Khô hạn và các biện pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại do hạn hán gây ra
Khí hậu Tây Nguyên hằng năm được phân chia làm 2 mùa rõ rệt nên có 6 tháng không mưa hoặc mưa không đáng kể, khô hạn vì vậy cũng luôn tồn tại cùng với các điều kiện tự nhiên khác… làm cho khí hậu Tây Nguyên có nét đặc thù so với khí hậu các vùng khác trên cả nước.
Người dân chống hạn cho cây cà phê bằng nguồn nước ngầm. (Ảnh: T.L) |
Những năm gần đây, tình hình khô hạn diễn ra thường xuyên hơn trên địa bàn tỉnh ta, gây ra thiệt hại nặng nề đến đời sống, sản xuất của nhân dân, ảnh hưởng không nhỏ đến điều kiện dân sinh, kinh tế-xã hội của tỉnh. Ngoài ra hạn hán còn làm cho nguy cơ suy thoái, ô nhiễm về môi trường hết sức nặng nề, kéo theo sự thiếu nước sinh hoạt, làm gia tăng dịch bệnh đối với con người và gia cầm gia súc nói chung…
Trong điều kiện rừng bị tàn phá nặng nề như hiện nay, độ che phủ của bề mặt bị suy giảm mạnh nên tình trạng khô hạn đã rất gay gắt và trong thời gian tới sẽ có nguy cơ diễn ra càng gay gắt hơn.
Đánh giá sơ bộ ảnh hưởng của hạn hán 30 năm trở lại đây cho thấy diễn tiến của tình hình khô hạn ngày càng gia tăng cả về quy mô và mức độ, thậm chí còn phát triển thêm loại hình khô hạn khác (ví dụ: khô hạn trong mùa mưa, khô hạn sớm, khô hạn cục bộ, khô hạn do kế hoạch cây trồng không hợp lý, khô hạn kéo dài bất thường…) đã làm thiệt hại rất lớn không những cho vụ đông xuân, mà còn thiệt hại nặng đến cả sản xuất vụ hè thu (là vụ chính của tỉnh ta nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung)
Số liệu thiệt hại do khô hạn trong mùa mưa qua các năm có thể tham khảo ở bảng sau:
Phân tích và đánh giá tình hình diễn biến khô hạn của 10 năm trở lại đây so với các năm trước (từ những năm trước năm 2000) chúng tôi thấy có những đặc điểm đáng chú ý sau đây: tình hình thiệt hại do khô hạn gây ra ngày càng nhiều và mức độ càng nặng; diễn biến tình hình hạn trên địa bàn ngày càng phức tạp; loại hình hạn hán có chiều hướng gia tăng (hạn khí tượng, hạn thủy văn, hạn do con người tạo ra…)
Trong các loại hình khô hạn trên có những loại hình khô hạn không có giải pháp nào khắc phục ngoài việc phải “sống chung với hạn” nhưng có những loại hình khô hạn đang diễn ra trong thực trạng hiện nay vẫn có giải pháp để làm giảm đi mức độ nghiêm trọng của nó để lại, hoặc làm giảm thiểu thiệt hại có nguy cơ xảy ra…
Để có cơ sở cho việc định hình chiến lược đối với công tác phòng, tránh và giảm nhẹ thiệt hại do hạn hán gây ra trên địa bàn tỉnh, chúng tôi xin có những đề xuất sau:
1.Lập bản đồ phân vùng khí hậu, tiểu khí hậu cho các vùng đặc trưng và tiến đến trên toàn tỉnh.
2.Điều tra dòng chảy mùa cạn trên các sông suối, thành lập bản đồ dòng chảy mùa cạn.
3.Đo đạc và phân tích đánh giá diễn biến mực nước ngầm trong từng vùng thông qua các giếng khơi.
4.Điều tra, đánh giá về loại cây trồng, diện tích cây trồng bị hạn, thời gian bị hạn trong năm.
5.Tổng hợp các kết quả trên thiết lập bản đồ phân vùng hạn, đánh giá mức độ khô hạn và tìm nguyên nhân gây khô hạn chủ yếu ảnh hưởng đến thực tế sản xuất và đời sống của nhân dân trong vùng.
Từ các hoạt động cụ thể trên, kết hợp với các thông tin về thiệt hại của các địa phương tiến hành kiểm chứng để đánh giá thực trạng loại hình khô hạn đã gây ra thiệt hại thật chính xác, xác định nguyên nhân chủ yếu, phân loại khô hạn trên thực địa cho từng vùng (bởi vì có những nơi thiệt hại nặng do việc triển khai sản xuất không phù hợp, khác với khô hạn nặng do tự nhiên gây ra). Qua việc điều tra thực tế này có thể xác định được quy mô khô hạn cho các khu vực cụ thể, trong đó phân biệt được mức độ hạn khí tượng, hạn thủy văn hay hạn do sản xuất không hợp lý gây ra và từ đó đề ra các giải pháp phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai trong thời gian tới.
(Giám đốc Trung tâm KTTV Dak Lak)
Ý kiến bạn đọc