Multimedia Đọc Báo in

Làm nông kiểu mới

17:40, 01/09/2010

Áp dụng triệt để những thành tựu của khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; sản phẩm được sản xuất theo những tiêu chuẩn tiên tiến… Đó là những “điểm sáng” của nền nông nghiệp Dak Lak.

Hướng đến một nền nông nghiệp chất lượng cao
Nếu như trước đây sản xuất cà phê chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của người trồng thì bây giờ người trồng đã chú ý đến việc sản xuất cà phê theo quy trình kỹ thuật, đặc biệt là sản xuất cà phê theo những bộ tiêu chí và có hệ thống chứng nhận hoặc kiểm tra, như: Chứng nhận Utz (Utz Certified), Thương mại công bằng (Fairtrade), Liên minh rừng mưa (Rainforest Alliance), Bộ quy tắc ứng xử chung cho cộng đồng cà phê (4C)…. Đây là quy trình sản xuất các sản phẩm cà phê tốt, có trách nhiệm, truy nguyên nguồn gốc, an toàn thực phẩm và bền vững. Trong vài năm trở lại đây, diện tích cà phê sản xuất theo hướng bền vững, có chứng nhận hoặc kiểm tra trên địa bàn tỉnh đã không ngừng tăng lên. Theo Văn phòng Utz Certified tại Dak Lak, tính đến niên vụ 2008 - 2009, tỉnh ta đã có 7 công ty được chứng nhận với tổng diện tích gần 6.200 ha, sản lượng bình quân 15.500 tấn/năm. Ngoài ra, Utz Certified còn chứng nhận cho 7 nhà máy có chế biến cà phê thu hoạch trên những diện tích đạt chứng nhận Utz Certified. Giá cà phê có chứng nhận Utz Certified do các bên mua bán thỏa thuận nhưng thông thường cao hơn giá thị trường khoảng 60 USD/tấn. Phần lớn cà phê đạt chứng nhận Utz Certified của tỉnh ta được tiêu thụ ở thị trường châu Âu và Nhật Bản. Đối với chứng nhận Liên minh rừng mưa, dù mới được khởi động tại tỉnh ta từ năm 2008 thông qua một số dự án của Công ty liên doanh chế biến cà phê xuất nhập khẩu Man – Buôn Ma Thuột nhưng đến nay số diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn này đã vượt con số 1.000 ha; khoảng 900 hộ nông dân của huyện Cư M’gar và TP. Buôn Ma Thuột tham gia; sản lượng hằng năm khoảng 2.800 tấn. Theo các doanh nghiệp kinh doanh cà phê, giá trả tăng thêm cho cà phê có chứng nhận Liên minh rừng mưa trung bình trên thế giới khoảng 100 – 150 USD/tấn. Ngoài ra, diện tích sản xuất cà phê theo bộ quy tắc 4C cũng đã đạt khoảng 25.000 ha, sản lượng bình quân 80.000 tấn/năm; tiêu chuẩn Thương mại công bằng khoảng vài trăm ha, sản lượng trên dưới 1.000 tấn/năm.
Không chỉ riêng cây cà phê mà cây lúa cũng có những bước “nhảy” lớn. Từ chỗ sản xuất lúa thuần để đáp ứng nhu cầu lương thực trong tỉnh, người làm lúa đã chuyển sang sản xuất hạt giống lúa lai F1 để cung ứng giống lúa cho cả nước. Đặc biệt, nhiều tổ hợp lai năng suất đạt cao nhất cả nước như tổ hợp lai Bắc ưu 903 được sản xuất liên tục nhiều năm liền và năng suất bình quân tăng từ 2,27 - 4,75 tấn/ha đã đánh thức tiềm năng về phát triển một nền công nghiệp cao trong tương lai. Vụ đông - xuân 2009-2010, Trung tâm sản xuất giống lúa lai Ea Kar (TTSXGLL) đã hợp tác với Viện Cây lương thực và cây thực phẩm Việt Nam, Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam, Công ty Giống cây trồng miền Bắc, Công ty Bioseed... tổ chức sản xuất hạt giống lai F1 được 448 ha, chiếm 24,5% tổng diện tích cả nước và tăng trên 325 ha so với vụ đông - xuân 2008 - 2009, chủ yếu là lúa lai 3 dòng (417ha) còn lại là lúa lai 2 dòng. Tổng sản lượng đạt 1.174 tấn. Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng, về lâu dài quy mô sản xuất hạt giống lúa lai ở vùng Krông Pak, Ea Kar của Dak Lak có thể đạt 4.500 – 5.000ha sẽ bảo đảm được 70% nhu cầu sản lượng hạt lúa giống lai thương phẩm cho cả nước.

Y Suyn Êban đang cắt tỉa cành cà phê.
Y Suyn Êban đang cắt tỉa cành cà phê.

Nông dân chuyên nghiệp hơn
Những thay đổi đó bắt đầu từ những hoạt động sản xuất của người lao động, họ được trang bị kiến thức khoa học - kỹ thuật một cách bài bản hơn để có một vườn cà phê tốt, bảo đảm về chất lượng nhưng vẫn đạt sản lượng như mong muốn và giá trị cao hơn. Đặc biệt, những nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số cũng đã bắt kịp được những đổi mới trong sản xuất để ứng dụng trên đồng ruộng của mình. Gia đình Y Suyn Êban (buôn Dhăp Rông, xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, ngày trước, đồng bào làm cà phê theo phong trào, thấy người khác làm mình cũng làm và chủ yếu là “học” lẫn nhau. Chính vì thế, nhiều công việc quan trọng như chọn lọc giống, phân bón, quy trình chăm sóc… cũng không được quan tâm nên năng suất không cao, chất lượng sản phẩm thấp và cây trồng dễ bị sâu bệnh. Mấy năm gần đây, đồng bào được cán bộ kỹ thuật của Công ty TNHH Một thành viên Xuất nhập khẩu 2-9 hướng dẫn cho cách sản xuất cà phê theo hướng bền vững. Việc trồng và chăm sóc cà phê được xây dựng thành quy trình, kế hoạch chi tiết. Từ khi được hướng dẫn, đồng bào đã biết khi nào cần cắt tỉa cành, trồng cây gì để chắn gió và che mát cho cây cà phê, tưới nước bao nhiêu là đủ, bón loại phân nào tốt nhất và tỷ lệ từng loại ra sao, thu hoạch, bảo quản và sơ chế sản phẩm như thế nào là tốt… “Với 4 ha cà phê nhưng từ ngày làm theo hướng dẫn của cán bộ, chi phí sản xuất thấp hơn mà năng suất lại rất ổn định, khoảng 12 tấn nhân/năm, không còn cảnh năm được năm mất như trước nữa. Cái “sướng” nhất là sản phẩm bán được giá cao hơn so với giá thị trường”, Y Suyn phấn khởi. Y Suyn cho biết thêm, ông và hơn 180 hộ nông dân trong xã đang tham gia vào Liên minh sản xuất cà phê bền vững trong khuôn khổ dự án cạnh tranh nông nghiệp của tỉnh, sản xuất cà phê theo Chứng nhận Utz (Utz Certified). Với việc sản xuất hạt giống lai nông dân Dak Lak cũng đã nâng tầm của mình lên cao khi họ vừa là người trực tiếp sản xuất vừa như nhà “khoa học” trên đồng ruộng. Vừa giải thích cho chúng tôi về những từ kỹ thuật trong sản xuất hạt giống F1 như: bất dục, hữu dục là gì, cách kéo phấn cho lúa như thế nào…, chị Nguyễn Thị Tiệp, công ty cà phê 720 (Ea Kar) cho biết, gia đình đã 5 năm liên tiếp tham gia sản xuất lúa giống F1. So với sản xuất lúa thuần tuy có vất vả hơn nhiều nhưng trình độ canh tác của người dân được nâng lên rõ rệt, từ khâu làm đất, sạ lúa, bón phân, chăm sóc, thu hoạch… đều được hướng dẫn và làm đúng yêu cầu kỹ thuật. Nông dân phải nhìn màu lá để bón phân và bón đúng liều lượng chứ không phải thích bón bao nhiêu thì bón như trước đây; phải đo nhiệt độ để kịp thời điều chỉnh tổ hợp bố, mẹ để tránh lệch pha, nếu “sai một ly” là mất mùa như chơi. Nhưng cũng nhờ đó, chúng tôi phải nỗ lực học hỏi, trau dồi kiến thức…. vừa để phục vụ sản xuất, vừa nâng tầm người nông dân lên cao hơn. Cùng một suy nghĩ ấy, ông Võ Tiến Sỹ, Công ty Cà phê 720 (Ea Kar) nói, từ khi chuyển sang sản xuất hạt giống lúa lai Nhị ưu 838 với năng suất trung bình từ 3,5-4 tấn/ha cùng với giá bán cao hơn gấp 3 lần lúa thuần đã góp phần tăng thu nhập đáng kể cho người dân. Song điều quan trọng là các hộ sản xuất hạt giống được tiếp cận với quy trình kỹ thuật sản xuất lúa cao hơn, áp dụng tiến bộ khoa học mới vào sản xuất. Theo đó, đã làm thay đổi tập quán canh tác truyền thống của nông dân và nâng cao trình độ cho nông dân.

 

Lê Ngọc – Thuận Nguyễn

 


Ý kiến bạn đọc