Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Ana: Tốc độ tái phát triển đàn heo sau dịch tai xanh còn chậm

09:03, 25/02/2011

Sau hơn 4 tháng, kể từ ngày công bố hết dịch heo tai xanh (15-11-2010), huyện Krông Ana đang từng bước khắc phục hậu quả, vận động người chăn nuôi tiếp tục tái đàn heo… nhưng xem ra, nhiều hộ chăn nuôi nơi đây vẫn đang còn chần chừ.

Nỗ lực dập tắt dịch bệnh
Theo thống kê của Phòng NN- PTNT huyện Krông Ana, đợt dịch heo tai xanh (từ 14- 8 đến 15- 11- 2010), toàn huyện có 1.444 con heo bị nhiễm bệnh phải tiêu hủy (tổng số trên 55 tấn). Dịch tai xanh có diễn biến phức tạp, bùng phát nhanh và lan khắp toàn bộ 8 xã, thị trấn của huyện. Trong những ngày dịch bệnh phát sinh, các địa phương đã tích cực đẩy mạnh chiến dịch tuyên truyền về tính chất nguy hiểm và các biện pháp phòng, chống dịch tai xanh để người chăn nuôi tích cực, tự giác tham gia thực hiện. Mặt khác, tăng cường hoạt động của Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, chủ động giám sát, phát hiện kịp thời các ổ dịch khi mới xuất hiện, vận động bà con không  mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ heo khi chưa được kiểm dịch.

Ông Đặng Văn Lân, Phó trưởng Phòng NN- PTNT huyện cho biết: Trước diễn biến phức tạp của đợt dịch vừa qua, Ban chỉ đạo phòng chống dịch gia súc, gia cầm huyện đã tập trung chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch nhằm chủ động ngăn chặn dịch tai xanh phát sinh và lây lan trên địa bàn để vừa bảo vệ người chăn nuôi khỏi những thiệt hại, vừa bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Sau khi dịch được ngăn chặn thì công tác tuyên truyền, vận động và hướng dẫn bà con trong việc tái đàn, phòng ngừa dịch bệnh phát sinh vẫn tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh. Ông Lân cho biết thêm, từ sau đợt dịch đến nay, huyện đã hoàn tất việc hỗ trợ kinh phí cho những hộ bị thiệt hại cũng như kinh phí cho công tác phòng chống dịch bệnh theo chủ trương, chính sách của Nhà nước được gần 1,7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp huyện còn phối hợp tổ chức được 4 đợt ra quân tiêm phòng, phun thuốc tiêu độc tại các chuồng trại nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện; đồng thời tổ chức hội nghị hướng dẫn chăn nuôi, khuyến cáo bà con cách phòng ngừa dịch bệnh cho heo, vệ sinh chuồng trại, chọn giống… Nhờ vậy, huyện Krông Ana đã hoàn toàn khống chế được dịch bệnh, người chăn nuôi đã phần nào yên tâm...

Người dân huyện Krông Ana còn e ngại trong việc tái phát triển đàn heo sau dịch tai xanh.
Người dân huyện Krông Ana còn e ngại trong việc tái phát triển đàn heo sau dịch tai xanh.

Tái đàn heo sau dịch còn nhiều khó khăn
Điều đáng nói là qua nhiều tháng sau khi công bố hết dịch, nhưng số lượng heo tái đàn trên địa bàn huyện đến nay vẫn rất ít, chỉ tập trung ở những hộ chăn nuôi quy mô lớn theo hình thức trang trại, còn những hộ nuôi nhỏ lẻ thì vẫn chần chừ, hoặc nuôi cầm chừng với số lượng nhỏ. Theo các hộ chăn nuôi, với tình hình hiện nay, việc nuôi heo sẽ không có lời, bởi giá heo xuất ra tăng không đáng kể, chỉ dao động từ 30.000- 40.000 đồng/kg, trong khi đó giá thức ăn lại tăng cao, làm các hộ chăn nuôi rất lo ngại. Anh Tào Văn Minh ở xã Dur Kmăl cho biết, chỉ trong vòng 2 tháng đầu năm nay, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng lên gần 10 lần, mỗi lần tăng khoảng 500-1000 đồng/kg. Như vậy chi phí cho mỗi con heo từ khi mua giống về nuôi đến lúc xuất bán chỉ đủ trả tiền thức ăn, chưa kể công chăm sóc. Chưa kể nguồn cung cấp con giống chất lượng cho người chăn nuôi hiện vẫn chưa bảo đảm, làm ảnh hưởng đến việc tái đàn, trong khi nhu cầu về giống heo sạch bệnh lại là điều người chăn nuôi rất quan tâm trước khi quyết định nuôi trở lại. Anh Nguyễn Đức Chương ở xã Bình Hòa chia sẻ: đợt dịch tai xanh vừa qua, toàn bộ 8 con heo của gia đình anh đều bị nhiễm bệnh phải tiêu hủy, trong đó có 1 heo nái đang cho sinh sản. Đến nay, anh Chương chỉ dám nuôi cầm chừng 4 con heo thịt, nhưng vẫn không khỏi lo ngại vì con giống được mua trôi nổi, chưa qua kiểm dịch.

Mặc dù trong đợt dịch, Nhà nước có hỗ trợ cho những hộ có heo bị tiêu hủy 25.000 đồng/kg, nhưng số tiền ấy chỉ đáp ứng một phần những thiệt hại nặng nề mà người chăn nuôi phải gánh chịu. Trước tình hình trên, không chỉ những hộ chăn nuôi có heo bị nhiễm bệnh không muốn tái phát triển đàn, mà nhiều hộ khác cũng e ngại. Anh Nguyễn Văn Huy, hộ chăn nuôi lớn ở thị trấn Buôn Trấp cho biết, mặc dù khi xảy ra dịch, đàn heo của gia đình anh không bị nhiễm bệnh, nhưng heo không xuất bán được vì người tiêu dùng quay lưng lại với thịt heo, làm người chăn nuôi lao đao. Hiện tại, trang trại của anh Huy vẫn nuôi ổn định 4 con heo nái, 8 heo con và 15 heo thịt chuẩn bị xuất bán. Anh dự định chờ qua mùa rét (khoảng tháng 4- 2011) mới tiếp tục đầu tư tăng đàn.

Trước thực trạng trên, Krông Ana đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo tới người dân về cách thức sát trùng chuồng trại theo định kỳ để ngăn chặn mầm bệnh; tiêm phòng đầy đủ các bệnh truyền nhiễm để ngăn ngừa mầm bệnh, không mua heo giống không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện heo bệnh, phải báo ngay cho cơ quan thú y xã để có sự giúp đỡ, can thiệp kịp thời, tránh sự lây lan, bùng phát thành dịch.

 

Lê Thành

 


Ý kiến bạn đọc