Liên kết trong nông nghiệp: Làm gì để tạo ra sự bền vững?
Liên kết lỏng lẻo, mỗi “nhà” một phách, chưa nhà nào thực sự phát huy được vai trò của mình…Đó là thực trạng liên kết “4 nhà” trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Cũng đã có nhiều hội thảo đưa ra nhiều giải pháp nhưng hiệu quả đem lại vẫn chưa như mong đợi.
Những tồn tại
Có lẽ người dân huyện Krông Bông chưa quên tình trạng ảm đạm của cây thuốc lá hồi đầu năm 2010. Hàng trăm héc-ta nguyên liệu để khô quắt quéo không người nào thu hoạch vì không ai đứng ra thu mua, hoặc thu mua với giá quá thấp, khiến người dân ở đây gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân là khi thấy Công ty Cổ phần Hòa Việt (Công ty thuốc lá Nam cũ) liên kết với người nông dân trồng thuốc lá có hiệu quả trong một thời gian khá dài, nên trong năm 2010 đã có ít nhất 8 doanh nghiệp xin phép đầu tư trồng cây thuốc lá vào đất Krông Bông mà không có bất kỳ một văn bản cam kết nào với người nông dân trong việc chăm sóc, thu hái. Chính vì vậy mới dẫn đến nông nỗi thuốc lá đã chín vàng mà nông dân không màng thu hoạch. Hay ở huyện Ea Súp, từ hợp đồng với Công ty Khatoco Khánh Hòa, Công ty TNHH Ban Mai Xanh Gia Lai và Công ty Châu Giang (Dak Lak), vụ thuốc lá 2009 - 2010 nông dân huyện Ea Súp đã trồng 246 ha thuốc lá, tăng 160 ha so với vụ trước, vượt 220% so với kế hoạch của huyện. Thế nhưng đến thời điểm các hộ dân đã thu hoạch và phơi sấy xong nhưng các doanh nghiệp trên không đến thu mua theo hợp đồng. Hoặc tình trạng liên kết trồng rừng ở huyện Krông Bông, Công ty Cổ phần Nghiệp Lâm đã thực hiện liên kết với người dân để trồng rừng với hơn 900 ha đất tại 3 xã Hòa Lễ, Cư Kty, Khuê Ngọc Điền bằng phương thức: Công ty đầu tư giống, phòng cháy chữa cháy rừng, người dân đầu tư công chăm sóc; sản phẩm ăn chia theo tỷ lệ: người dân 60%, doanh nghiệp 40%. Sau 2 năm triển khai, doanh nghiệp này chỉ trồng được 200ha, sau đó biệt tăm biệt tích. Người dân rơi vào tình trạng “khóc dở, mếu dở”.
Sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân đã tạo được vùng nguyên liệu và chỗ đứng bền vững cho thương hiệu bơ Dakado trên thị trường. |
Trên thực tế vẫn còn khá nhiều vụ việc tương tự xảy ra ở các địa phương và nông dân luôn là những nạn nhân của sự liên kết lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm giữa “4 nhà” (Nhà nông-nhà doanh nghiệp-nhà khoa học-nhà quản lý), trong đó mấu chốt là mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân. Rất nhiều trường hợp doanh nghiệp không tôn trọng hợp đồng đã ký, không mua hết sản phẩm, chưa thực hiện đúng cam kết về giá mua, tự ý phá vỡ hợp đồng... Đối với nông dân, bộc lộ hạn chế rõ nhất là sự hiểu biết về các hợp đồng kinh tế chưa có, nhiều nông dân liên kết với doanh nghiệp chỉ thông qua hợp đồng miệng hoặc không làm đúng như cam kết trong hợp đồng. Trong khi đó, vai trò quản lý của nhà nước tại địa phương thì mờ nhạt, thiếu chặt chẽ, thậm chí khi sự việc đổ vỡ thì chính quyền sở tại mới biết đến. Theo đó, việc xử lý các vi phạm trên gặp nhiều khó khăn và chưa có giải pháp phù hợp để ràng buộc trách nhiệm của hai bên. Đó cũng chính là nguyên nhân khiến liên kết 4 nhà trong sản xuất nông nghiệp luôn rơi vào tình trạng thiếu bền vững.
Người dân chở sản phẩm bơ đến giao hàng điểm thu mua của doanh nghiệp Thu Nhơn. |
Tìm lời giải
Quyết định 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng - xây dựng mối liên kết "4 nhà": Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông đã tạo được hướng mở trong việc gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản hàng hóa. Trên thực tế, cũng có không ít mô hình liên kết phát huy được hiệu quả của chủ trương chính sách trên. Tuy nhiên, phần lớn sự liên kết giữa “4 nhà” vẫn vướng trong việc thực hiện, và chưa thực sự gắn kết với nhau. Tại cuộc Hội thảo khoa học “Liên kết 4 nhà để phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững” được Sở KH-CN tổ chức hồi tháng 8-2010 với sự tham gia của “4 nhà” từ Trung ương đến cơ sở, các chuyên gia nông nghiệp đánh giá Dak Lak là tỉnh có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, nhưng đó là về quy mô, số lượng, giá trị thì vẫn còn thấp, ít hàm lượng khoa học công nghệ vì thiếu sự liên kết trong sản xuất. Theo ông Hồ Ngọc Luật, Vụ trưởng Vụ Khoa học địa phương, muốn tạo được sự bền vững trong liên kết trước hết phải xác định chức năng, vai trò, trách nhiệm và quyền lợi được hưởng thụ của các bên thật phân minh. Trong thành phần liên kết “4 nhà” thì nhà nông và nhà doanh nghiệp phải đóng vai trò chủ đạo, liên kết chính. Một phía là người sản xuất ra sản phẩm bảo đảm đủ chất lượng, số lượng một cách ổn định. Còn về phía doanh nghiệp phải bảo đảm tiêu thụ hết sản phẩm theo hợp đồng, cung cấp các thông tin về chất lượng sản phảm cần phải có cho người sản xuất. Hợp đồng kinh tế phải ký bằng văn bản, có sự giám sát của cơ quan pháp luật. Bên cạnh đó, Nhà nước đóng vai trò “Cầm cân nảy mực” trong mối liên kết với vai trò hỗ trợ, điều phối thông qua các chính sách khuyến khích và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, quy hoạch vùng nguyên liệu, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, xúc tiến thương mại, đồng thời là người kiểm tra, giám sát và bảo đảm tính pháp lý cho việc thực hiện hợp đồng giữa các bên. Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh ông Nguyễn Xuân Loãn, để mối liên kết “4 nhà” đạt hiệu quả và mang lại quyền lợi cho người nông dân, Nhà nước cần phát huy hết vai trò “trọng tài” trong mối liên kết này. Ngoài ra, Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp phải luôn sâu sát với nông dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu sản xuất của nông dân để có cơ chế, chính sách hỗ trợ vốn và bao tiêu sản phẩm hàng hóa của nông dân. Từ đó mới giúp nông dân đầu tư phát triển đúng hướng, đáp ứng yêu cầu của thị trường và doanh nghiệp. Một khi thực hiện được đồng bộ các giải pháp trên thì các nhà sẽ bắt tay nhau chặt hơn và sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững hơn.
Ý kiến bạn đọc