Multimedia Đọc Báo in

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam đề nghị Quỹ Động vật hoang dã thế giới xem xét lại quyết định đưa cá tra vào Sách Đỏ

20:59, 07/12/2010
 
Cẩm nang hướng dẫn tiêu dùng thủy sản năm 2010-2011 của Quỹ Động vật hoang dã thế giới WWF vừa xuất bản tại một số nước như Đức, Áo, Thụy Sĩ, Bỉ, Na Uy và Đan Mạch đã đưa cá tra vào Sách đỏ. Trước thông tin trên, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam đề nghị WWF khẩn trương xem xét lại ý kiến đánh giá, công bố công khai hệ tiêu chí, các chỉ số đánh giá của chuyên gia tư vấn về quản lý sản xuất cá tra của Việt Nam và sửa chữa những sai lỗi trong việc hướng dẫn người tiêu dùng châu Âu.
 
Cẩm nang hướng dẫn tiêu dùng thủy sản năm 2010-2011 của Quỹ Động vật hoang dã thế giới WWF vừa xuất bản tại một số nước như Đức, Áo, Thụy Sĩ, Bỉ, Na Uy và Đan Mạch đã đưa cá tra vào Sách đỏ. Lý giải về quyết định này, nhà lãnh đạo thủy sản toàn cầu của WWF, ông Mark Powell, cho rằng, sở dĩ như vậy vì các trại nuôi cá đang gây ô nhiễm môi trường tự nhiên, thêm nữa là nguồn thức ăn, hóa chất và thuốc trừ sâu được thải ra sông và hồ, nguy cơ lây bệnh từ cá nuôi sang cá tự nhiên.

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, thông tin này đồng nghĩa với việc WWF khuyên người tiêu dùng toàn cầu lựa chọn loại thủy sản khác thay thế, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nông dân nuôi cá tra và ngành xuất khẩu cá tra Việt Nam nhất là khi cá tra là đối tượng chiếm vị trí quan trọng và được xác định là đối tượng chủ lực trong ngành thuỷ sản Việt Nam sau con tôm. Hơn nữa, những lý lẽ trên để đưa cá tra vào Sách Đỏ cũng thiếu cơ sở bởi thực tế hiện nay, hầu hết doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra Việt Nam bảo đảm chất lượng sản phẩm “từ trang trại đến bàn ăn”. Một số nhà máy và vùng nuôi cá tra Việt Nam đã được cấp chứng nhận GlobalGAP (chứng nhận nuôi và xuất khẩu cá đạt tiêu chuẩn toàn cầu).

Ảnh: SGGP
Ảnh: SGGP

Theo ông Nguyễn Việt Thắng - Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, cá tra là danh từ chỉ cá da trơn chung của một giống có thể 2-3 loài hoặc nhiều loài. Nếu là loài Gigas - cá tra khổng lồ cần phải cấm đánh bắt. Còn cá Hypophthalmus là cá thông thường đang nuôi, sinh sản bình thường thì không thể nằm trong danh sách đỏ. Do vậy có thể WWF đã nhầm lẫn.

Trước thông tin trên, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam phản đối ý kiến đánh giá không đúng đắn, thiếu cơ sở khoa học và không phù hợp với thực tế của một số tổ chức WWF châu Âu khi đưa cá tra vào "danh sách đỏ" (sản phẩm không nên sử dụng) trong hướng dẫn tiêu dùng năm 2010 - 2011 ở 6 nước EU. VASEP đề nghị WWF toàn cầu khẩn trương xem xét lại ý kiến đánh giá, công bố công khai hệ tiêu chí, các chỉ số đánh giá của chuyên gia tư vấn về quản lý sản xuất cá tra của Việt Nam và sửa chữa những sai lỗi trong việc hướng dẫn người tiêu dùng châu Âu.

VASEP sẽ sẵn sàng cung cấp mọi thông tin, hợp tác, đối thoại, sẵn sàng tiếp thu mọi ý kiến phê bình đóng góp mang tính xây dựng. VASEP cũng chân thành hoan nghênh, kính mời và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho chuyên gia của các tổ chức thành viên WWF nghiên cứu làm rõ về vấn đề này.

Cá tra là loài cá nuôi nước ngọt quan trọng hàng đầu, cung cấp loại thực phẩm có chất lượng dinh dưỡng cao, an toàn. Việt Nam hiện đang cung cấp hơn 95% nguồn cá tra thương phẩm cho thị trường thế giới. Với sản lượng 1,5 triệu tấn mỗi năm (chiếm khoảng 1 % tổng sản lượng thủy sản khai thác và nuôi trồng thủy sản thế giới), cá tra đã trở thành một nguồn đạm động vật khối lượng lớn, giá rẻ cho nhân loại, qua đó giảm bớt sức ép lên các quần đàn thủy sản tự nhiên, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản của đại dương. 10 tháng năm 2010, Việt Nam đã xuất khẩu 538.201 tấn sản phẩm cá tra, giá trị 1.151 triệu USD, cho 124 quốc gia và vùng lãnh thổ trên tất cả các châu lục. Khối lượng xuất khẩu cá tra sang các thị trường trên thế giới tăng trưởng hằng năm, ngay cả trong thời kỳ kinh tế khó khăn nhất. Chỉ riêng thị trường EU, 10 tháng năm 2010, EU tiêu thụ 184.360 tấn, trị giá 423 triệu USD, chiếm 36,8%.

Đ.T

 

 

 

 

 

 

 


Ý kiến bạn đọc