Sắc xuân vùng đồi
Đi giữa bạt ngàn cà phê trĩu nặng quả mùa thu hoạch trên những vùng đồi Krông Năng, nghe như mùa xuân đã về rất gần. Cà phê được mùa, được giá đem theo niềm vui lan tỏa đến từng vườn cây, mỗi nếp nhà, đem theo cả niềm tin cho sức vươn lên mạnh mẽ của xứ cao nguyên đầy nắng gió.
Nụ cười học sinh xã vùng sâu Cư Klông. |
Đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu đã mang lại cho cà phê xứ này hương vị thơm ngon đặc biệt, được giới chuyên gia ngành cà phê đánh giá cao. Để làm nên giá trị hạt cà phê, công đầu thuộc về những nông dân cần cù một nắng hai sương từ thuở cây cà phê mới bén rễ nơi đây. Ông Nguyễn Văn Lam, Chủ tịch Hội nông dân huyện ví von: “ăn cà phê, ngủ cà phê” chính là minh chứng sống động nhất cho sự vất vả của người trồng cà phê. Vào mùa tưới, mùa thu hái thì nông dân gần như bám vườn 24/24, vì đây là những khâu hết sức quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, chất lượng quả. Trước đây, phải tưới thủ công, đồi thì cao, sông suối thì xa, đưa nước được đến cây cực nhọc muôn phần. Phải gò lưng kéo ống nước vào các hàng cây, rải đường ống vài cây số, có khi đến hàng chục cây số, kiên trì đưa đầu vòi tưới trĩu nặng phun đều từng tán cây, góc lá sao cho vừa kịp, vừa đủ độ cây bung hoa; đến mùa thu hoạch, lại chạy đua với thời tiết, thấp thỏm với thị trường ... Trải bao nhọc nhằn vất vả, cần mẫn khai hoang, trồng trọt, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, hơn 20 năm qua người dân đã biến vùng đồi hoang sơ thành vùng trọng điểm trồng cà phê của địa phương với năng suất, chất lượng ngày càng được cải thiện. Toàn huyện có gần 26.000 ha, năng suất bình quân 2 tấn/ha, trong đó một số vùng trọng điểm trồng cà phê đạt năng suất 4 tấn /ha. Nhiều hộ nông dân đã thoát nghèo, làm giàu từ cây cà phê. Năm qua, 3 xã trên địa bàn tự tin bước ra khỏi danh sách xã vùng 3 đều thuộc vùng có diện tích cà phê lớn, sản xuất cà phê đóng vai trò chủ lực trong phát triển kinh tế.
Khi sản xuất phát triển theo phương thức hiện đại hóa, cơ giới hóa, nông dân đã vơi bớt những nhọc nhằn, nhưng vẫn còn đấy bao bộn bề lo toan trước nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường về chất lượng sản phẩm. Với lợi thế phát triển, vùng trồng cà phê Krông Năng đã được các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu trong nước là Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Dak Lak và Công ty Cổ phần Cà phê An Giang chọn xây dựng thí điểm vùng nguyên liệu xuất khẩu theo tiêu chí sản xuất bền vững. Doanh nghiệp đầu tư đồng bộ theo quy trình khép kín từ trồng trọt, chăm sóc đến thu hoạch, chế biến, tiêu thụ, theo đó các hộ tham gia chương trình sản xuất cà phê bền vững được hỗ trợ về nhiều mặt, từ tập huấn kỹ thuật, nâng cao trình độ sản xuất cà phê đến bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường. Cũng trên cùng diện tích với loại cây trồng truyền thống, người nông dân đã mang một tâm thế mới khi sản xuất theo phương thức mới mang tính chuyên nghiệp, bảo đảm hài hòa các tiêu chí kinh tế - xã hội - môi trường. Niên vụ cà phê này, tất cả diện tích cà phê áp dụng sản xuất có chứng nhận trên địa bàn đều thu hái cà phê chín theo đúng kỹ thuật, kết hợp với các biện pháp bảo quản tốt sau thu hoạch nhằm nâng cao chất lượng cà phê, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Theo tính toán của nông dân, sản xuất theo tiêu chí UTZ đã giảm giá thành đầu vào, lại được thu mua với giá cao hơn giá thị trường nên tính ra mỗi kg được lợi 1000 đồng so với trước. Như vậy, hơn 1000 ha cà phê của 1.200 hộ trên địa bàn huyện tham gia chương trình đã tạo ra giá trị gia tăng đáng kể.
Một góc xã Ea Tam. |
Thành quả lao động đã tạo nên giá trị cuộc sống, người nông dân lấy lao động, lấy sản phẩm nông nghiệp thấm đẫm mồ hôi công sức của mình để nâng cao đời sống nơi đây. Ngoài cà phê là cây trồng chủ lực, người dân còn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đa dạng hóa cây trồng nhằm khai thác tối đa tiềm năng đất đai. Sự nỗ lực vươn lên của người dân cùng sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước đã thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Đất lành chim đậu, Krông Năng trở thành nơi hội tụ của người dân từ nhiều miền đất nước. Những người dân xứ Huế đã mang theo cả tên đất tên làng cùng nếp sống đậm chất Huế lên vùng cao nguyên lập nghiệp. Đến các xã Tam Giang, Phú Xuân…giữa bạt ngàn cà phê bỗng như lạc vào làng quê người dân cố đô với những ngôi nhà làm theo kiểu cổ, mái ngói đỏ nép bên hàng cau, giàn trầu xanh thắm; với món cơm hến xứ Huế được chế biến từ hến sông Krông Năng…Đồng bào dân tộc phía Bắc tìm thấy trên vùng đất đỏ mạch nguồn sự sống dạt dào, để hình thành nên những “xã Việt Bắc” như Ea Tam, Cư Klông…Mang đến những kinh nghiệm của riêng mình, họ nhanh chóng hòa cùng nhịp sống của người dân tại chỗ, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Xã Ea Tam có 9 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó hơn 80% là đồng bào Tày, Nùng từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào định cư không những đã thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu, có mức thu nhập đứng đầu huyện. Nơi hội tụ của người dân mọi miền cũng tạo nên nét văn hóa đặc sắc cho xứ cà phê. Dịp Tết vừa qua, Lễ hội Văn hóa dân gian các dân tộc Việt Bắc lần đầu tiên được tổ chức tại xã Ea Tam đã trở thành sự kiện văn hóa - du lịch độc đáo, thu hút đông đảo người dân trong và ngoài huyện cùng tham gia. Mới đây, Dự án xây dựng Chợ văn hóa dân gian Việt Bắc tại Ea Tam đã được tỉnh và huyện thông qua làm nức lòng nhân dân trong xã. Dự án sẽ tạo điểm gặp gỡ, giao lưu văn hóa của đồng bào dân tộc phía Bắc cũng như đồng bào các dân tộc trên đất Tây Nguyên, thắt chặt tình đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Ý kiến bạn đọc