Multimedia Đọc Báo in

THỰC TRẠNG THU HÁI CÀ PHÊ QUẢ XANH: Cần “trám lỗ hổng” trong kiểm soát chất lượng

08:01, 18/12/2010

Thực trạng thu hái cà phê quả xanh ở Dak Lak nói riêng và cả Tây Nguyên nói chung có nguyên nhân từ quy mô sản xuất nhỏ lẻ, xa khu dân cư nên nông dân không có điều kiện để quản lý, bảo vệ. Nhưng có một nguyên nhân quan trọng khác là phương thức thu mua của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cà phê hiện nay chưa phát huy được vai trò kiểm soát chất lượng ở khâu thu hoạch, chưa khuyến khích được nông dân chú trọng đầu tư để nâng cao chất lượng cà phê.

Phơi cà phê tại Công ty TNHH Một thành viên Cà phê Thắng Lợi (Ảnh: Lê Ngọc)
Phơi cà phê tại Công ty TNHH Một thành viên Cà phê Thắng Lợi (Ảnh: Lê Ngọc)

Khó từ quy mô sản xuất nhỏ
Ngay từ đầu niên vụ mới, UBND tỉnh đã có chỉ thị tuyệt đối không thu hái cà phê quả xanh vì sẽ làm mất sản lượng, giảm chất lượng cà phê sau thu hoạch. Nhưng rồi năm nào cũng vậy, tình trạng thu hái cà phê xanh non vẫn cứ lặp lại, riêng năm nay có phần gia tăng do giá cà phê đầu vụ tăng cao, khan hiếm nhân công, trộm cắp lộng hành... Nguyên nhân dễ thấy nhất là hơn 80% trong tổng diện tích 181.960 ha cà phê của tỉnh phân tán nhỏ lẻ trong các hộ gia đình, rất khó khăn cho việc tổ chức bảo vệ, thu hoạch mỗi khi vào vụ. Trong số này lại chỉ có khoảng 34% số hộ có quy mô diện tích từ 0,5-1 ha, 35% số hộ có dưới 0,5 ha nên việc đầu tư sản xuất, nâng cao chất lượng cà phê lại càng khó thực hiện. Chỉ có các doanh nghiệp (DN) với lực lượng bảo vệ chuyên trách, nhân công dồi dào mới có thể chờ cà phê chín rộ rồi mới thu hoạch. Trên thế giới, các cường quốc cà phê tuy không có loại hình DN như ta, song phần lớn diện tích cà phê nằm trong các đồn điền, trang trại lớn của tư nhân nên họ vẫn dễ dàng áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng.

Xuất phát từ thực tế trên, tỉnh đã có chủ trương thành lập các câu lạc bộ, tổ hợp tác hoặc hoán đổi diện tích để nông dân có điều kiện liên kết sản xuất (tập trung được nguồn nhân lực lớn để bảo vệ vườn cây, thu hoạch ...). Nhưng vì nhiều lý do khác nhau, đến nay số lượng các tổ hợp tác vẫn còn ít, chưa chặt chẽ về tổ chức, thiếu tính bền vững. Do vậy nhiều nông dân bị động trước nạn trộm cắp, thiếu nhân công thu hoạch khi vào mùa.

Thu hoạch cà phê có tỷ lệ quả chín cao theo quy định là một trong những yếu tố quyết định chất lượng cà phê. (Ảnh: L.N)
Thu hoạch cà phê có tỷ lệ quả chín cao theo quy định là một trong những yếu tố quyết định chất lượng cà phê. (Ảnh: L.N)

“Lỗ hổng” kiểm soát chất lượng  
Theo ông Nguyễn Văn Sinh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình trạng khan hiếm nhân công, trộm cắp vào mùa thu hoạch cà phê trên địa bàn tỉnh là chuyện “đến hẹn lại lên” trong nhiều năm qua. Đây là nguyên nhân trực tiếp, chứ không phải nguyên nhân sâu xa dẫn đến thực trạng nhiều nông dân thu hái cà phê xanh như hiện nay. Vấn đề còn ở chỗ phương thức thu mua của các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê chưa ổn. Kiểm soát chất lượng nông sản nằm ở khâu thu mua là điều ai cũng biết, nhưng trong khi chất lượng ca cao, bông vải, mía đường được kiểm soát bởi cả hệ thống thu mua đến tận cấp huyện thì cà phê vẫn chỉ đến với DN xuất khẩu qua thương lái tự do. Điều này giải thích tại sao vào đầu mỗi vụ thu hoạch, UBND tỉnh luôn giao cho các DN tăng cường tuyên truyền để nông dân hiểu được lợi ích của việc thu hái cà phê quả chín, kiên quyết không thu mua cà phê có tỉ lệ quả chín dưới 80% nhưng thực tế có rất ít DN làm tốt yêu cầu này.

Trên thực tế, không phải mọi nông dân đều thu hái cà phê quả xanh vì lo không thuê được nhân công hay sợ mất trộm, mà còn do các thương lái cào bằng giá giữa cà phê quả xanh với cà phê có tỷ lệ chín cao. Ông Huỳnh Văn Bảy, người sở hữu trang trại cà phê 6,5 ha ở xã Ea Ral (Ea H’leo) phân tích: “Đồng ý là thu hái xanh sẽ bị giảm một phần sản lượng, nhưng giá cà phê xanh với cà phê chín cũng bằng nhau, vậy tội gì thuê người canh giữ cho tốn thêm chi phí?”. Sự bất hợp lý này là có thật, vì hiện nay chỉ có cà phê của các DN mới được chứng nhận thu hái khi quả chín đồng đều và được mua với giá cao hơn. Chính phương thức thu mua này không khuyến khích được nông dân từ bỏ thói quen thu hái cà phê xanh, dù năm nào chính quyền và ngành nông nghiệp cũng rất nỗ lực tuyên truyền, vận động.

Như vậy, để chấm dứt thực trạng thu hái cà phê xanh thì cần phải có sự nỗ lực của cả nông dân và các DN thu mua, xuất khẩu cà phê. Khi không có người mua cà phê xanh, ắt sẽ không có người bán cũng như khi cà phê quả chín được mua với giá cao hơn thì tự khắc nông dân sẽ thu hái được cà phê quả chín. Điều này phù hợp với phương pháp giải quyết một vấn đề kinh tế bằng quan điểm kinh tế, chứ không chỉ mãi soi vào các nguyên nhân xã hội như nhân công, trộm cắp, lừa đảo...

 “Các ngành, các cấp cần khuyến khích phát triển các tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất, chế biến cà phê và hợp đồng liên kết, tiêu thụ cà phê với doanh nghiệp xuất khẩu. Các doanh nghiệp trong tỉnh cần tăng cường tuyên truyền để nông dân hiểu được lợi ích của việc thu hái cà phê quả chín, kiên quyết không thu mua cà phê có tỷ lệ quả chín dưới 80%”. (Trích Thông báo số 234/TB/UBND về kết luận tại Hội nghị tổng kết, đánh giá tình hình hoạt động sản xuất, chế biến và tiêu thụ cà phê niên vụ 2009-2010 và kế hoạch, giải pháp cho niên vụ 2010-2011).

 

Đặng Trung Kiên

 


Ý kiến bạn đọc