Những người làm nên mùa vàng
Về cánh đồng buôn Triết mùa này, những cánh đồng thẳng cánh cò bay lúa xanh sắp vào thì con gái. Bà con nông dân đang tích cực làm cỏ, chăm bón cây lúa và chờ đón một mùa vàng bội thu. Cây lúa đã làm giàu cho nhiều người dân nơi đây và tạo nên một vựa lúa lớn độc đáo trên vùng đất Tây Nguyên đầy nắng gió.
Những người đi mở đất
Cánh đồng buôn Triết nằm hai bên bờ dòng Krông Na, thuộc quận Lạc Thiện, nay là hai huyện Krông Ana và Lak. Nơi đây vốn là một đầm lầy rộng lớn hoang vu toàn lau sậy và lồ ô rậm rạp, dân cư sinh sống thưa thớt, chủ yếu là người Êđê, M’Nông bản địa và một số gia đình gốc Thăng Bình (Quảng Nam) di cư tự do vào. Tuy nhiên đồng bào chỉ quen với việc làm rẫy, trỉa bắp mà không thạo trồng lúa nước. Cả một vùng đất màu mỡ, phì nhiêu dường như đang ngủ yên.
Sau giải phóng, bàn tay con người bắt đầu in dấu đậm nét lên vùng đất này. Những năm 1977-1978, theo chủ trương của tỉnh Dak Lak, cán bộ công nhân viên toàn tỉnh được huy động về khai hoang, xây dựng cánh đồng buôn Triết rồi giao lại cho huyện Lak quản lý. Nhưng tình hình sản xuất không hiệu quả do cơ chế quản lý bao cấp yếu kém, nên cánh đồng buôn Triết lại bị bỏ hoang. Sau đó, theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, những đoàn Kinh tế mới từ các tỉnh Thái Bình, Hải Dương…vào buôn Triết bắt đầu cuộc chinh phục miền đất hứa giàu tiềm năng. Con người hiện diện trên cánh đồng hoang này ngày một đông, xóm buôn bắt đầu hình thành, con người quần tụ, gắn bó với nhau lập nghiệp trên vùng đất mới. Ở đây không chỉ có những nông dân đất Bắc mà còn có nhiều “Hai lúa” Nam Bộ như: Đồng Tháp, Bạc Liêu. Một cách tự nhiên, cây lúa nước được mang đến và bén duyên rất nhanh với mảnh đất màu mỡ. Nhờ ý chí và nghị lực con người chinh phục thiên nhiên, nhờ những người nông dân cần mẫn, cánh đồng hoang ngày xưa đã khoác lên mình chiếc áo mới giàu sức sống. Một vựa lúa mới được hình thành từ đó.
Xã Buôn Triết có 1.500 hộ với 6.750 nhân khẩu thì có 93% số hộ sống nhờ cây lúa. Hiện toàn xã có 3.321 ha đất lúa, vụ đông xuân vừa qua, cả xã gieo trồng 1.883 ha bằng giống lúa mới như: R64, GMD… sản lượng đạt 15.942 tấn, năng suất bình quân 7 tấn/ha. Nhờ đầu tư xây dựng hệ thống mương thủy lợi và một số kênh dẫn nước tự nhiên, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất mà năng suất và chất lượng lúa của xã luôn cao hơn nhiều so với các địa phương khác trong và ngoài huyện. Buôn Tung 1 là nơi có diện tích lúa lớn nhất của địa phương. Toàn bộ hơn 120 hộ trong buôn đều trồng lúa nước với diện tích 210 ha, sản lượng hàng năm đạt gần 1.700 tấn, năng suất bình quân lên đến 7-9 tấn/ha, là nguồn thu nhập chính của bà con nơi đây.
Thu hoạch lúa trên cánh đồng buôn Triết. |
Giàu lên nhờ cây lúa
Buôn Triết có rất nhiều người giàu lên từ cây lúa. Họ đem những kinh nghiệm trồng lúa nước từ quê mình, bằng bàn tay và khối óc cần cù sáng tạo đã vươn lên thành những đại gia, tỷ phú từ lúa trên Tây Nguyên, như các hộ: Nguyễn Đức Lợi, Lã Như Kỹ, Vũ Châu Sơn (quê Thái Bình), Nguyên Văn Hối, Lê Văn Mười (quê Quảng Nam)…
Người dân đôi bờ sông Krông Ana thuộc huyện Lak và Krông Ana chắc hẳn ít người không biết đến “tỷ phú lúa” Lã Như Kỹ, thôn Sơn Cường, xã Buôn Tría. Quê Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, anh cùng gia đình đi kinh tế mới vào đây năm 1978 khi còn là một chàng trai tuổi đôi mươi. Đầu những năm 1990, anh Kỹ cùng mấy người bạn khai khẩn 20 ha đất hoang để trồng lúa. Nhưng vụ đầu tiên mất mùa nặng do bị chuột và chim trời phá hoại. Không đầu hàng thất bại, anh hùn vốn đầu tư mua máy nông nghiệp, làm mương dẫn nước và tiếp tục khai hoang thêm một số diện tích kết hợp với diệt trừ sâu bệnh, nên anh đã thắng lớn, lúa chất đầy nhà. Đến nay, anh có khoảng 30 ha đất lúa, mỗi năm thu hoạch hơn 300 tấn. Hạt lúa đã cho gia đình anh thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm, xây được nhà to, mua xe hơi đắt tiền. Không những làm giàu cho gia đình, anh còn chia sẻ, giúp đỡ các gia đình khác kinh nghiệm trồng lúa hiệu quả cao để phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Không phải là đại gia trồng lúa nhưng ông Vũ Châu Sơn (thôn Liên Kết 1, xã Buôn Tría, huyện Lak) cũng được nhiều người biết đến. Ông nghỉ việc ở Công ty Vật tư tổng hợp Dak Lak chuyển sang làm lúa năm 1994. Ông Sơn ngày ngày phát cỏ khai hoang đến tứa máu tay. Vụ đầu tiên, cây lúa còn “chưa quen đất” nên ông chẳng được hạt thóc nào. Nhờ kiên trì, chịu khó và có kinh nghiệm làm lúa nước của một người đến từ quê lúa, những vụ sau ông thu được thành công. Gia đình ông có hơn 4 ha lúa, với năng suất bình quân đạt 7 tấn/ha, ông thu được 40 tấn lúa. Trừ chi phí đầu tư 15-17 triệu đồng/ha, mỗi năm thu nhập của gia đình ông cũng đạt hàng trăm triệu đồng.
Còn ông Lê Văn Thành ở buôn Tung 1 trồng 3 ha lúa, thu hoạch vài chục tấn mỗi năm. Đặc biệt, ngoài những giống lúa phổ thông, ông còn cấy giống Tám thơm chất lượng cao, lợi nhuận lớn. Nhờ cây lúa, ông có kinh tế ổn định, có tiền xây được nhà và nuôi các con trưởng thành. Cũng như bao người dân khác nơi đây, hạt lúa vàng đã làm đổi thay cuộc sống của gia đình ông.
Nhiều người gọi cánh đồng buôn Triết là “Đồng Tháp Mười ở Tây Nguyên”, tuy nhiên anh, Nguyễn Ngọc Côn, trưởng buôn Tung 1 thì suy nghĩ đơn giản: “Sinh ra ở quê lúa Thái Bình, tổ tiên bao đời trồng lúa nên vào vùng đất này phát triển kinh tế bằng cái nghề truyền thống của mình. Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của bà con chúng tôi”.
Ý kiến bạn đọc