Nông dân Ea Pil lao đao vì dịch bệnh ở gia súc
Trong khi dịch heo tai xanh đang diễn biến phức tạp thì từ đầu tháng 9 đến nay, dịch lở mồm long móng lại xuất hiện làm người chăn nuôi ở Ea Pil (huyện M’ Drak) lao đao.
Dịch heo tai xanh bắt đầu xuất hiện và bùng phát rất nhanh ở xã này từ đầu tháng 8, đến 13 – 9, đàn heo ở cả 14 thôn, buôn đều bị nhiễm bệnh tai xanh, với số lượng lên đến hơn 700 con, trong đó đã tiêu hủy 169 con với tổng trọng lượng 5026,5 kg, tập trung nhiều nhất ở thôn 7 và 10. Đi một vòng các hộ dân trong xã, chuồng trại nhà nào cũng ngửi thấy mùi thuốc khử trùng, ở đâu người ta cũng nói chuyện heo tai xanh và thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Hiện, chỉ có đàn heo của một vài hộ được cách ly tuyệt đối, khử trùng thường xuyên là không bị bệnh. Gia đình chị Phạm Thị Mười (thôn 10) là một trong những hộ bị thiệt hại nặng nhất với 10 con đã tiêu hủy và hơn 40 con trong chuồng đang bị nhiễm. Chị rầu rĩ nói: “Cả nhà trông cả vào đàn heo, lứa này coi như mất trắng, nợ nần chồng chất, sắp tới chưa biết xoay xở thế nào”.
Chưa hết điêu đứng vì dịch heo tai xanh thì dịch lở mồm long móng lại xuất hiện trên đàn trâu, bò ở Ea Pil. Ngày 3 – 9, một con bò của anh Đoàn Văn Giới (thôn 4) bị phát hiện nhiễm bệnh và sau đó hàng loạt con trâu, bò của các hộ dân cũng có các triệu chứng của bệnh. Đến trung tuần tháng 9, ổ dịch ở các thôn 1, 2, 3, 4, với số lượng 82 con, có 4 con bị chết đã tiêu hủy, tình hình dịch bệnh trên càng trở nên phức tạp hơn vì đã lây sang heo. Nguyên nhân do ông Lê Văn Dĩnh (thôn 4) dắt bò bị lở mồm long móng đến gửi ở nhà con trai là Lê Văn Quyền (thôn 11) và lây bệnh sang đàn heo của gia đình anh, từ đó lây sang heo của các hộ khác. Ngày 15 – 9, chính quyền và cán bộ thú y xã Ea Pil đã tiêu hủy 2 con heo của ông Nguyễn Biên Cương (thôn 2) trong tổng số 14 con bị lở mồm long móng.
Đàn bò 5 con của chị Ngô Thị Mỹ Dung đã bị nhiễm bệnh. |
Chị Ngô Thị Mỹ Dung (thôn 2) có 5 con bò kéo và sinh sản (trị giá khoảng 40 triệu) đều bị nhiễm bệnh. Bà Nguyễn Thị Nữ, cán bộ thú y xã Ea Pil cho biết, chưa năm nào dịch bệnh ở gia súc lại bùng phát mạnh mẽ ở địa phương như năm nay. Từ khi có dịch, với sự chỉ đạo của trạm thú ý huyện và chi cục thú y, chính quyền xã đã triển khai các biện pháp phòng chống dịch mạnh mẽ như tiêm phòng cho cả đàn gia súc, sử dụng thuốc kháng sinh, phun thuốc khử trùng, lập các chốt chặn để kiểm soát không cho vận chuyển gia súc ra và vào nơi có dịch…Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn ra phức tạp và có khả năng tiếp tục lây lan. Nguyên nhân, theo cán bộ thú y xã là do nhiều thôn của xã nằm dọc quốc lộ 26 rất khó kiểm soát, nhiều hộ còn chủ quan trong công tác phòng bệnh cho vật nuôi.
Ea Pil có đàn gia súc khoảng 4.000 con; hằng năm, ngành chăn nuôi đóng góp rất nhiều cho ngân sách địa phương. Ông Lò Văn Đấm, Chủ tịch UBND xã cho biết, chưa thể thống kê hết thiệt hại của dịch bệnh nhưng có thể nói tổn thất là rất lớn khiến nhiều hộ dân lao đao.
Ý kiến bạn đọc