Multimedia Đọc Báo in

Nghịch lý trong sản xuất và ương nuôi cá giống

09:51, 26/09/2010

Là tỉnh có tiềm năng lớn về phát triển thủy sản, đặc biệt hàng năm lượng cá bột xuất ra ngoài tỉnh đạt tới 60 – 80% tổng số sản xuất, tuy nhiên, hàng năm Dak Lak lại phải nhập khoảng 74 triệu con giống, chiếm hơn 61% cá giống thả nuôi trên địa bàn, rõ ràng đây là một nghịch lý.

Nghịch lý xuất cá bột... nhập cá giống
Từ những năm 80, Công ty Thủy sản Dak Lak đã bắt đầu cung cấp cá bột ra thị trường TP. Hồ Chí Minh có chất lượng tốt. Đến nay, tổng số lượng cá bột sản xuất hàng năm đạt 400 – 800 triệu con. Các loài cá được sản xuất trong tỉnh đa số là cá truyền thống như trắm, trôi, chép, mè…Trong tổng sản lượng cá bột được sản xuất hằng năm 790 triệu con thì có khoảng 474 triệu con cung cấp cho các địa phương khác, chiếm 60 – 70%, còn lại khoảng 307 triệu cá bột được ương tại tỉnh. Trong khi đó, hàng năm tỉnh cần khoảng 119 triệu con cá giống đáp ứng cho nhu cầu nuôi thả trên địa bàn, nhưng lượng giống tại địa phương chỉ đáp ứng được 45 triệu con, còn lại phải nhập từ các địa phương khác với số lượng lớn, khoảng 74 triệu con. Theo nhiều nông dân nuôi cá ở địa bàn xã Ea Kao cho biết, phần lớn các giống cá như diêu hồng, rô phi đơn tính, cá lóc môi trề, cá tra, trắm, chép… đều mua từ các tỉnh phía Nam về nuôi, còn trên địa bàn tỉnh chưa có hoặc có ít, không đủ để cung cấp cho người dân. Chi cục Thủy sản cho biết, mặc dù Dak Lak đã triển khai nhiều đề tài, dự án về sản xuất, chọn giống và ương nuôi các loại cá có giá trị kinh tế cao, nhưng còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là đối với loại cá chép, trắm, chủ yếu chỉ sản xuất cá bột, sau đó được vận chuyển đi các địa phương khác như  TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long để ương lên cá giống và chuyển ngược lại. Nguyên nhân của việc xuất cá bột nhưng lại nhập cá giống vì tỉnh ta thiếu diện tích ương san, thời tiết khí hậu nhiệt độ thấp, biên độ giữa ngày và đêm có sự thay đổi lớn nên tỷ lệ ương san chỉ đạt 30 – 40% từ cá bột sang cá giống. Bên cạnh đó, cho đến nay hầu hết nguồn cá bố mẹ ít được thay thế, bổ sung, việc sản xuất giống cá cấp 1 đều dựa vào công trình sinh sản nhân tạo theo công nghệ Trung Quốc; số lượng trại sản xuất giống thủy sản trên địa bàn không biến động nhiều, với 9 trại và tổng công suất thiết kế khoảng 1,4 tỷ con nhưng trên thực tế, khả năng khai thác chỉ đạt 30 – 60% so với thiết kế vì cơ sở hạ tầng trong nuôi trồng thủy sản chưa được đầu tư về kỹ thuật. Thêm vào đó, việc nhập con giống bên ngoài về cũng đã gây không ít khó khăn cho việc quản lý, kiểm soát chất lượng con giống trên địa bàn.

Mô hình nuôi cá trê trong bể xi măng ở thị trấn Ea Kar, huyện Ea Kar.
Mô hình nuôi cá trê trong bể xi măng ở thị trấn Ea Kar, huyện Ea Kar.

Kỳ vọng từ dự án quy hoạch
Vừa qua, Chi cục Thủy sản tỉnh đã công bố quy hoạch phát triển ngành thủy sản giai đoạn 2009 – 2015 và định hướng đến năm 2020, trong đó chú trọng đầu tư mới và nâng cấp hệ thống sản xuất giống thủy sản nước ngọt để cung cấp cho nhu cầu nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh và các vùng lân cận; từng bước thay thế đàn cá bố mẹ không bảo đảm chất lượng tại các cơ sở sản xuất giống… TP. Buôn Ma Thuột sẽ là trung tâm nghề cá và Ea Kar trở thành trung tâm thủy sản của tỉnh nhằm đẩy mạnh sản xuất và ương nuôi cá giống. Theo dự án, nhu cầu cá giống trên địa bàn tỉnh đến năm 2015 khoảng 81,39 triệu con, bao gồm 3,15 triệu con cá rô phi, cá đặc sản khoảng 4,92 triệu con và cá truyền thống 73,32 triệu con) Và đến năm 2020, cần 91,33 triệu con, trong đó cá rô phi 7,65 triệu con, cá đặc sản 87,6 triệu con và cá truyền thống 74,92 triệu con. Dự kiến, từ năm 2011 – 2015 sẽ thành lập Trung tâm giống thủy sản và chuyển giao công nghệ để tăng cường công tác nghiên cứu và tổ chức đưa các kết quả nghiên cứu ứng dụng vào sản xuất thủy sản nội địa; tập hợp tuyển chọn và lưu giữ giống thuần, thuần hóa những loài thủy sản mới nhập có giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, để đáp ứng cho việc sản xuất con giống, từ nay đến năm 2020 sẽ đầu tư xây dựng mới và nâng cấp một số trại sản xuất giống hiện có với tổng công suất đạt khoảng 2.150 triệu con cá bột. Cụ thể, sẽ xây dựng hệ thống trại sản xuất giống với tổng công suất khoảng 500 triệu cá bột/năm. Đồng thời, nâng cấp 9 trại giống hiện có để đáp ứng nhu cầu sản xuất cả về số lượng và chất lượng, gồm nâng cấp trại giống số 1 (50 triệu cá bột/năm) và số 2 (khoảng 100 triệu con cá bột/năm) của Công ty cổ phần Thủy sản Dak Lak. Hiện một số trại đã được nâng cấp cả về hệ thống bể đẻ, ấp và hệ thống ao nuôi vỗ, ao ương. Theo ông Vũ Văn Đông, Phó giám đốc Sở NN-PTNT, dự án sẽ là hành lang thuận lợi để các địa phương nằm trong vùng quy hoạch được đầu tư, nâng cấp các cơ sở sản xuất, ương san con giống, ứng dụng tiến bộ khoa học vào việc nhân giống, chọn giống có chất lượng và giá trị kinh tế cao để đáp ứng tốt nhu cầu nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh.

 

Thuận Nguyễn

 


Ý kiến bạn đọc