Multimedia Đọc Báo in

“Nóng” cuộc đua lãi suất

10:07, 02/12/2010
Trong cuộc họp đầu tháng 11do NH Nhà nước (NN) chủ trì, các NH thành viên của Hiệp hội NH đã thống nhất nâng lãi suất huy động từ 11%/năm lên không quá 12%/năm kể từ ngày 8-11. Tuy nhiên, chỉ sau đó khoảng một tuần, nhiều NH đã "phá rào", nâng lãi suất huy động lên 13%/năm, rồi 13,5%/năm, 14,5%/năm.
Thậm chí, có NH còn thỏa thuận "ngầm" với khách hàng, cộng thêm lãi suất 3%/năm so với lãi suất niêm yết bằng cách đưa khách hàng ký thêm một hợp đồng phụ, ngoài mức lãi suất 12%/năm trên hợp đồng chính, nâng tổng mức lãi suất mà khách hàng nhận được là 15%/năm. Lý do "phá rào" của các NH là con số lạm phát quá cao buộc NH phải tăng lãi suất để thu hút khách hàng. Hơn nữa, thời điểm cuối năm, nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh của DN, cũng như vay tiêu dùng của người dân lớn, nên NH phải tìm mọi cách để tăng nguồn vốn huy động. Do tính cạnh tranh, khi một NH tăng lãi suất huy động, những NH khác cũng không thể đứng nhìn.
 
 
Mức lãi suất này khiến người gửi mừng, bởi sau một thời gian dài không biến động, lãi suất huy động đã cao hơn, giúp kênh gửi tiết kiệm hấp dẫn hơn nhất là  trong bối cảnh thị trường chứng khoán chưa có dấu hiệu khởi sắc, giá vàng biến động thất thường.  Còn DN,  với lãi suất huy động cao, DN "khóc dở mếu dở", bởi nếu lãi suất "đầu vào" lên đến 14,5-15%/năm, thì  "đầu ra" tối thiểu là 18,5%/năm, thậm chí là 20-21%/năm. Minh chứng cho khó  khăn này, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) vừa kiến nghị ngân hàng hạ thấp lãi suất vay tiền Việt Nam, đồng thời có chính sách ưu tiên cho các cơ sở sản xuất thép vay ngoại tệ để phục vụ sản xuất. Đây là trường hợp doanh nghiệp đầu tiên công khai phản ánh khó khăn vì phải vay vốn với lãi suất cao.
 
Theo tính toán của các chuyên gia, lãi suất huy động chỉ nên dừng ở mức tối đa là 13%/năm, để lãi suất cho vay dao động trong khoảng 17-18%/năm  là NH đã có thể hài hòa lợi ích cho cả người gửi tiền, NH và DN, chứ không nhất thiết phải chạy đua ngầm về lãi suất huy động, vì như vậy có nghĩa là NH đẩy DN vào thế khó.
 
Đ.T (Tổng hợp)
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Ý kiến bạn đọc