5 năm thực hiện Nghị định 134 của Chính phủ: Tạo đà phát triển công nghiệp nông thôn
Sau 5 năm thực hiện Nghị định 134/2004/NĐ-CP của Chính phủ về “Khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn”, hoạt động khuyến công đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo đà cho công nghiệp nông thôn phát triển.
Đi vào hoạt đông từ năm 2005, Trung tâm Khuyến công tỉnh đã triển khai các hoạt động: hỗ trợ đào tạo nghề các cơ sở công nghiệp nông thôn; tập huấn nâng cao năng lực quản lý; xây dựng, nhân rộng mô hình trình diễn kỹ thuật chế biến cà phê ướt, sản xuất cơ khí phục vụ nông nghiệp nông thôn… Đối với công tác đào tạo nghề, bình quân mỗi năm Trung tâm liên kết với các cơ sở đào tạo nghề mở 12 lớp đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn. Mỗi lớp khoảng 30 học viên, chủ yếu là thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số và gia đình chính sách, đào tạo trong 3 tháng với đa dạng ngành nghề: sửa chữa máy nông cơ, dệt thổ cẩm, mây tre đan… Đây được xem là một trong những nội dung được chú trọng trong hoạt động khuyến công, bởi nó mang lại hiệu quả thiết thực nhất. Chính vì vậy, những lớp học mở ra đều được sự ủng hộ và sự tham gia nhiệt tình của đông đảo học viên với ý thức học tập nghiêm túc. Tổng kinh phí cho đào tạo thực hiện qua 5 năm đạt gần 1,8 tỷ đồng, trong đó trên 1,2 tỷ đồng từ quỹ khuyến công địa phương (KCĐP), còn lại huy động từ các đối tượng đươc thụ hưởng. Bên cạnh đó, thông qua các hoạt động khuyến công đã hướng dẫn, hỗ trợ cho các cơ sở tiếp cận, nâng cao về trình độ công nghệ, trình độ quản lý, nâng cao hiệu quả sản xuất. Mặt khác, hoạt động khuyến công đã khuyến khích, huy động các nguồn lực tại địa phương, các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp nông thôn theo qui hoạch phát triển công nghiệp trên địa bàn.
HTX Mây tre đan Ea Kao góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi tại địa phương. (Ảnh: Lê Ngọc) |
Công tác khuyến công tuy còn mới mẻ, nhưng bước đầu đã có những đóng góp tích cực trong sự phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn. Nhiều xã vùng sâu, vùng xa trước đây chưa có kinh tế công nghiệp, nay đã hình thành một số ngành nghề cơ khí, điện, chế biến nông - lâm sản như: Yang Mao (Krông Bông), Yang Tao (Lak), Ea M’roh (Cư M’gar). Đặc biệt ở những địa phương có thuận lợi, có nghề truyền thống đã khai thác, phát huy trở thành thế mạnh. Đơn cử như hợp tác xã Mây tre đan Tiến Nam (M’drak), với sự hỗ trợ kinh phí từ quỹ khuyến công quốc gia (KCQG), đơn vị đã mua sắm thêm máy móc, hoàn chỉnh dây chuyền sơ chế nguyên liệu mây, tre đan, nâng công suất từ 400 tấn lên 600 tấn/năm. Nhiều mô hình hỗ trợ thiết bị, kỹ thuật đã giúp các cơ sở sản xuất, hợp tác xã mở rộng được quy mô, đem lại hiệu quả kinh tế: hỗ trợ kinh phí hoàn chỉnh dây chuyền bơm nước tưới phục vụ cho sản xuất nông nghiệp tại cơ sở bơm nước Trọng Bằng ở thị trấn Ea Đrăng (Ea H’leo) tăng từ 200 sản phẩm/ năm lên 400 sản phẩm/năm; dây chuyền chế biến cà phê ướt với công suất 1,5 tấn quả tươi/giờ ở Krông Năng; lò sấy nông sản tại huyện Krông Ana… Trong 5 năm, tổng kinh phí đầu tư cho hoạt động khuyến công đạt gần 5,7 tỷ đồng, trong đó từ quỹ KCQG là 367 triệu đồng, KCĐP gần 4 tỷ đồng; trên 1,3 tỷ đồng được huy động từ các tổ chức, đơn vị, cá nhân được thụ hưởng. Các hoạt động khuyến công và tư vấn trong thời gian qua đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn, tạo đà cho công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn phát triển. Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn trong 5 năm đạt 6.933 tỷ đồng, chiếm 61,88% trong tổng giá trị SXCN toàn ngành với tốc độ tăng trưởng bình quân 21,4%. Đã có 1.112 lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm.
Tuy nhiên, đây là lĩnh vực tương đối mới đối với địa phương, cán bộ thực hiện cũng như tổ chức, đơn vị, cá nhân được thụ hưởng… nên việc triển khai công tác khuyến công vẫn gặp khó khăn, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Để hoạt động khuyến công đi vào chiều sâu, góp phần tích cực hơn nữa trong phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn thì công tác đào tạo nghề lao động nông thôn, cần hướng đến đầu tư chất lượng, chuyên sâu. Bên cạnh việc hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, tư vấn, cung cấp thông tin, hỗ trợ xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn, hoạt động khuyến công cũng cần tạo mối gắn kết bền vững trong liên doanh, liên kết, hợp tác kinh tế.
Ý kiến bạn đọc