Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ mô hình phát triển vườn cây ăn trái

08:54, 15/12/2010

Mới trồng thử nghiệm mấy năm nay, nhưng mô hình vườn cây ăn trái của anh Lương Xuân Tứ ở khối 12 thị trấn Ea Knốp (huyện Ea Kar) đã đem lại hiệu quả rõ rệt, được nhiều nông dân trong vùng quan tâm học hỏi, ứng dụng trong sản xuất.

Anh Tứ cho biết, trên vùng đồi này toàn đất cát pha, không hợp với trồng cây công nghiệp lâu năm. Nhiều nông dân đã chuyển diện tích trồng cà phê sang trồng cây ăn trái, nhưng do nhiều nguyên nhân như thiếu kiến thức kỹ thuật trồng trọt, thiếu vốn, thiếu nguồn giống chất lượng…nên vườn cây hay bị sâu bệnh, thoái hóa, không mang lại hiệu quả kinh tế. Qua tìm hiểu về đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu cũng như nhu cầu thị trường, anh quyết định đầu tư phát triển vườn cây ăn trái. Cùng với việc tìm tòi, nghiên cứu kiến thức từ các tài liệu kỹ thuật, anh không quản ngại tìm đến những nhà vườn có tên tuổi ở miền tây Nam Bộ để học hỏi kinh nghiệm. Từ đó, anh liên kết với nhà vườn cung ứng cây giống và đưa vào trồng thử nghiệm nhiều giống cây ăn trái đặc sản như xoài tứ quý, bơ tứ quý trái vụ, mít dai, ổi không hạt, sầu riêng cơm vàng hạt lép...

Anh Lương Xuân Tứ giới thiệu giống cây đặc sản trong vườn.
Anh Lương Xuân Tứ giới thiệu giống cây đặc sản trong vườn.
Bước đầu, việc sản xuất gặp không ít khó khăn, có cây chỉ ra quả vụ đầu, những vụ sau cứ lụi dần, có cây thì dễ đậu quả nhưng năng suất thấp, chất lượng quả kém. Không nản chí, anh tiếp tục “nghiền ngẫm” thất bại từ thực tế để rút kinh nghiệm. Anh nhận thấy, với vùng đất bạc màu này, cây ăn trái chủ yếu bón phân vi sinh vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa có tác dụng cải tạo đất, bảo vệ môi trường. Nhưng quan trọng hơn là bón như thế nào, tùy mỗi chất đất, mỗi loại cây cũng như từng thời kỳ sinh trưởng của cây mà có chế độ chăm bón khác nhau. Dần dần, anh đã nắm vững và vận dụng thuần thục kỹ thuật vào thực tế sản xuất, “điều khiển” được cây ra hoa, đậu quả sao cho vừa bảo đảm năng suất, chất lượng, vừa đáp ứng được thời vụ. Theo tính toán của anh Tứ, liều lượng bón phân, tưới nước, công chăm bón, đầu tư cho trồng cây ăn trái ít hơn trồng cà phê, tiêu mà hiệu quả kinh tế không thua kém. Còn so với loại cây ăn trái trồng truyền thống, trên cùng một diện tích đất vườn, giống cây ghép tán thấp, ra quả trái vụ hoặc quanh năm đem lại hiệu quả kinh tế hơn hẳn. Hiện trong vườn anh có hàng chục gốc xoài tứ quý ruột vàng ra trái quanh năm, trọng lượng trung bình mỗi trái từ 1,7-1,9 kg, được xem là đặc sản của nhà vườn, vừa dễ tiêu thụ vừa bán được giá. Được biết, cây xoài trồng vùng này rất thích hợp với điều kiện sinh thái, dễ đầu tư chăm bón, không bị sâu bệnh, cho năng suất và chất lượng cao hơn những vùng khác, năng suất đạt ít nhất 300 kg trái/ sào, hiện giá mua tại gốc là 30.000 đồng/kg, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhà vườn. Giống mít dai trồng 8 tháng ra trái, sầu riêng cơm vàng hạt lép cây chỉ thấp lè tè mặt đất nhưng cũng cho năng suất khá cao. Cùng với việc trồng trọt, anh Tứ còn liên kết với nhà vườn có uy tín ở Bến Tre sản xuất, cung ứng nhiều loại cây giống chất lượng; tư vấn thiết kế, hướng dẫn kỹ thuật cải tạo vườn cây, đặc biệt kỹ thuật phòng chống sầu riêng sượng trái, chết cây và tình trạng thoái hóa sớm của nhiều loại cây ăn trái. “Trăm nghe không bằng một thấy”, vườn cây trái và cung ứng cây giống của anh Tứ đã trở thành địa chỉ tin cậy cho nhiều nông dân trong việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mỗi năm cung ứng cho thị trường khoảng 3.000 cây giống, những khách hàng mua cây giống đều được bảo lãnh tận vườn. Với sự hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp của anh Tứ, hiện trên địa bàn thị trấn có 4 mô hình trồng cây ăn trái thành công và đi vào kinh doanh, đạt  lợi nhuận 30-40 triệu đồng/sào. Từ kết quả đó, diện tích cây ăn trái ngày càng phát triển mạnh. Hiện anh Tứ đang phối hợp với HTX Hợp Nhất xây dựng thương hiệu trái cây chất lượng cao, phát triển vùng chuyên canh cây trái trên địa bàn. 

 

Hoa Hồng

 


Ý kiến bạn đọc