Hỗ trợ nông dân nâng cao năng lực tiếp cận thị trường
Nâng cao năng lực tiếp cận thị trường cho nông dân là một nội dung quan trọng trong phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, giúp nông dân có cơ hội tạo ra nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, gia tăng lợi ích kinh tế.
Gắn sản xuất với tiêu thụ
Với việc xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm…, những mô hình xây dựng chuỗi giá trị nông sản từ sản xuất đến tiêu thụ đang bước đầu phát huy hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thực cho nông dân. Mô hình phát triển chăn nuôi kết hợp giữa nông dân và thương lái ở huyện Ea Kar đã gắn sản xuất với thị trường, mang lại hiệu quả cao trong chăn nuôi bò. Trước đây, người dân chăn nuôi bò tự nhiên, không quan tâm đến các vấn đề như giống, độ tuổi của bò, chất lượng thịt...Cơ quan khuyến nông đã chủ động cùng với đội ngũ thương lái trong huyện đi tìm hiểu nhu cầu của từng đầu mối tiêu thụ , phân loại nhu cầu từng thị trường, từ đó kết hợp định hướng cho người nông dân chăn nuôi để có được những sản phẩm phù hợp. Thương lái đầu tư mua con giống, kết hợp với cơ quan khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc đàn bò cho các hộ nông dân. Đến khi xuất bán bò, thương lái thu lại tiền giống, phần còn lại được chia theo tỷ lệ thỏa thuận giữa hai bên với mục tiêu thương lái chủ động được nguồn hàng, còn người nông dân được hưởng phần lãi xứng đáng từ công chăm sóc bò. Với hình thức đầu tư này, thương lái luôn chủ động được nguồn hàng để tuần nào cũng có bò thịt xuất bán cho các đầu mối, trong khi đó, các hộ nông dân nghèo, không có điều kiện kinh tế để đầu tư thì tham gia để hưởng lợi nhuận từ công chăm sóc bò. Trong mô hình xây dựng thương hiệu bơ sáp Dakado, tất cả những người thu mua và nhà vườn tham gia đều được tập huấn kỹ lưỡng quy trình thu hoạch, bảo quản sản phẩm để trái bơ đủ tiêu chuẩn, như mỗi trái khi hái không cắt cuống, không trầy xước, đạt kích cỡ nhất định, được dán tem ghi mã số người thu mua, có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Nhờ vậy, loại quả này đã vươn lên hàng đặc sản, được bày bán tại các siêu thị trong nước với giá cao hơn hẳn thị trường. Trong chương trình sản xuất cà phê có chứng nhận đang được triển khai tại các vùng trồng cà phê trọng điểm của tỉnh, nông dân được hỗ trợ về nhiều mặt, từ tập huấn kỹ thuật, nâng cao trình độ sản xuất cà phê đến bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường. Ông Nguyễn Văn Lam, Chủ tịch Hội Nông dân Krông Năng nhận xét: cũng với những sản phẩm truyền thống, nhưng khi được đưa vào quy trình sản xuất - kinh doanh khép kín nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, không còn tình trạng bấp bênh đầu mối tiêu thụ thì nông dân được hưởng lợi hơn.
Bơ Dakado chiếm lĩnh thị trường trong nước. |
Tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp
Tuy nhiên, những mô hình gắn sản xuất với thị trường, giúp nông dân hưởng lợi cao hơn chưa nhiều. Theo đánh giá của Hội Nông dân tỉnh, trong thực tế, quy mô sản xuất, ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp còn nhiều hạn chế, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm chưa cao. Nông dân cũng hạn chế về khả năng tiếp cận thị trường, không biết, hoặc không thể tăng thu nhập của mình được nhờ chuỗi giá trị hàng hóa. Ngay cả khi làm được, không phải lúc nào họ cũng có phương tiện để đáp ứng các yêu cầu an toàn thực phẩm theo quy định. Đại diện một cơ sở chăn nuôi bò thịt Ea Kar bày tỏ: khi xúc tiến xây dựng thương hiệu bò sạch, chúng tôi được biết phải áp dụng quy chuẩn sạch trong tất cả các công đoạn: chăn thả - giết mổ - bảo quản - vận chuyển - tiêu thụ. Từ đó nảy sinh một loạt vấn đề: tổ chức nào ban hành, giám sát, chứng nhận quy chuẩn này, chi phí bao nhiêu; nông dân tiếp cận bằng cách nào; cơ sở hạ tầng cho các công đoạn đã đồng bộ chưa, khắc phục ra sao…Cũng vì còn nhiều vướng mắc chưa thể tháo gỡ nên tình trạng sản phẩm làm ra không có nhãn mác, không bảo quản được lâu ngày và phải bán qua khâu trung gian vẫn phổ biến, nông dân vẫn phải chịu thiệt thòi.
Thực tế cho thấy, dù trình độ, phương thức sản xuất ngày càng cao, sản phẩm làm ra ngày càng phong phú, đa dạng, nhưng nông dân không thể tự bơi khi tham gia thị trường. Dự án cạnh tranh nông nghiệp (ACP) được triển khai trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2009 - 2013 với tổng kinh phí hơn 8,5 triệu USD được xem là một giải pháp hỗ trợ nông dân hữu hiệu. Với mục tiêu nâng cao năng lực, khả năng tiếp cận thị trường của nông dân thông qua việc cung cấp công nghệ sản xuất tiên tiến, tổ chức lại sản xuất, hình thành các liên minh, liên kết giữa các tổ chức nông dân với doanh nghiệp, dự án sẽ góp phần tạo ra giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Hiện nay, đã có 3 liên minh sản xuất (LMSX) giữa doanh nghiệp và nông dân được dự án lựa chọn ưu tiên hỗ trợ là: LMSX và tiêu thụ sản phẩm heo rừng Ea Đar (Ea Kar), LMSX cà phê bền vững Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột) và LMSX bơ sáp Dakado.
Nông dân tham gia liên minh được hỗ trợ về kỹ thuật sản xuất theo hướng tiên tiến, kinh phí đầu tư ban đầu về giống và các điều kiện đi kèm như vật tư nông nghiệp, hạ tầng sản xuất, năng lực quản lý tài chính, tiếp thị quảng bá và tiêu thụ sản phẩm… Mới đây, Quỹ phát triển Nông nghiệp quốc tế (IFAD) đã cam kết cho Việt Nam vay 35 triệu USD nhằm hỗ trợ nông dân nâng cao năng lực tiếp thị, phát triển kinh doanh, đưa sản phẩm của họ vào chuỗi cung cấp toàn cầu. Với sự hỗ trợ tích cực từ nhiều phía, nông dân sẽ có cơ hội chủ động tham gia chuỗi giá trị nông sản từ sản xuất đến tiêu thụ, đem lại lợi nhuận cao hơn trong sản xuất nông nghiệp.
Ý kiến bạn đọc