08:10, 29/11/2010
Tính tới cuối ngày 28-11, hầu hết các thương hiệu vàng lớn trong nước đều công bố giá mua – bán quanh mức 35,65 – 35,75 triệu đồng/lượng. Như vậy giá vàng đã có 4 ngày liên tiếp giữ vững mốc: hơn 35 triệu đồng/lượng.
Giá vàng lúc 17 giờ, ngày 28-11, ở Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC được niêm yết tại TP. HCM: mua vào 35,67 - bán ra 35,71 triệu đồng/lượng. Tại Hà Nội, giá giao dịch: 35,67- 35,73 triệu đồng/lượng.
Vàng Rồng Thăng Long của Công ty TNHH Vàng bạc đá quý Bảo tín Minh châu lúc 17 giờ: mua vào: 35,71 - bán ra: 35,78 triệu đồng/lượng. Vàng Phượng hoàng của Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận PNJ-DAB: mua vào 35.66 – bán ra: 35.70 triệu đồng/lượng.
Cùng thời điểm, vàng SBJ của Công ty Vàng bạc đá quý Sacombank - SBJ được giao dịch quanh mức giá 35,65 - 35,75 triệu đồng/lượng.
Như vậy, trong tuần qua, khi có tin Ngân hàng Nhà nước tiếp tục cấp quota nhập khẩu vàng cho một số ngân hàng và tổ chức kinh doanh vàng, thì giá vàng đã hạ nhiệt và liên tục giữ giá, khiến việc giao dịch vàng không mấy sôi nổi. Đây là lần thứ 3 trong vòng 2 tháng Ngân hàng Nhà nước quyết định cấp phép nhập khẩu vàng cho các đơn vị; động thái này được đánh giá là dùng để bình ổn giá thị trường nói chung và thị trường vàng nói riêng.
Trong phiên cuối tuần giá vàng quốc tế đã điều chỉnh giảm mạnh hơn 5 USD/oz sau thông tin yêu cầu tăng tỷ lệ ký quỹ của sàn giao dịch hàng hoá Thượng Hải nhằm giảm đầu cơ.
|
Như vậy, giá vàng trên thị trường quốc tế phiên cuối tuần đã giảm gần sát giá 1350 USD/oz. Hiện giá vàng đang ở mức: 1364.20 USD/oz (Giá cập nhật lúc 23 giờ - Giờ Việt Nam). (Ảnh: Kitco) |
Theo dự đoán của các chuyên gia, trong tuần tới, giá vàng thế giới và trong nước có thể tăng khi lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ của châu Âu thúc đẩy nhu cầu đối với đầu tư thay thế cho đồng euro. Bên cạnh đó thị trường cũng chú ý tới những dữ liệu kinh tế Mỹ trong tuần tới, có thể có tác động mạnh tới thị trường hàng hoá.
Tuần này, Ireland đã trở thành đất nước trong khu vục đồng EUR thứ hai(sau Hi Lạp), tìm kiếm gói cứu trợ tài chính từ Liên minh châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế. EUR đã giảm xuống mức thấp nhất trong hai tháng so với đồng USD khiến chi phí đi vay tại Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha lại tăng thêm. Điều này càng làm dấy lên lo ngại rằng cuộc khủng hoảng nợ của khu vực này sẽ bị trầm trọng thêm. Theo các nhà phân tích, nếu cuộc khủng hoảng nợ của châu Âu lây lan, vàng sẽ tăng cùng với USD khi người châu Âu vội vàng thay thế cho EUR.
Trong tuần tới thị trường sẽ đón nhận nhiều thông tin kinh tế Mỹ quan trọng có sự ảnh hưởng lớn tới thị trường hàng hoá. Trong đó đáng chú ý là: Bảng lương phi nông nghiệp (công bố vào tối thứ 6); Chỉ số sản xuất; Chỉ số niềm tin tiêu dùng trong tháng 11; Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), ông Ben Bernke sẽ có bài phát biểu; Đơn xin trợ cấp thất nghiệp tuần; Doanh số nhà chờ bán tháng 11.
|
stock-photo-bank-icon-with-gold-coins-columns-64962718.jpg |
Thị trường châu Á, tuần tới sẽ tập trung vào Dữ liệu sản lượng công nghiệp của Nhật Bản và cuộc Khảo sát hoạt động sản xuất của Trung Quốc. Theo đó, các nhà kinh tế học dự đoán dữ liệu kinh tế trên của Nhật Bản sẽ nối tiếp tháng sụt giảm thứ tư liên tiếp, theo sau mức giảm 1,6% trong tháng 9; Trong khi đó, hai cuộc khảo sát về chỉ số quản lý sản xuất PMI được thực hiện bởi Cơ quan quốc gia về hậu cần và mua sắm Trung Quốc (China Federation of Logistics and Purchasing) và HSBC được kỳ vọng sẽ tiếp tục gia tăng tháng thứ 21 liên tiếp mặc dù tốc độ tăng trưởng dần chậm lại.
Thị trường chứng khoán thế giới cùng chung xu hướng giảm điểm trong tuần qua với những gánh nặng từ khu vực châu Âu và Đông Á. Bên cạnh đó, những lo ngại về căng thẳng quân sự giữa hai miền Triều Tiên chắc chắn sẽ là một chủ đề thu hút sự quan tâm cũng như ảnh hưởng biến động của thị trường.
G.T (
tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc