Multimedia Đọc Báo in

Đích ngắm của quy hoạch

08:55, 16/02/2011

Xây dựng Dak Lak trở thành trung tâm vùng Tây Nguyên và đóng vai trò quan trọng đưa Tây Nguyên trở thành vùng kinh tế động lực của cả nước, mục tiêu này được đưa ra và đã thông qua tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2011-2015. Người dân kỳ vọng một diện mạo, nội lực mới từ vùng cao nguyên Dak Lak này, còn với các nhà quản lý, đứng từ góc độ quy hoạch, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng đô thị Buôn Ma Thuột, có thể khẳng định đây cũng là đích ngắm quan trọng của công tác quy hoạch…

Một góc Ngã sáu Buôn Ma Thuột về đêm. (Ảnh: Nam Sơn)
Một góc Ngã sáu Buôn Ma Thuột về đêm. (Ảnh: Nam Sơn)

Quy hoạch, phát triển nguồn nhân lực dựa trên thế và lực
Có nhiều yếu tố mang tính quyết định cho mọi sự phát triển: tài nguyên thiên nhiên, vốn, khoa học công nghệ, con người… Trong đó con người là một trong những điểm mấu chốt, xuyên suốt, biến tiềm năng thế mạnh thành động lực để phát triển.

Tại Hội nghị Quy hoạch phát triển nhân lực các tỉnh Tây Nguyên do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì ngày 18-11-2010, báo cáo quy hoạch phát triển nhân lực Dak Lak thời kỳ 2011-2020 đã nhấn mạnh: Phát triển nhân lực gắn kết chặt chẽ với quá trình quy hoạch phát triển mạng lưới giáo dục đào tạo và dạy nghề trên địa bàn tỉnh, theo hướng chú trọng phát triển mạng lưới đào tạo nghề phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; gắn với việc đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trên các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn. Đồng tình với quan điểm này, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phân tích rõ hơn: Dak Lak cần chú trọng đến công tác đào tạo, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên bởi điều này có tác động trực tiếp đến việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Ngoài ra, từ các loại cây, con chủ lực, địa phương cũng có thể tính toán cơ cấu đào tạo để phục vụ sự phát triển, phát huy tiềm năng, thế mạnh sẵn có, đơn cử như tiềm năng về quỹ đất, thủy điện, công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, du lịch và môi trường sinh thái. Còn theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các tỉnh Tây Nguyên nói chung, Dak Lak nói riêng cần có chính sách phát triển nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số tại chỗ; quy hoạch, xây dựng mạng lưới đào tạo, dạy nghề nội vùng; thực hiện hợp tác liên vùng và hợp tác quốc tế trong đào tạo nhân lực.

Với quan điểm trên, mục tiêu quy hoạch và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2020 của Dak Lak là cùng với chuyển dịch cơ cấu kinh tế sẽ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động. Cụ thể: Đến năm 2015 tỷ trọng lao động trong ngành nông lâm nghiệp là 65%, công nghiệp – xây dựng 14,5%, dịch vụ  20,5%; đến năm 2020 tỷ trọng lao động trong từng ngành tương ứng là 55%-19% và 26%. Về cơ cấu trình độ lao động qua đào tạo, năm 2015, tổng số lao động qua đào tạo theo cơ cấu 1 cử nhân-1,5 trung cấp chuyên nghiệp-6 công nhân kỹ thuật và đến năm 2020, cơ cấu tương ứng là 1-2-7. Định hướng công tác phân bổ đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh cũng được tính toán theo các tiểu vùng: Tiểu vùng trung tâm, nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch và là tiểu vùng kinh tế động lực của tỉnh, đòi hỏi chất lượng nguồn nhân lực phải cao. Tiểu vùng phía Bắc, nhu cầu nguồn nhân lực chủ yếu phục vụ để phát triển mạnh nông lâm nghiệp, công nghiệp chế biến nông lâm sản, thức ăn gia súc, sản xuất vật liệu xây dựng. Tiểu vùng Đông Nam, nhu cầu nhân lực phục vụ cho phát triển công nghiệp chế biến nông sản, khai thác và chế biến lâm sản, mở rộng mạng lưới thương mại dịch vụ.

Theo đó, các nhóm giải pháp nổi bật, đáng chú ý để nâng cao trình độ nguồn nhân lực cũng được xác định dựa trên đặc điểm, tiềm năng thế mạnh vùng. Đó là trong giai đoạn 2011-2020, tỉnh chú trọng giáo dục trong khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; đào tạo đội ngũ lao động ở địa bàn cơ sở, đặc biệt chú trọng tới lực lượng lao động trẻ người dân tộc thiểu số làm đầu tàu trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật; mở rộng quy mô trường dân tộc nội trú. Ưu tiên đào tạo nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Có cơ chế chính sách và tập trung phát triển các ngành công nghiệp chế biến, du lịch sinh thái và các ngành có sử dụng nhiều lao động; có chính sách ưu đãi về cho vay vốn nhất là xuất khẩu lao động có kỹ thuật trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và chế biến nông lâm sản.

Đào tạo lực lượng lao động có tay nghề là yếu tố quan trọng cho sự phát triển bền vững. (Ảnh: Đ.T)
Đào tạo lực lượng lao động có tay nghề là yếu tố quan trọng cho sự phát triển bền vững. (Ảnh: Đ.T)

Tạo sức bật cho đô thị Buôn Ma Thuột
Tháng 2-2010, Buôn Ma Thuột được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Với vị thế là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh, những bước đi của đô thị Buôn Ma Thuột có ý nghĩa quan trọng trên con đường xây dựng Dak Lak trở thành trung tâm vùng Tây Nguyên và đóng vai trò quan trọng đưa Tây Nguyên trở thành vùng kinh tế động lực của cả nước. Quy hoạch chung xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột đến năm 2025  được Bộ Xây dựng thỏa thuận chọn tư vấn nước ngoài tham gia thực hiện điều chỉnh. Quan điểm chung của các nhà lãnh đạo, quản lý là phải chọn được những khâu đột phá, tạo sức bật để Buôn Ma Thuột sớm trở thành  đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên. Sức bật đó, theo đồng chí Niê Thuật, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy là thành phố phải tìm được những khâu đột phá, phải có kế hoạch, bước đi và các giải pháp thật cụ thể, chọn hướng đi có hiệu quả, mang bản sắc riêng; sớm xây dựng các khu đô thị mới, các dự án phát triển công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp chế biến, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp cơ khí, chú trọng phát triển các ngành dịch vụ. Còn theo ông Bùi Thanh Lam, Phó Chủ tịch UBND thành phố, tạo sức bật chính là từ việc xác định nội dung và yêu cầu các quy hoạch cần phải đáp ứng được định hướng và tầm nhìn dài hạn là xây dựng thành phố trở thành trung tâm cấp vùng trước năm 2020; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng đồng bộ quy hoạch phát triển thành phố gắn với quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực; hình thành các ngành công nghiệp mới phù hợp với tiềm năng và điều kiện phát triển như công nghiệp chế biến thực phẩm, chế biến nông lâm sản xuất khẩu trên cơ sở khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh. 

Những quan điểm trên đã được thể hiện rõ trong các động thái của chính quyền thành phố như đầu tư phát triển các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn lớn, phát triển các dịch vụ bưu chính viễn thông, tài chính, ngân hàng…(đến nay đã có 21 đơn vị kinh doanh tiền tệ trên địa bàn) nhằm hỗ trợ đắc lực cho thúc đẩy phát triển sản xuất; chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng tại các khu công nghiệp nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư; nâng cấp đường giao thông, cảng hàng không… Được Hiệp hội Đô thị từng bình chọn là một trong mười đô thị sạch của cả nước, thành phố đã và đang tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ đầu tư phát triển kinh tế xã hội, hoàn thiện đồng bộ cơ sở kỹ thuật hạ tầng theo tiêu chí của đô thị loại I như hệ thống điện chiếu sáng, mạng lưới cây xanh, hoa viên, công viên… Các khu đô thị mới được quy hoạch chi tiết; các khu phố cũ được chỉnh trang thảm lại các trục đường, đúc lát vỉa hè bằng vật liệu cao cấp. Thành phố Buôn Ma Thuột ngày càng khang trang, tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, phạm vi đô thị ngày càng mở rộng. Diện mạo một đô thị đang đổi thay từng ngày theo hướng văn minh, hiện đại là lời khen mà người dân và nhiều du khách tới đây dành tặng phố núi xinh đẹp này.

Phát huy tiềm năng, lợi thế vùng trở thành một trong những cơ sở của quan điểm, định hướng cùng nỗ lực của chính quyền các cấp với đích ngắm là xây dựng Dak Lak trở thành trung tâm vùng Tây Nguyên và đóng vai trò quan trọng đưa Tây Nguyên trở thành vùng kinh tế động lực của cả nước. Suy cho cùng đó cũng là hướng quy hoạch phát triển bền vững.

Phát huy sức mạnh đoàn kết, chú trọng công tác quy hoạch,
đưa Dak Lak phát triển nhanh và vững chắc
 Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Dak Lak ngày 1-3-2010, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, năm 2010 có ý nghĩa hết sức quan trọng, kết thúc 5 năm (2005-2010) và tạo tiền đề phát triển cho 5 năm tiếp theo. Vì vậy, Dak Lak phải nâng cao hơn nữa chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, khắc phục triệt để yếu kém. Nhất là cần nhanh chóng rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội làm cơ sở xây dựng kế hoạch 5 năm tới cho phù hợp. Trên cơ sở quy hoạch, tập trung nâng cao chất lượng kêu gọi đầu tư nhằm đa dạng huy động các nguồn lực phục vụ phát triển. Với tiềm năng, thế mạnh về cây công nghiệp, nông nghiệp, tỉnh cần quan tâm hơn nữa đến việc tìm kiếm giải pháp nâng cao chất lượng, sản lượng các loại cây trồng.

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc