Multimedia Đọc Báo in

Học kinh nghiệm sản xuất của cán bộ đảng viên để thoát nghèo

16:07, 04/10/2010

Từ một xã vùng sâu, vùng xa thuộc diện khó khăn nhất huyện Krông Buk, đến nay nhiều hộ đồng bào xã Cư Pơng đã thoát nghèo nhờ học hỏi kinh nghiệm sản xuất từ một số cán bộ, đảng viên. Đặc biệt, xã đã vươn lên vị trí thứ 2 toàn huyện trong thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước.

Cư Pơng là vùng căn cứ cách mạng H5, xã Anh hùng của huyện Krông Buk, đang phấn đấu thoát ra khỏi danh sách xã khó khăn cuối năm 2010. Toàn xã hiện có 18 thôn buôn, 2.059 hộ, 10.811 khẩu, với 7 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 57%. Những năm trước đây, đời sống của người dân còn nhiều hạn chế do canh tác lạc hậu, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, đường sá đi lại khó khăn; năm 2004, toàn xã còn hơn 68% hộ nghèo. Trước tình hình đó, Đảng bộ xã đã chỉ đạo các đoàn thể, chi bộ thôn, buôn và cán bộ, đảng viên phải bám sát cơ sở, tuyên truyền, vận động và hỗ trợ bà con đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, xây dựng nông thôn mới ngày càng phát triển đi lên. Nhờ vậy ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương điển hình trong sản xuất, phát triển kinh tế như gia đình ông Y Hiền Niê, Chủ tịch Hội Nông dân xã, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng từ mô hình trồng cà phê và chăn nuôi heo; gia đình ông Bùi Xuân Giàu, Chủ tịch UBND xã; ông Võ Văn Quác, Phó Chủ tịch UBND xã làm giàu từ cây cà phê, mỗi năm cho thu nhập hàng chục triệu đồng…

Dọn dẹp vệ sinh đường làng, ngõ xóm là việc làm thường xuyên của người dân buôn Adrêng Diết.
Dọn dẹp vệ sinh đường làng, ngõ xóm là việc làm thường xuyên của người dân buôn Adrêng Diết.

Học tập kinh nghiệm sản xuất của cán bộ, đảng viên nhiều hộ trong xã đã vươn lên thoát nghèo. Ông Y Sim Mlô, buôn Adrêng Diết cho biết, nhờ Hội Nông dân xã mở lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác, chăm sóc cây cà phê, chăn nuôi; cho tham quan những mô hình sản xuất hiệu quả, và được hội cho vay vốn chăn nuôi heo nên đến nay gia đình đã thoát nghèo. Không  riêng gì ông Y Sim mà nhiều gia đình khác như Y Kin Ajun, Y Jơh Kbuôr, Y Jing Ajun… trong buôn cũng đã thoát nghèo. Với cách làm này, Đảng bộ xã đã tạo được bước đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Nếu như năm 2004 nộp ngân sách Nhà nước của xã chỉ đạt 68 triệu đồng thì đến năm 2009, xã đã vươn lên trở thành địa phương đóng góp ngân sách đứng thứ 2 của huyện, với 1,6 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 68% (năm 2004) xuống còn 13,4% (năm 2010), thu nhập bình quân tăng từ 1 triệu đồng lên 3,5 triệu đồng/người/năm. Tình trạng nhà tạm, nhà tranh tre vách nứa đã được xóa bỏ; trạm y tế, trường học được đầu tư xây dựng đáp ứng đủ nhu cầu khám chữa bệnh, học tập của người dân địa phương. Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, toàn xã đã nhựa hóa được 70% các trục đường liên thôn, 30% còn lại là đường cấp phối. Nhiều công trình thủy lợi đã được đầu tư xây dựng như đập Ea Diêng, Ea Mur,  với kinh phí 7 tỷ đồng để phục vụ nước tưới cho hơn 2.319 ha cà phê, 80 ha điều và hàng trăm ha hoa màu các loại.

 

Tuấn Anh

 


Ý kiến bạn đọc