Multimedia Đọc Báo in

Cần có nhiều hơn những mô hình hợp tác xã

08:21, 26/12/2011

Toàn tỉnh hiện có 295 hợp tác xã (HTX), trong đó số HTX đang hoạt động ổn định và có lãi chiếm khoảng 70% (220 HTX). Như vậy, Dak Lak là tỉnh có số lượng HTX khá cao so với bình quân chung của cả nước (cả nước có 18.244 HTX) và đứng đầu ở Tây Nguyên về số lượng HTX đang hoạt động. Chất lượng hoạt động của các HTX cũng có chuyển biến tích cực: nếu năm 2005 chỉ có 39% HTX khá giỏi thì năm 2010, tỷ lệ này là 45%. Đặc biệt, mặc dù gặp không ít khó khăn trong tìm kiếm thị trường, lựa chọn ngành nghề… nhưng từ năm 2007 đến nay, ngoài những lĩnh vực gọi là truyền thống thì một số HTX trên địa bàn tỉnh đã có thêm những ngành nghề mới như HTX vận tải mở thêm dịch vụ vệ sinh môi trường, điện chiếu sáng; xe buýt kết hợp với taxi và quản lý bến bãi; HTX sản xuất rau an toàn; HTX trong vùng đồng bào dân tộc chuyên trồng cà tím xuất khẩu; HTX quản lý và khai thác chợ; HTX chuyên sản xuất nấm; HTX chuyên sản xuất lúa giống; HTX chế biến cà phê tươi; HTX chăn nuôi heo rừng và có HTX đang hình thành khu trung tâm mua bán trái cây…

Trao Bằng khen của UBND tỉnh, Liên minh HTX Việt Nam tặng các HTX, QTDND có thành tích xuất sắc năm 2009 tại Hội nghị tổng kết thi đua 5 năm.
Trao Bằng khen của UBND tỉnh, Liên minh HTX Việt Nam tặng các HTX, QTDND có thành tích xuất sắc năm 2009 tại Hội nghị tổng kết thi đua 5 năm.

Đến nay, trong số 5 đơn vị được cấp chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn toàn tỉnh thì có 2 HTX đã đưa được rau an toàn vào tiêu thụ trong Siêu thị Co.op Mart Buôn Ma Thuột. Ngoài ra, trong Liên minh HTX còn có HTX trồng cà tím mỗi tháng xuất khẩu 50 tấn sản phẩm đạt chất lượng sang thị trường nước ngoài; 5 HTX thành lập doanh nghiệp trực thuộc; HTX quản lý hơn 400 ha lúa nước với các dịch vụ cánh đồng khép kín; HTX mây tre đan và dệt thổ cẩm – sản phẩm đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số; HTX gắn với làng nghề… Mặc dù vậy, với tiềm năng của tỉnh, với số lượng HTX, với điều kiện phát triển dịch vụ như hiện nay thì việc mở rộng ngành nghề sản xuất/dịch vụ, xây dựng mô hình HTX và HTX điển hình tiên tiến hiện có là chưa nhiều, chưa tương xứng. Ví dụ, tỉnh mới xây dựng phương án để hình thành được 1 HTX chợ, trong khi cả nước có 136 HTX chợ, riêng tỉnh Đồng Nai có tới 27 HTX chợ từ năm 2006. Tỉnh cũng chưa có HTX y tế trong khi tỉnh Thanh Hóa có bệnh viện của HTX từ năm 2002 và nhiều tỉnh đã có loại hình này; chưa có HTX dịch vụ trường học, dịch vụ khu công nghiệp, HTX của thanh niên (cả nước có 252 HTX của thanh niên), HTX phụ nữ, HTX của những người tàn tật, cựu chiến binh (trong khi cả nước đã có 85 HTX của phụ nữ, 680 HTX của những người tàn tật và cựu chiến binh). Bên cạnh đó, tỉnh cũng gần như chưa có hoặc có nhưng chưa rõ về tính chất hoạt động của loại hình HTX thương mại – dịch vụ; số lượng HTX dịch vụ nông nghiệp còn rất ít và dịch vụ do HTX cung cấp còn khá nghèo nàn…

Thiết nghĩ, để đa dạng hóa các loại hình HTX và có nhiều hơn các HTX tiên tiến tỉnh cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, tư vấn; tạo cơ chế chính sách và hỗ trợ, đầu tư xây dựng, phát triển phương án sản xuất kinh doanh, dịch vụ; có cách nhìn tích cực hơn trong quy hoạch phát triển kinh tế tập thể nói chung, xây dựng mô hình HTX nói riêng. Các ngành và tổ chức Liên minh HTX tỉnh cần tổ chức nhiều và phong phú hơn nữa các lớp đào tạo về quản lý, kỹ năng kinh doanh, về lập kế hoạch và xúc tiến thương mại… Đồng thời phát huy tính sáng tạo, năng động của Ban Quản trị HTX trong tìm kiếm thị trường, tìm kiếm sản phẩm dịch vụ có chất lượng cao; hướng đến xây dựng thương hiệu của sản phẩm dịch vụ và chú trọng việc phục vụ nhu cầu của chính xã viên…

 

Hoàng Khang

 


Ý kiến bạn đọc