Multimedia Đọc Báo in

Chương trình cải tạo đàn bò theo hướng bò lai ở Krông Bông: Nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân

10:08, 29/03/2011

Với những cách thức hỗ trợ để cải tạo đàn bò từ tầm vóc, trọng lượng đến chất lượng giống, Trạm Khuyến nông huyện Krông Bông đã và đang giúp cho nông dân có thu nhập khá hơn trong chăn nuôi bò…

Là một huyện có điều kiện tự nhiên rất thích hợp cho việc chăn nuôi đại gia súc, trong đó có đàn bò, thế nhưng, thời gian qua, nông dân huyện Krông Bông vẫn chăn nuôi theo hướng tự phát, bò chưa được chọn lựa giống kỹ nên năng suất, chất lượng chưa đồng đều. Chính vì vậy, để giúp người nông dân đạt được hiệu quả kinh tế cao trong chăn nuôi, từ đầu năm 2010, Trạm Khuyến nông (TKN) huyện Krông Bông đã triển khai Chương trình cải tạo đàn bò theo hướng bò lai zêbu. Chương trình này không chỉ giúp cải thiện tầm vóc đàn bò, tránh xảy ra tình trạng bò đồng huyết dẫn đến chậm phát triển, còi cọc, quái thai; chuyển giao tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi bò, chế biến thức ăn cho bò đến hộ chăn nuôi mà còn giúp người chăn nuôi chuyển dần tập quán nuôi bò truyền thống sang nuôi bò quy mô vừa và lớn mang tính sản xuất hàng hóa đem lại hiệu quả cao. Nói về ưu điểm của chương trình này, ông Bùi Chí Vinh, Phó Trạm trưởng TKN Krông Bông cho biết: “Tinh bò đực thuộc giống bò zêbu (Ấn Độ) có thể hình đẹp, tầm vóc lớn và có giá trị kinh tế cao, song nếu nuôi giống bò nguyên chủng sẽ không hợp với thổ nhưỡng, điều kiện tự nhiên của địa phương nên khó có thể phát triển được. Trong khi đó, giống bò địa phương có tầm vóc thấp nhỏ, năng suất không cao, nhưng lại có ưu điểm là sức sống mạnh, ít bệnh tật, phù hợp điều kiện tự nhiên và thích hợp với mọi điều kiện chăn nuôi. Do đó,  việc lai giống giữa tinh bò đực zêbu với bò cái địa phương sẽ cho ra dòng bê con hội đủ những ưu điểm của cha mẹ, nhất là phù hợp với điều kiện chăn nuôi và đem lại giá trị kinh tế cao…”.

Những con bê lai từ Chương trình cải tạo đàn bò của gia đình anh Nguyễn Văn Phước (thôn 1, xã Hòa Sơn)
Những con bê lai từ Chương trình cải tạo đàn bò của gia đình anh Nguyễn Văn Phước (thôn 1, xã Hòa Sơn)
Để khuyến khích người chăn nuôi tham gia Chương trình, TKN huyện đã phối hợp với chính quyền cơ sở tổ chức các lớp tập huấn triển khai chương trình đến tận hộ chăn nuôi bò và cho bà con đi tham quan mô hình thực tiễn để tận mắt thấy được hiệu quả chương trình đem lại. Bên cạnh đó, Trạm còn hỗ trợ trực tiếp cho người chăn nuôi tham gia chương trình, cụ thể: mỗi con bò thụ tinh nhân tạo, người chăn nuôi sẽ được hỗ trợ tiền công phối giống (100.000 đồng/con) và khi bò mang thai, tiếp tục được hỗ trợ thức ăn bổ sung, thuốc bổ, thuốc phòng trị nội ngoại sinh trùng trị giá khoảng 100.000 đồng/con. Ngoài ra, hàng quý, Trạm còn phối hợp với chính quyền địa phương, các kỹ thuật viên phối giống và cộng tác viên khuyến nông tại cơ sở tiến hành lập danh sách các hộ tham gia phối giống bò đậu thai để kiểm tra và hướng dẫn bà con thực hành theo đúng quy tắc thụ thai và chăm sóc bò mẹ trong quá trình mang thai; đồng thời, tổ chức các cuộc họp để nhận xét, đánh giá các trường hợp phối giống không bảo đảm tỷ lệ theo quy định nhằm chấn chỉnh kịp thời những sai sót. Nhờ vậy, nhận thức của người chăn nuôi được nâng lên và tiếp cận được với khoa học - kỹ thuật trong công tác phối giống nhân tạo, chế biến thức ăn, vệ sinh phòng bệnh cho đàn bò… Từ đó, số hộ đăng ký tham gia Chương trình ngày một tăng lên. Theo kế hoạch, trong 3 năm (2010 - 2012), Chương trình sẽ phối giống và cho ra đời khoảng 1.000 con bê lai. Trong năm đầu tiên, Chương trình đã thụ tinh cho 240 con bò cái trên địa bàn các xã Hòa Sơn, Hòa Lễ và thị trấn Krông Kma. Đến thời điểm này, đã có 70 con bê lai ra đời và hầu hết những con bê lai đều thể hiện rõ ưu thế: ngoại hình đẹp (có u, có yếm và có dậu), tầm vóc cao và khỏe mạnh. Đặc biệt, so với bê cỏ, bê lai có giá trị kinh tế cao hơn nhiều. Chia sẻ về hiệu quả của bê lai, anh Lê Văn Nhép (thôn 6, xã Hòa Sơn) bộc bạch: “Lúc mới tham gia Chương trình này, tôi không nghĩ nó sẽ đem lại hiệu quả cao, nhưng sau 2 lần phối giống bò, gia đình tôi thực sự bất ngờ về tính hiệu quả Chương trình đưa đến cho người chăn nuôi. Cả hai con bê lai ra đời đều rất đẹp, tầm vóc, trọng lượng và giá thành hơn hẳn bê cỏ, trong khi đó, bò mẹ vẫn phát triển bình thường. Trước đây, trung bình mỗi con bê cỏ chỉ bán được từ 3-4 triệu đồng, còn hiện tại, mỗi con bê lai đang được thương lái trả với giá 7 triệu đồng. Vì bê lai có giá trị kinh tế cao nên 90% hộ chăn nuôi bò ở thôn đều tham gia chương trình để cải thiện thu nhập. Cứ đà này, việc xóa đói giảm nghèo ở thôn tôi sẽ được thực hiện một cách bền vững…”

Được biết, trong 2 năm 2011 - 2012, Chương trình sẽ tiếp tục thực hiện phối giống cho hơn 700 con bò tại nhiều xã trên địa bàn huyện, vừa để mở rộng địa bàn vừa tạo cơ hội cho nhiều hộ chăn nuôi khác được thụ hưởng sự hỗ trợ của Chương trình. Có thể khẳng định, lợi ích kinh tế từ việc cải tạo đàn bò theo hướng bò lai đã được thể hiện rất rõ. Chương trình này đã và đang giúp cho người nông dân tiếp cận được những cái mới, cái hay trong chăn nuôi và đặc biệt giúp họ có thu nhập khá hơn, từ đó đẩy kinh tế hộ ngày một phát triển đi lên.

 

Kim Oanh

 


Ý kiến bạn đọc