãi chưa đủ sức cạnh tranh với  hàng ngoại.

Theo Hội Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh, công tác bảo vệ người tiêu dùng sẽ góp phần thúc đẩy CVĐ đạt hiệu quả cao hơn. Cụ thể, DN phải ý thức được sự cạnh tranh, tự nâng cao chất lượng, uy tín, khả năng cạnh tranh để chứng minh với người tiêu dùng là sản phẩm tốt, chất lượng tương đương hàng nhập ngoại, nhưng giá cả lại phù hợp với sức mua của người Việt; người tiêu dùng được bảo đảm quyền, lợi đồng thời cũng phải có trách nhiệm trong việc ưu tiên sử dụng hàng Việt để tạo điều kiện cho các DN phát triển. Trong Chương trình xúc tiến thương mại của Bộ Công thương thời gian tới, chính sách quản lý sẽ theo hướng tạo môi trường cạnh tranh tốt hơn, hạn chế hàng giả, hàng nhái và kém chất lượng. Theo kế hoạch triển khai thực hiện CVĐ thời  gian tới, BCĐ của tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chú trọng vùng nông thôn với nội dung tuyên truyền, hướng dẫn, tư vấn người tiêu dùng sử dụng sản phẩm. Việc tuyên truyền chỉ đạt hiệu quả thực sự khi DN cam kết bảo vệ người tiêu dùng bằng chính chất lượng sản phẩm, uy tín của thương hiệu.

 

Hoa Hồng

 


Ý kiến bạn đọc