Multimedia Đọc Báo in

Bảo đảm đủ hàng, không sốt giá dịpTết

10:48, 02/12/2010
Trong buổi họp báo về việc triển khai Chỉ thị số 1875 của Thủ tướng Chính phủ về bình ổn thị trường hàng hóa vừa tổ chức tại Hà Nội, Bộ Công thương khẳng định: đã có nhiều phương án bảo đảm cung cấp đủ hàng hóa thiết yếu những tháng cuối năm 2010 và Tết Nguyên đán Tân Mão, không để xảy ra tình trạng sốt giá và khan hiếm hàng hóa trong dịp này.

doanh nghiệp chủ động dự trữ hàng hóa
Doanh nghiệp chủ động dự trữ hàng hóa cho đợt mua sắm cao điểm cuối năm
Trong tháng 11, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 1,86%, lên tới 9,58%. Theo dự báo của các bộ, ngành thì mục tiêu kiềm chế CPI dưới 2 con số là khó thực hiện. Theo Bộ Công thương, nguyên nhân dẫn đến những biến động trên thị trường không phải do mất cân đối cung - cầu hàng hóa bởi những mặt hàng thiết yếu đều được bảo đảm đủ, mà là do giá cả thế giới tăng trong khi chúng ta vẫn phải nhập khẩu một  phần lớn nguyên vật liệu cho sản xuất. Ngoài ra, dịch bệnh trong chăn nuôi và thiên tai lũ lụt cũng như những diễn biến bất thường về thị trường vàng và ngoại tệ đã ảnh hưởng không nhỏ đến chỉ số giá. Tổ điều hành thị trường dự báo, trong tháng 12, CPI có khả năng tăng từ 1,3-1,5% so với tháng trước, giá cả một số mặt hàng tiếp tục tăng nhẹ bởi thị trường có những biến động bất thường do nhiều nguyên nhân khách quan. Tuy nhiên, Bộ Công thương khẳng định sẽ bảo đảm cân đối cung cầu từ nay đến cuối năm, không để xảy ra tình trạng sốt giá, thiếu hàng.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các mặt hàng lương thực, thực phẩm vẫn bảo đảm đủ cho nhu cầu tiêu thụ dịp cuối năm và dịp Tết. Cho đến nay, tổng lượng gạo đang có trong các doanh nghiệp lớn là khoảng 1 triệu tấn. Lượng gạo xuất khẩu theo hợp đồng đã ký kết đến hết năm là gần 500 ngàn tấn, như vậy số gạo dư ra gần 500 ngàn tấn hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu thị trường trong nước. Giá lúa gạo ngoài phụ thuộc cân đối cung cầu thì còn bị ảnh hưởng bởi giá thế giới nhưng chắc chắn sẽ không có chuyện tăng đột biến. Một số mặt hàng khác như thực phẩm, đường kính cũng sẽ đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Hiện đã có nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng với các cơ sở sản xuất để bình ổn giá đường. Tại hai thị trường lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp trong nhóm hàng bình ổn giá đã ký kết với các doanh nghiệp cung ứng thịt đến hết tháng 3-2011 nên mặt hàng thực phẩm sẽ không có tăng giá đột biến.
Để bảo đảm nguồn cung hàng hóa vào những tháng cuối năm, Bộ Công thương chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương cân đối cung cầu và đã có sự chuẩn bị chủ động cho việc bình ổn thị trường, các doanh nghiệp phân phối đã có sự chuẩn bị dự trữ hàng hóa cho đợt cao điểm mua sắm cuối năm ngay từ tháng 10. Hiện đã có 9 địa phương thực hiện chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường và nhiều tỉnh, thành khác cũng đã có biện pháp phù hợp theo tình hình thực tế địa phương để bảo đảm đủ hàng hóa. Trong giải pháp dài hạn, Bộ Công thương sẽ khai thác tốt nhu cầu trong nước để đẩy mạnh sản xuất, thực hiện xúc tiến thương mại nội địa, phối hợp với Liên minh HTX tiêu thụ hàng hóa nông -  công nghiệp, bảo đảm phân phối đủ các mặt hàng thiết yếu.

H.H ( Nguồn: CTO)

Ý kiến bạn đọc