“VÀNG TRẮNG” TRÊN CAO NGUYÊN
Trải qua bao thăng trầm với thời gian, cây cao su ngày càng bén rễ vững chắc trên vùng đất ba-zan đầy nắng gió, đưa Tây Nguyên trở thành một trong những vùng trọng điểm cao su của cả nước. Từ nguồn vàng trắng thiên nhiên ban tặng, ngành cao su từng bước khẳng định vị thế qua những chuyển biến tích cực trên nhiều mặt, từ sản xuất đến xuất khẩu, từ giải quyết việc làm đến vấn đề bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống người lao động.
Chế biến sản phẩm cao su xuất khẩu. (Ảnh: Ngọc Hoa) |
Niềm vui dưới những tán rừng
Tây Nguyên mùa khô, rừng cao su đang thời kỳ thay lá, sắc lá vàng xuộm cuốn theo chiều gió, nhường lại cho sắc tươi non của lộc nõn. Giữa sự đổi ngôi của lá, cây vặn mình làm sữa để tiếp tục chu kỳ vận hành mới, dâng hiến cho đời nguồn vàng trắng quý giá, góp phần cho sự đổi đời của người trồng cao su.
Dưới tán rừng cao su, ông Y Zắk Ayun (xã Ea Kuêh, Cư M’gar) cần mẫn khai thác mủ. Lưỡi cạo nhỏ xíu lọt thỏm trong bàn tay chai sần lượn quanh thân cây thành một đường vòng chênh chếch, lóc sợi vỏ thanh mảnh, đều đặn vừa đủ để không chạm vào thịt cây. Từ đó, giọt nhựa trắng ứa ra, nặng dần, chảy trôi theo dòng xuống chén mủ cài phía dưới gốc, rồi dòng trắng mềm mại ấy được nâng niu chuyển lên xe chở về nhà máy chế biến... Ông bảo, ông cũng như những nông dân trồng cao su liên kết ở đây đều hiểu tầm quan trọng của công đoạn khai thác mủ nên luôn tuân thủ đúng theo quy trình kỹ thuật của công ty hướng dẫn. Tuy bận bịu, vất vả nhưng ai cũng vui vì biết rằng mình đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, cũng nhằm nâng cao thu nhập cho chính mình. Liên kết với Lâm trường Buôn Wing trồng cao su, ông và nhiều hộ đồng bào DTTS nhận được sự hỗ trợ tích cực của Lâm trường, từ cây giống, vật tư, phân bón đến kỹ thuật trồng, chăm sóc, khai thác mủ... trong suốt chu kỳ kiến thiết cơ bản. Sau gần 6 năm, vườn cây mới đưa vào kinh doanh, được DN bao tiêu sản phẩm, trừ dần vốn đầu tư ban đầu, sản lượng mủ còn lại được mua theo giá thị trường. Với 10 ha cao su liên kết, trừ chi phí, mỗi năm ông thu nhập từ 200 đến 300 triệu đồng. Cũng như ông Y Zắk, nhiều hộ đồng bào DTTS đã có nguồn thu nhập đáng kể khi thực hiện trồng cao su liên kết với DN: Hộ gia đình ông Y Hứ Niê (Krông Buk) liên kết với Nông trường Cư Bao trồng 89 ha cao su tiểu điền, toàn bộ diện tích này đã đưa vào khai thác, mỗi năm mang lại cho gia đình ông mức thu nhập 2-3 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho trên 40 lao động là người dân tộc thiểu số tại chỗ với mức thu nhập trên 4 triệu đồng/tháng. Hộ Ama Thêm (Cư M’gar) liên kết với Nông trường cao su Cư M’gar trồng 30 ha cao su, bước vào thời kỳ kinh doanh mỗi năm cho thu nhập hơn 50 triệu đồng/ha, giải quyết việc làm cho nhiều lao động trong buôn với mức thu nhập trên 2 triệu đồng/tháng...
Trong hoạch định chiến lược tạo vị thế cho cây cao su trên vùng đất Tây Nguyên, doanh nghiệp cao su đã đưa cây cao su phát triển theo mô hình liên kết, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và khai thác. Theo ông Nguyễn Văn Thành, Tổng giám đốc Công ty Cao su Krông Buk, việc chuyển giao kỹ thuật cho nông dân người dân tộc thiểu số làm cao su chính là điều kiện và cơ hội cho bà con, tạo nên một thế hệ công nhân mới là những người chủ thật sự để làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương mình. Không chỉ được hỗ trợ trong các khâu trồng trọt, chăm sóc, DN còn nhận bao tiêu sản phẩm mủ, nên nông dân có thể yên tâm tập trung sản xuất, không phải lo vấn đề tiêu thụ. Lợi ích từ việc trồng cao su liên kết được minh chứng rõ hơn khi số hộ nông dân tham gia cũng như diện tích cao su liên kết ngày càng tăng. Công ty Cao su Dak Lak có hơn 4000 ha cao su liên kết, trong đó 1.045 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ tham gia trồng với 2.450 ha, Công ty Cao su Ea H’leo có 408 hộ trồng với diện tích 1.028 ha... Năm nay, giá cao su xuất khẩu đạt mức cao kỷ lục, theo đó thu nhập của các hộ trồng cao su cũng tăng đáng kể, từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. Việc phát triển sản xuất cao su liên kết đã tạo việc làm cho hàng ngàn lao động, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm một tỷ lệ đáng kể, góp phần tạo bước phát triển vững chắc về mọi mặt đời sống trên địa bàn.
Tạo cơ hội cho sự phát triển
Song song với phát triển kinh tế, Nông trường cao su Cư Kpô (huyện Krông Buk) luôn linh hoạt và có những chính sách ưu đãi nhằm thu hút người lao động.
Công nhân Nông trường Cao su Cư Kpô đang thu hoạch mủ. (Ảnh: N.H) |
Nông trường cao su Cư Kpô quản lý khoảng 2.044 ha cao su kinh doanh, hằng năm bảo đảm việc làm thường xuyên cho 685 lao động, trong đó có đến 400 công nhân nữ. Từ những miền quê nghèo của mảnh đất miền trung cháy nắng, họ theo đoàn xe của nông trường từ hồi những năm 80 để vào Tây Nguyên lập nghiệp. Đó là cơ duyên và cũng là cơ hội để những công nhân gắn bó với nghề cạo mủ từ những ngày đầu nông trường thành lập. Để người lao động thực sự gắn bó với nông trường, Ban giám đốc cũng như tổ chức công đoàn luôn đưa ra chính sách hợp lý, kích thích quá trình lao động của công nhân. Ngoài thu nhập từ khoản lương chính thức, hàng tháng nông trường còn có chế độ khen thưởng đối với những công nhân có thành tích tốt trong quá trình lao động. Chỉ tính riêng năm 2010, nông trường đã chi trên 200 triệu đồng để khen thưởng và tổ chức các phong trào thi đua lao động sản xuất. Chị Tô Thị Cúc, Phó Giám đốc nông trường cho biết, phần thưởng có khi chỉ là những nhu yếu phẩm hàng ngày như đường, gạo, bột ngọt, sữa… nhưng đó là động lực thúc đẩy họ làm việc, thể hiện sự quan tâm của doanh nghiệp đối với người lao động.
Những công nhân làm việc tại đây còn được nông trường cho mượn 1 ha đất trồng cà phê, tăng thêm thu nhập cho gia đình. Chia sẻ với chúng tôi, anh Phạm Văn Hạnh, một trong những công nhân vào làm việc cho nông trường hơn 25 năm phấn khởi cho biết: từ miền đất Quảng Bình, anh vào đây chỉ với 2 bàn tay trắng. Khi được nhận vào làm tại nông trường, anh được cấp một miếng đất làm nhà ở và 1 ha đất trồng cà phê. Làm việc tại nông trường thu nhập khá ổn định, lương bình quân hằng tháng của anh khoảng 5 triệu đồng, cùng với nguồn thu từ 1 ha cà phê khoảng 60 đến 70 triệu đồng/năm, gia đình anh có điều kiện thuận lợi để nuôi con ăn học đến nơi đến chốn, xây dựng nhà cửa khang trang. Anh cảm thấy rất yên tâm và hài lòng khi được làm việc tại nông trường. Với chị Nguyễn Thị Hòa, người có thâm niên làm việc tại nông trường gần 20 năm thì xem nơi đây như ngôi nhà thứ 2 của mình. Chị tâm sự, nếu không có cơ may đến với nông trường thì mình sẽ rất khó tìm được công ăn việc làm ổn định. Phụ nữ làm cái nghề này cũng hơi vất vả, nhưng làm mãi cũng thành quen, ngày càng thành thạo hơn với việc chăm sóc và cạo mủ cao su, đồng lương lại ổn định nên mình rất phấn khởi.
“Tạo mọi cơ hội tốt nhất để người lao động yên tâm làm việc, cùng với đó các đoàn thể thường xuyên quan tâm, đi sâu đi sát tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của mỗi nhân công là mục đích, phương châm của nông trường”- ông Trần Quế Lâm - Giám đốc nông trường khẳng định. Chính sách giải quyết việc làm, đưa người nông dân từ tập quán nông nghiệp đi vào “tác phong công nghiệp” được thực thi từ khi các nông, lâm trường mở ra trên địa bàn Tây Nguyên, được cụ thể hóa ở Nông trường cao su Cư Kpô.
Thấp thoáng sau cánh rừng cao su bạt ngàn là những ngôi nhà khang trang, những con đường thẳng tắp đã được nhựa hóa ở khu dân cư công nhân nông trường. Tất cả những hình ảnh đó đều gợi lên một sức sống mới trong màu xanh của cây cối, sắc đỏ thắm của những mái ngói và một mùa xuân đầy hứa hẹn.
Tự tin vươn ra biển lớn
Với chất lượng ngày càng được cải thiện, sản phẩm cao su của doanh nghiệp Dak Lak đang vươn khắp 5 châu, góp phần khẳng định vị thế của ngành cao su Việt Nam trên thị trường thế giới.
Kiểm tra chất lượng mủ cao su ngay tại lô. (Ảnh: Hoàng Tuyết) |
Năm 2010, cả nước đã xuất khẩu hơn 700 nghìn tấn mủ cao su, tổng kim ngạch xuất khẩu hơn 2 tỷ USD, đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Sự tăng trưởng đó có đóng góp tích cực của các DN cao su trên địa bàn tỉnh. Với chất lượng ngày càng được cải thiện, sản phẩm cao su của doanh nghiệp (DN) Dak Lak đang từng bước chiếm lĩnh thị trường thế giới, trong đó có những thị trường khó tính, đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng khắt khe như Hoa Kỳ, EU ... Đi đầu trong hoạt động xuất khẩu là Công ty cao su Dak Lak (Dakruco), DN có diện tích cao su lớn nhất tỉnh. Theo Tổng Giám đốc Công ty Huỳnh Văn Khiết thì: khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới, DN xuất khẩu cao su nguyên liệu Việt Nam được thuận lợi hơn khi mức thuế nhập khẩu vào các nước giảm, nhưng cũng gặp nhiều khó khăn thách thức khi yêu cầu về chất lượng nghiêm ngặt hơn và phải phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, trong đó có những tiêu chuẩn về môi trường còn khá mới mẻ với nhiều DN. Điều đó buộc DN phải xây dựng và áp dụng một quy trình tiên tiến, hiện đại từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ nhằm nâng cao sức cạnh tranh. Các công việc tưởng chừng rất đơn giản như làm cỏ, bón phân, phun thuốc, cạo và thu gom mủ...đều được tuân theo những yêu cầu nghiêm ngặt về kỹ thuật, môi trường. Có thể nói, cuộc cạnh tranh bắt đầu từ những giọt mồ hôi người thợ giữa rừng cây mênh mông ngút ngàn, từ yêu cầu khắt khe của việc vận hành một nhà máy chế biến đạt tiêu chuẩn quốc tế công suất trên 15.000 tấn mủ cốm/năm, dây chuyền chế biến mủ Latex công suất 5.000 tấn/năm…đến sự năng động, sáng tạo trong áp dụng thành tựu khoa học, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, mở rộng thị trường của DN. Sản phẩm Daruco đã tăng từ 5 lên 15 loại, trong đó sản phẩm mũi nhọn là SVR 3L, SVR 20, Latex HA, LA đang được khách hàng lựa chọn nhiều và đánh giá cao. Những bánh mủ cốm màu vàng chanh mịn màng bay đi khắp thị trường thế giới, trong đó nhiều thị trường có yêu cầu cao về tiêu chuẩn chất lượng như Châu Âu, Nhật Bản, Hoa Kỳ...đã mang về nguồn ngoại tệ mạnh đáng kể cho DN. Năm 2009 trong điều kiện khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, xuất khẩu của Công ty vẫn đạt 26 triệu USD. Riêng 6 tháng đầu năm 2010 đã đạt 20 triệu USD. Năm 2010 cũng là năm thứ ba liên tục DN được Bộ Công thương trao Giải thưởng “DN xuất khẩu uy tín”.
Các DN cao su trên địa bàn như Công ty Cao su Krông Buk, Công ty Cao su Ea H’leo cũng đang áp dụng nhiều giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Sản phẩm xuất xưởng của các công ty luôn vượt chỉ tiêu kế hoạch hàng năm của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam giao và được đánh giá là một trong những nhóm sản phẩm đạt chất lượng tốt ở khu vực Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung. Vừa qua, Công ty Cao su Krông Buk đã khánh thành và đưa vào hoạt động nhà máy chế biến mủ công nghệ hiện đại có công suất 6.000 tấn/năm, tăng gấp đôi so với nhà máy cũ. Ngoài chế biến mủ của công ty, nhà máy còn tổ chức hệ thống thu mua mủ cao su tiểu điền trong khu vực nhằm tận dụng tối đa công suất, đồng thời phát huy hiệu quả gắn sản xuất với chế biến, tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm. Sản phẩm xuất khẩu chất lượng cao không chỉ mang lại cho DN nguồn ngoại tệ mạnh mà còn góp phần nâng cao vị thế DN cũng như ngành cao su Việt Nam.
Ý kiến bạn đọc