Multimedia Đọc Báo in

Vietcombank Dak Lak: Nỗ lực “bơm vốn” phục vụ khách hàng

08:38, 12/01/2011

Những năm qua, tập thể cán bộ công nhân viên Chi nhánh Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Dak Lak (Vietcombank Dak Lak) đã không ngừng nỗ lực tìm kiếm các nguồn vốn, đồng thời bám sát định hướng phát triển của địa phương để cấp tín dụng, góp phần quan trọng vào việc đưa tỉnh Dak Lak phát triển toàn diện, mạnh mẽ....

Hoạt động của các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Dak Lak được sự quan tâm hỗ trợ tích cực từ các cấp chính quyền cũng như cơ quan quản lý chuyên môn. Tuy nhiên, do nền kinh tế của Dak Lak có điểm xuất phát thấp; tiềm lực tài chính của khách hàng nói chung, doanh nghiệp nói riêng còn rất hạn chế, đặc biệt là không ít doanh nghiệp hoạt động chủ yếu nhờ vốn vay từ các tổ chức tín dụng (TCTD); trong khi nhu cầu sử dụng vốn của khách hàng lớn gấp nhiều lần so với khả năng huy động… Đây là những khó khăn cơ bản mà bất kỳ TCTD nào cũng phải đối mặt, trong đó có Vietcombank Dak Lak. Để có vốn phục vụ khách hàng, đồng thời phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, những năm qua, Vietcombank Dak Lak đã không ngừng nỗ lực trong công tác huy động vốn, như: đa dạng hóa sản phẩm tiết kiệm; làm tốt công tác chăm sóc khách hàng; kết hợp huy động vốn với tín dụng, thanh toán quốc tế, mua bán ngoại tệ…. Theo nhiều khách hàng, họ chọn Vietcombank Dak Lak để gửi tiết kiệm không chỉ vì chi nhánh này có nhiều sản phẩm, dịch vụ phù hợp với điều kiện thực tế mà còn vì tác phong giao tiếp, chăm sóc khách hàng văn minh, lịch sự. “Cán bộ, nhân viên Vietcombank Dak Lak luôn giải quyết công việc nhanh chóng, chính xác và sẵn sàng hướng dẫn, giải thích cho chúng tôi những điều chưa rõ”, một khách hàng tiền gửi truyền thống của Vietcombank Dak Lak chia sẻ. Thực tế cho thấy, chính những nỗ lực này đã mang lại cho Vietcombank Dak Lak kết quả huy động vốn tương đối lớn. Thời gian gần đây, sự cạnh tranh trong huy động vốn diễn ra ngày một gay gắt hơn, các TCTD không ngừng gia tăng tính hấp dẫn của sản phẩm tiết kiệm thông qua các hình thức như tặng quà, tặng lãi suất, điều chỉnh thời gian nhận lãi… theo hướng có nhiều ưu đãi cho khách hàng gửi tiền. Cá biệt, không ít TCTD chèo kéo khách hàng, phá vỡ trần lãi suất huy động bằng việc lén lút tặng tiền mặt hoặc lãi suất cho khách hàng diễn ra trên diện rộng. Dù vậy, kết quả huy động vốn của Vietcombank Dak Lak vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng cao và ổn định. Nếu như năm 2005, tổng huy động vốn mới đạt trên 236 tỷ đồng thì đến năm 2010, con số này đã tăng hơn 6 lần, đạt 1.433 tỷ đồng. Ông Phạm Văn Phong, Giám đốc Vietcombank Dak Lak cho biết: “Song song với việc mở rộng mạng lưới hoạt động, công tác chăm sóc khách hàng cũng luôn được chi nhánh đặt lên hàng đầu. Hiện tại, chi nhánh có nhiều hình thức để nâng cao chất lượng thực hiện công tác này, như: thành lập tổ đánh giá viên để đánh giá chất lượng giao dịch của từng giao dịch viên; xây dựng chiến lược chăm sóc khách hàng ngắn hạn lẫn dài hạn; gắn kết quả chăm sóc khách hàng với các phong trào thi đua trong đơn vị  v.v…

Khách hàng giao dịch tại Vietcombank Dak Lak.
Khách hàng giao dịch tại Vietcombank Dak Lak.

Có một điểm đáng quan tâm là Vietcombak Dak Lak đẩy mạnh công tác huy động vốn không vì mục đích nào khác ngoài “bơm vốn” phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Con số dư nợ xấp xỉ 1.063 tỷ đồng (năm 2005) đã nhanh chóng nâng lên thành 4.123 tỷ đồng vào cuối năm 2010 đã phần nào nói lên điều đó. Điểm nổi bật trong công tác tín dụng là chi nhánh đã bám sát định hướng phát triển để đầu tư vốn, phục vụ có hiệu quả công tác chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo của tỉnh. Chi nhánh cung ứng tín dụng, đầu tư vào tất cả các ngành kinh tế then chốt của tỉnh như: sản xuất, kinh doanh và chế biến nông, lâm sản xuất khẩu, nhất là cà phê và mật ong; xây dựng cơ bản, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là thủy điện, giao thông. Ngoài ra, chi nhánh còn đẩy mạnh đầu tư cho các thành phần kinh tế khác như doanh nghiệp vừa và nhỏ; hộ sản xuất nông nghiệp, trang trại; cho vay tiêu dùng… Theo tâm sự của nhiều khách hàng vay, đồng vốn tín dụng của Vietcombank Dak Lak đã đóng vai trò quan trọng quyết định sự thành bại đối với việc sản xuất, kinh doanh của họ trong nhiều năm qua. Việc giải quyết cho vay kịp thời của Vietcombank Dak Lak giúp họ chớp được cơ hội làm ăn, mở rộng sản xuất kinh doanh. Và, đôi lúc đồng vốn này cũng chính là “chiếc phao” cứu họ vượt qua khó khăn, gượng dậy và vươn lên. “Không chỉ thủ tục cho vay đơn giản, công khai mà quyết định cho vay của Vietcombank Dak Lak còn được xem xét ở nhiều góc độ khác nhau, nhất là uy tín của khách hàng, tính hiệu quả của phương án hoặc dự án vay vốn chứ không “chăm chăm” nhìn vào giá trị tài sản thế chấp” - ông Phạm Ngọc Đỉnh - Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân thương mại Thiên Long Ngọc Đỉnh, một khách hàng của Vietcombank Dak Lak tâm sự.

Cùng với huy động và cho vay, hoạt động thanh toán xuất nhập khẩu và kinh doanh ngoại tệ cũng giữ được tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ. Điển hình là Vietcombank Dak Lak luôn duy trì được thị phần về thanh toán xuất nhập khẩu từ 38-40%, với doanh số thanh toán bình quân hàng năm xấp xỉ 293 triệu USD. Đối với hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, Vietcombank Dak Lak là một trong những đơn vị đi đầu trong triển khai dịch vụ thẻ trên địa bàn. Tính đến nay, chi nhánh đã có 22 máy ATM và 47 đơn vị chấp nhận thẻ (POS) với 61.395 thẻ đang được khách hàng sử dụng. Con số hơn 1.200 tỷ đồng doanh số sử dụng thẻ nội địa và hơn 300 tỷ đồng doanh số sử dụng thẻ quốc tế của Vietcombank Dak Lak trong năm 2010 đã nói lên điều đó. Về mục tiêu của những năm tới, ông Phạm Văn Phong cho biết: Trọng tâm vẫn là nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng. Theo đó, sẽ chú trọng nâng cao năng lực điều hành và công tác quản trị rủi ro; đưa công tác huy động vốn lên mục tiêu trọng tâm và ưu tiên hàng đầu; xây dựng cơ cấu tín dụng phù hợp với định hướng phát triển của địa phương; tập trung phát triển mạnh dịch vụ ngân hàng bán lẻ…

 

Lê Ngọc

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.