Multimedia Đọc Báo in

Nông dân lao đao vì thiếu nước ngay từ đầu mùa khô

09:02, 28/02/2011

Tình hình khô hạn trong mùa khô năm nay được dự đoán sẽ diễn ra rất phức tạp. Thế nhưng, ít ai ngờ rằng ngay từ đầu mùa khô, tại nhiều địa phương trong tỉnh đã phải đối mặt với những khó khăn do thiếu nước tưới.

Mọi năm, người trồng cà phê tại huyện Ea H’leo cũng thường bị thiếu nước tưới nhưng chí ít cũng đến đợt tưới thứ ba, thứ tư mới phải chờ nước. Mặc dù đã dự đoán trước tình hình khô hạn, nhiều hộ gia đình đã chủ động nạo vét hồ, tích nước, nhưng ngay trong đợt tưới đầu tiên cũng phải chờ mất vài ngày trong một đợt tưới. Anh Kpă Y Chua (xã Ea H’leo) có 3 ha cà phê nên cần tích lũy khá nhiều nước, anh đã đào 3 hồ chứa nước nhưng trong đợt tưới vừa rồi, cả ba hồ chứa nước của gia đình anh đều cạn nên chỉ có thể tưới cầm chừng. Anh cho biết, anh làm cà phê hàng chục năm nay nhưng chưa bao giờ phải chờ nước tưới trong đợt đầu tiên như thế này. Anh dự định sẽ tiếp tục nạo vét các hồ chứa nước trong thời gian chờ đợt tưới thứ hai nhưng cũng không dám chắc sẽ có đủ nưới tưới cho mùa khô năm nay. Tình trạng này không chỉ xảy ra với gia đình anh Kpă Y Chua mà còn với nhiều gia đình khác trong xã.

Tại huyện Cư M’gar, tình hình khô hạn cũng đang diễn ra khá phức tạp. Những hộ dân tưới đợt một từ trước Tết thì lúc đó còn đủ nước để tưới đẫm, còn những hộ để đến sau Tết mới tưới thì gặp rất nhiều khó khăn. Ông Ama Bét (buôn Huk A, xã Cư M’gar) có 1 ha cà phê nhưng tưới gần cả tuần nay vẫn chưa xong vì cứ tưới một lúc lại chờ 3-4 tiếng sau mới có đủ nước để tưới tiếp. Dưới cái nắng gay gắt của mùa khô Tây Nguyên, ông Ama Bét đang vét lớp bùn trong hồ chứa để dẫn nước vào vị trí đặt vòi rồng của máy tưới. Theo ông, đây là lần đầu tiên trong đời làm cà phê của mình ông phải làm việc này trong đợt tưới thứ nhất… Không chỉ cây cà phê thiếu nước mà nhiều loại cây trồng khác tại huyện Cư M’gar cũng rơi vào tình trạng này. Được biết toàn huyện hiện đã có 100 ha cây trồng đã lâm vào tình trạng khô hạn. Số diện tích lúa nước bị hạn chủ yếu là những chân ruộng không có công trình thủy lợi hoặc cuối nguồn của công trình.

Ông Ama Quân (buôn Huk, xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar) đang lắp máy tưới chuẩn bị dẫn nước về ruộng.
Ông Ama Quân (buôn Huk, xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar) đang lắp máy tưới chuẩn bị dẫn nước về ruộng.

Nhiều cánh đồng tại buôn Huk A (xã Cư M’gar) đã bỏ trống vì không có nước để gieo cấy. Những khoảng ruộng đã gieo cấy thì lúa đã bắt đầu úa vàng, người dân thì bất lực nhìn cây lúa chết dần mà không biết làm thế nào để cứu. Ông Ama Quân (buôn Huk B) có 5 sào ruộng nước đang trong giai đoạn trổ đòng, theo tính toán giống như mọi năm thì khi lúa vào vụ gặt thì mới cạn nước, nhưng nay ông đã phải bơm nước từ chỗ khác vào ruộng của mình để cứu lúa không bị chết. Ông Ama Quân than thở, giá dầu tăng chóng mặt, nước thì thiếu, lúa đang trong giai đoạn trổ đòng mà bỏ thì tiếc nên đành cắn răng dẫn nước về cứu lúa. Nguồn nước mà ông Ama Quân sử dụng cũng chỉ là một hồ chứa nước nhỏ, chỉ còn một ít nước đọng ở phần đáy nên ông Ama Quân rất lo bị thiếu nước trong thời gian tới.

Địa phương có diện tích bị khô hạn đe dọa lớn nhất là huyện Krông Bông với gần 1.000 ha. Theo một cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Krông Bông, nguyên nhân dẫn đến khô hạn ngay trong những ngày đầu mùa khô là do thời tiết nắng nóng gay gắt cùng với mực nước tại các hồ, đập chứa nước trên địa bàn đang xuống rất thấp.

Bên cạnh việc thiếu nước do thời tiết nắng nóng, mực nước ngầm xuống thấp còn có nguyên nhân do sự điều tiết nước không hợp lý. Hơn 200 ha lúa nước tại xã Ea R’bin (Lak) đang thiếu nước trầm trọng là do điều tiết xả nước của hồ Buôn Tua Sarh không phù hợp với mùa vụ gieo cấy.

Theo số liệu của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai tỉnh, tính đến nay, toàn tỉnh đã có 1.460 ha cây trồng các loại bị khô hạn, gồm: 536 ha lúa nước, 683 ha ngô và 241 ha các loại đậu đỗ, trong đó có trên 58 ha lúa nước bị mất trắng. Dự kiến trong thời gian tới, tình hình khô hạn có thể kéo dài, gây khó khăn trong việc chủ động nước tưới trong các đợt tiếp theo. Để đối phó với tình trạng trên, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tăng cường quản lý nguồn nước, tiếp tục chống hạn, đặc biệt các địa phương có nhiều diện tích cà phê cần có giải pháp cân đối nguồn nước hợp lý để bảo đảm nước tưới cho từng loại cây trồng.

 

Giang Nam

 


Ý kiến bạn đọc