Multimedia Đọc Báo in

Ngành Kế hoạch và Đầu tư Dak Lak 35 năm xây dựng và trưởng thành

Không ngừng đổi mới nâng cao năng lực công tác, góp phần xây dựng Dak Lak ngày càng phát triển

08:10, 26/12/2011

Ngay sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, ngành Kế hoạch và Đầu tư Dak Lak được thành lập với tên gọi ban đầu là Ủy ban Kinh tế - Kế hoạch - Thống kê. Trải qua 35 năm xây dựng và trưởng thành, ngành KH-ĐT đã không ngừng phấn đấu vươn lên, cùng với các cấp, các ngành và các địa phương hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh nhà.

Ông Nguyễn Viết Tượng, Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết: Ở mỗi giai đoạn lịch sử thì chức năng nhiệm vụ của ngành KH&ĐT cũng có những thay đổi khác nhau. Nhưng chung quy lại thì chức năng chính của ngành vẫn là xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh, quy hoạch kinh tế vùng; xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm  an ninh quốc phòng; xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm huy động, phân bổ nguồn lực, sử dụng có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh đúng chủ trương, chính sách của Nhà nước, phù hợp với thực tế địa phương... Ý thức được trách nhiệm của mình, trong những năm qua, ngành KH&ĐT tỉnh nhà đã không ngừng phấn đấu, trau dồi đạo đức cách mạng, nâng cao năng lực chuyên môn, đổi mới công tác kế hoạch và đầu tư, cải tiến công tác tổ chức nghiên cứu tham mưu cho UBND tỉnh về cơ chế chính sách, về công tác điều hành chỉ đạo để đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Với chức năng nhiệm vụ của mình, ngành KH&ĐT đã tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh - quốc phòng đạt được những thành tựu to lớn, góp phần thực hiện thắng lợi các chủ trương về phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước qua từng thời kỳ lịch sử, hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu kinh tế xã hội đã đề ra. Đáng kể nhất là trong 10 năm qua (2001 – 2010), nền kinh tế Dak Lak luôn giữ được tốc độ tăng trưởng cao, bình quân hàng năm đạt 10,1%. Trong đó giai đoạn 2006-2010 đạt 12,1%/năm. Giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (theo giá so sánh 1994) năm 2005 đạt 7.235 tỷ đồng, gấp 1,47 lần giá trị tổng sản phẩm năm 2000; năm 2010 ước đạt 12.810 tỷ đồng, gấp 2,62 lần năm 2000 và gấp 1,77 lần năm 2005. Thu nhập bình quân năm 2010 (tính theo giá hiện hành) đạt 14,2 triệu đồng/người, gấp 1,75 lần năm 2000. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ trọng nông - lâm - ngư nghiệp giảm từ 77,5% năm 2000 xuống còn 49,9% năm 2010; công nghiệp - xây dựng tăng từ 7,3% lên 17,4%; dịch vụ tăng từ 15,2% lên 32,7%.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, sản lượng một số loại cây trồng tăng mạnh, đáng kể là đến nay, Dak Lak đã đạt trên 1 triệu tấn lương thực có hạt, trong đó ngô đạt 625.000 tấn, khoảng 400.000 tấn cà phê nhân; sản lượng cao su đạt khoảng 31.000 tấn mủ khô; hồ tiêu khoảng 13.200 tấn; điều 28.600 tấn; mật ong khoảng 4.000 tấn... Trong công nghiệp, giai đoạn vừa qua đã hoàn thành các dự án nhà máy thủy điện lớn và nhiều thủy điện nhỏ, tổng công suất thiết kế của các nhà máy thủy điện hiện có trên địa bàn đạt 806,7MW. Các khu cụm, công nghiệp đã bắt đầu phát huy hiệu quả, công nghiệp chế biến nông – lâm sản phát triển, bước đầu đáp ứng cho các vùng nguyên liệu nông - lâm nghiệp. Hệ thống thương mại, dịch vụ và du lịch từng bước đáp ứng được nhu cầu trao đổi hàng hóa, vui chơi giải trí của nhân dân. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội có những sự thay đổi lớn, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.

Các chỉ tiêu về lĩnh vực xã hội cũng đạt được nhiều kết quả tiến bộ. Toàn tỉnh đã hoàn thành phổ cập THCS vào năm 2009; cơ sở vật chất trường học đã được đầu tư xây dựng theo hướng kiên cố hoá (62,7%), chuẩn hoá (16%) và hiện đại hoá, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục. Có 90,2% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, trên 83% trạm y tế  xã có bác sĩ, 100% thôn, buôn có cán bộ y tế, 80% trạm y tế xã có đủ nhân lực và cơ sở hạ tầng đạt chuẩn quốc gia. Các hoạt động văn hoá, thể dục thể thao ngày một phát triển, các lễ hội của địa phương, của khu vực và quốc gia được tổ chức thường xuyên. Trong 10 năm qua đã giải quyết việc làm cho gần 287.000 lao động; so với năm 2000, tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực nông thôn từ 23,5% xuống còn 7,5%; tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị từ 4% xuống còn 2,98%; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 27,55% năm 2005 xuống còn 10%... Đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện, vị thế của tỉnh không ngừng được nâng lên. Kinh tế - xã hội phát triển đã góp phần quan trọng vào việc bảo đảm quốc phòng - an ninh tại địa phương.

Đầu tư xây dựng đường giao thông bảo đảm kết cấu hạ tầng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương. (Ảnh: P.V)
Đầu tư xây dựng đường giao thông bảo đảm kết cấu hạ tầng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương. (Ảnh: P.V)

Đánh giá những đóng góp của ngành KH&ĐT Dak Lak vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đồng chí Trần Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Những thành tựu mà chúng ta đã đạt được trong thời gian qua là rất đáng tự hào. Có được kết quả này phải kể đến sự nỗ lực của các cấp các ngành, các địa phương cùng với sự đoàn kết đồng lòng của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, trong đó có sự đóng góp rất lớn của ngành KH&ĐT...  

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm ổn định an ninh quốc phòng 5 năm (2011 - 2015) vừa được HĐND tỉnh thông qua đã xác định mục tiêu tổng quát là: Tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ, tăng tính bền vững trong phát triển; đổi mới mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nâng cao rõ rệt chất lượng giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và y tế, văn hóa, thể dục thể thao. Kết hợp giữa phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái; phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, bảo đảm quốc phòng an ninh để từng bước xây dựng tỉnh Dak Lak trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng Tây Nguyên, một cực phát triển trong tam giác phát triển Việt Nam-Lào - Campuchia... Với mục tiêu đó, theo đồng chí Trần Hiếu thì nhiệm vụ đặt ra đối với ngành KH&ĐT Dak Lak trong giai đoạn tới là rất nặng nề. Do đó đòi hỏi toàn ngành phải tiếp tục đổi mới và hiện đại hóa công tác KH&ĐT nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước trên lĩnh vực KH&ĐT... 

Xác định được trọng trách của ngành trong thời gian tới, ông Nguyễn Viết Tượng khẳng định: ngành KH&ĐT tỉnh sẽ không ngừng vươn lên, tự đổi mới mình cả về tư duy lẫn phương pháp cũng như ứng dụng các công cụ hiện đại trong công tác quản lý, phân tích các cơ sở dữ liệu phục vụ nhiệm vụ lập quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng. Đồng thời không ngừng nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước trên lĩnh vực KH&ĐT; thực hiện tốt chính sách kinh tế đối ngoại rộng mở, phát triển các thành phần kinh tế của Đảng và Nhà nước ta, góp phần xây dựng Dak Lak giàu về kinh tế, văn hóa - xã hội phát triển, quốc phòng - an ninh vững mạnh.

 

Việt Cường

 


Ý kiến bạn đọc