Multimedia Đọc Báo in

Vai trò “chủ rừng” trong bảo vệ rừng

08:51, 18/02/2011

Kinh tế lâm nghiệp được xác định đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, những năm gần đây, trước tình trạng rừng bị xâm hại vẫn diễn ra khá phổ biến, nên việc phát huy vai trò nòng cốt của người dân trong quản lý bảo vệ rừng, được xem là giải pháp hiệu quả, bền vững.

Toàn tỉnh có trên 8.500 “chủ rừng”
Theo báo cáo của Chi cục Lâm nghiệp tỉnh: đến nay toàn tỉnh đã giao khoán 97.120 ha rừng cho trên 8.500 hộ, nhóm hộ gia đình, cộng đồng thôn buôn quản lý bảo vệ, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm gần 80%. Trong đó, giao rừng theo Nghị định 163/1999/NĐ-CP của Chính phủ, Quyết định 304/2005.QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là 37.000 ha; khoán quản lý bảo vệ rừng theo Quyết định 178/2001/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ là 60.120 ha. Như vậy, gần 100.000 ha rừng được giao khoán cũng đồng nghĩa với những diện tích rừng này đã có chủ. Chính vì vậy, việc giao khoán quản lý, bảo vệ rừng đến hộ gia đình, cộng đồng thôn, buôn đã góp phần hạn chế tình trạng chặt phá, khai thác lâm sản trái phép, đồng thời tạo thu nhập cho người dân. Qua kiểm tra thực tế, có thể khẳng định việc khoán quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) đã mang lại hiệu quả thiết thực, diện tích rừng được giao khoán cho người dân, cộng đồng thôn, buôn trực tiếp quản lý bảo vệ thường ít bị xâm hại. Mặt khác, từ năm 2006, thực hiện chương trình hỗ trợ trồng rừng sản xuất với mức hỗ trợ 2 triệu đồng/ha đã thu hút nhiều người dân đến với nghề rừng. Từ nguồn hỗ trợ này, bình quân mỗi năm các hộ dân tham gia trồng mới khoảng 2000 ha rừng sản xuất. Không chỉ bổ sung kiến thức trồng rừng thâm canh, chương trình còn từng bước giúp người dân nâng cao nhận thức phát triển kinh tế đồi rừng, thay đổi tập quán du canh du cư, đốt rừng làm nương rẫy của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số. Đây cũng chính là lực lượng nòng cốt góp phần vào việc đẩy nhanh tiến độ trồng rừng theo chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng của Chính phủ. Qua các mô hình liên doanh liên kết giữa các tổ chức, doanh nghiệp với người dân, bình quân mỗi năm toàn tỉnh trồng mới khoảng 5.000 ha. Chính từ các mô hình liên kết này đã tạo được sự gắn kết trong phát triển kinh tế lâm nghiệp, góp phần thúc đẩy công nghiệp chế biến lâm sản phát triển theo hướng bền vững, gắn sản xuất với phát triển vùng nguyên liệu. Là một trong những địa phương có diện tích rừng khá lớn của tỉnh (31 nghìn ha), huyện Krông Bông đã gặp không ít khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ do rừng cha thực sự có chủ; do thiếu đất canh tác và áp lực của nạn di dân tự do tăng nhanh trong những năm qua… Trước tình trạng đó, dựa trên các quyết định, nghị định đã bàn hành, từ năm 2000 đến nay, huyện Krông Bông đã giao khoảng 10.000 ha rừng cho hộ dân và cộng đồng các thôn, buôn: Hàng Năm, Kiều, Ea Chố, thôn 3 (Yang Mao), Cư D'răm (Cư D'răm) quản lý, bảo vệ đã mang lại hiệu quả nhất định, người dân có thêm nguồn thu nhập, cải thiện đời sống...

Tập huấn kỹ thuật lâm sinh cho Ban Quản lý rừng cộng đồng buôn T'ly, xã Ea Sol (huyện Ea  H'leo).
Tập huấn kỹ thuật lâm sinh cho Ban Quản lý rừng cộng đồng buôn T'ly, xã Ea Sol (huyện Ea H'leo).

Để có thêm những “chủ rừng”
Ea H’leo là một trong những địa bàn khá nóng về an ninh rừng.Vì vậy, sự tham gia tích cực của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng đã góp phần quan trọng gìn giữ màu xanh cho những cánh rừng nơi đây. Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm Ea H’leo, toàn huyện có gần 12.000 ha rừng đã được giao cho hộ dân, cộng đồng thôn, buôn quản lý, bảo vệ; trong đó trên 10.000 ha là rừng tự nhiên. Số diện tích này tập trung ở các xã: Ea Sol, Ea H’leo, Ea Hiao, Ea Ran, Ea Khal, Ea Nam. Đây cũng là các xã có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao nhất trong toàn huyện, đời sống còn găp nhiều khó khăn. Quá trình giao đất giao rừng (GĐGR) đã góp phần tạo thêm thu nhập cho những hộ dân nơi đây, với các sản phẩm phụ từ rừng: nấm, măng tre, song mây... Và cũng từ khi những cánh rừng thực sự có chủ, sự phối hợp giữa chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng với người dân đã trở nên chặt chẽ hơn.

Tuy nhiên, có một thực tế là công tác GĐGR vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn; hằng năm, không ít diện tích rừng đã giao khoán bị lấn chiếm. Những năm trước đây, còn có cả tình trạng nhiều diện tích rừng bị chính chủ rừng chặt phá làm nương rẫy. Nguyên nhân được xác định: rừng giao khoán chủ yếu là rừng nghèo, thiếu sự quan tâm của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ, giúp đỡ về kỹ thuật, vốn ban đầu để bà con có thể phát triển sản xuất chăn nuôi dưới tán  rừng theo đúng quy định. Do đó, để khơi được sức dân trong việc quản lý, bảo vệ rừng; chính quyền địa phương các cấp cần quan tâm tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất, chăn nuôi, hưởng lợi hợp pháp từ rừng thông qua sự lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, gắn phát triển kinh tế lâm nghiệp với nông nghiệp…

 

Lê Hương

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.