Đưa lúa lai đến vùng khó khăn tạo nên những mùa vàng
14:54, 12/11/2010
Thay đổi cơ cấu giống và thói quen canh tác truyền thống, nâng cao năng suất, giải quyết nhu cầu lương thực tại chỗ, góp phần bảo đảm một triệu tấn lương thực một cách bền vững…, đó là những kết quả mà các chương trình đưa lúa lai đến vùng khó khăn của tỉnh đã đạt được.
Chỉ vào ruộng lúa trĩu bông được trồng bằng giống lai mới sắp cho thu hoạch, ông Y Khem Ê Ban ở buôn Krông B, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột phấn khởi nói, từ trước đồng bào ở đây chỉ quen dùng giống lúa của cha ông để lại nên bông lúa vừa ngắn vừa ít hạt, mỗi vụ chỉ thu được 4-5 tạ/sào. Vụ hè thu vừa rồi được Trung tâm khuyến nông tỉnh hỗ trợ giống lúa lai 3 dòng PHB 71 đưa vào sản xuất tại buôn, vì thế bà con đã được tiếp cận với giống mới này. So với giống cũ, giống lúa này có bông dài, hạt dài và cho năng suất cao gần gấp đôi, khoảng trên 9 tạ/sào. Bà con trong buôn mừng lắm, chưa năm nào cả buôn được mùa như năm nay.
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, bằng nguồn vốn từ chương trình khuyến nông Quốc gia, Trung tâm đã phối hợp với Công ty giống Pioneer (TP. Hồ Chí Minh) đưa giống lúa lai 3 dòng PHB 71 làm mô hình thí điểm tại vùng khó khăn về lương thực ở buôn Ê Nao B và buôn Krông B (Xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột). Tổng diện tích gieo trồng là 8,8 ha, trong đó, buôn Krông B 4 ha với 47 hộ tham gia, buôn Ê Nao B có 4,8 ha với 46 hộ tham gia. Sau hơn 3 tháng gieo trồng, đa số bà con nhận xét, giống lúa lai 3 dòng PHB 71 thích hợp với loại ruộng ở đây và cho năng suất cao, cây lúa không bị đổ, không nhiễm rầy nâu và bệnh đốm sọc vi khuẩn... Với những ưu điểm trên, bà con ở đây mong muốn sẽ được tiếp tục gieo trồng giống lúa này cho vụ sau để đạt hiệu quả cao hơn.
Cùng với chương trình đưa lúa lai vào vùng khó khăn về lương thực, chương trình lúa lai diện rộng được Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai rộng rãi hơn, góp phần thay đổi phương pháp canh tác và cơ cấu giống của người dân vùng sâu, vùng xa. Anh Y Briêu Niê ở buôn Hằng 1A (xã Ea Uy, huyện Krông Pak) cho hay, trong vụ hè thu vừa rồi gia đình được tham gia vào chương trình lúa lai diện rộng, ngoài việc được hỗ trợ về giống lúa lai Nhị ưu 838, gia đình còn được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc giống lúa lai. Khác với trước đây, bà con thường gieo sạ từ 15 - 20kg/sào, bón phân thì tùy vào khả năng của từng hộ. Còn bây giờ, theo hướng dẫn của cán bộ chỉ cần sạ 4-5kg/sào, bón phân phải đúng thời kỳ, đúng liều lượng, đúng loại… nên chi phí giảm nhiều nhưng mà suất lại tăng cao, đạt từ 7 – 8 tạ/sào, cao hơn so với giống của bà con hay làm từ 1 – 1,5 tạ/sào. Trong năm 2010, chương trình lúa lai diện rộng được Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai ở 4 huyện: Ea H’leo, Krông Pak, Ea Súp, M’Drak với tổng diện tích 121 ha và loại giống Nhị ưu 838. Tại huyện Krông Pak, chương trình được triển khai tại 2 xã Ea Uy và Ea Hiu với tổng diện tích 20 ha, số lượng người dân tham gia là 80 người. Kết quả mô hình cho thấy, giống lúa Nhị ưu 838 vụ hè thu có thời gian sinh trưởng từ 105-110 ngày, đẻ nhánh khỏe, cứng cây không đổ ngã, tỉ lệ hạt chắc đạt rất cao, có khả năng chống chịu sâu bệnh và phục hồi tốt hơn so với lúa thuần, cho năng suất cao và đáp ứng được nhu cầu sản xuất 2 vụ lúa/năm. Mô hình đã đạt mục tiêu và yêu cầu đề ra và có cơ sở để mở rộng sản xuất lúa lai ra diện rộng. Bà con nông dân đề nghị ngành nông nghiệp tiếp tục có chính sách trợ giá giống để giảm chi phí đầu vào cho nông dân, nhằm mở rộng diện tích sản xuất lúa lai tại các vùng khó khăn về lương thực trong các năm tới. Ông Nguyễn Nhật Lệ, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, các chương trình đưa lúa lai về vùng khó khăn không những giải quyết được nhu cầu lương thực tại chỗ cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số mà còn góp phần tăng nhanh năng suất bảo đảm 1 triệu tấn lương thực, tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp và thu nhập cho nông dân một cách bền vững.
Thuận Nguyễn
Ý kiến bạn đọc