Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư Kuin: Người dân xã Ea Ning lao đao vì tiêu chết hàng loạt

09:29, 21/03/2011

Hơn 6 tháng nay, nhiều hộ trồng tiêu tại xã Ea Ning, huyện Cư Kuin lao đao trước tình trạng hàng trăm trụ tiêu gần đến kỳ thu hoạch bỗng dưng chết hàng loạt.

Anh Võ Mạnh Hà, thôn 11 cho biết, từ khoảng tháng 10-2010 đến nay, tiêu của nhiều hộ trong thôn đã rũ lá và chết hàng loạt, bà con ra sức cứu chữa bằng nhiều phương pháp kể cả phun thuốc diệt nấm nhưng vẫn không có kết quả. Gia đình anh Hà có 3 sào đất trồng 450 gốc tiêu từ năm 2000, mỗi năm thu được hơn 600 kg tiêu khô, lãi trên dưới 50 triệu đồng. Vừa qua, hơn 300 gốc tiêu trong vườn đang thời kỳ trái non bỗng chết đồng loạt, đến nay đang tiếp tục lan ra những cây khác, khiến gia đình anh không khỏi hoang mang. Chưa hết, một số hộ khác trong thôn như gia đình anh Hoàng Đức Du, chị Hoàng Kim Hoa, anh Võ Văn Ninh cũng có khoảng 600 trụ tiêu bị chết. Ở các thôn khác trên địa bàn, tình trạng tiêu chết cũng xảy ra rải rác nhiều nơi, nhiều trụ tiêu đã bắt đầu vàng ố, rụng trụi lá.

Tiêu chết hàng loạt khiến người dân xã Ea Ning, huyện Cư Kuin không khỏi lao đao.
Tiêu chết hàng loạt khiến người dân xã Ea Ning, huyện Cư Kuin không khỏi lao đao.
Chị Lê Thị Hồng, thôn 5 than thở, gia đình chị trồng 7 sào tiêu đang cho thu hoạch tốt, nhưng vài tháng trở lại đây, có khoảng 3- 7 trụ trong vườn có biểu hiện vàng lá, rụng cành, chị đã mua thuốc khử nấm về diệt nhưng xem ra vẫn không mấy khả quan, đành phải tiêu hủy những trụ bị bệnh này để tránh lây lan sang những cây khác. Người dân nơi đây cho hay, biểu hiện của bệnh lạ làm dây tiêu bị héo, lá chuyển vàng, rụng ào ạt chỉ còn lại cành trơ trụi, khoảng 10 ngày sau thì cây chết. Quan sát cây bệnh nhổ lên cho thấy toàn bộ rễ bị thối đen, nhất là phần cổ rễ, thân sát mặt đất bị thối rã, vỏ bong ra, có mùi hôi. Khi xuất hiện bệnh sẽ làm chết hàng loạt nọc tiêu do đó việc phòng trị rất khó khăn, tốn kém và ít mang lại hiệu quả, bởi khi triệu chứng đã biểu hiện ra bên ngoài cũng có nghĩa là bộ rễ tiêu đã bị nấm tấn công từ 1-2 tháng trước.

Ông Nguyễn Xuân Trường, Chủ tịch hội nông dân xã Ea H’Ninh cho biết, khi tiêu phát bệnh, đã có một số cơ quan chức năng của huyện về lấy mẫu xét nghiệm và kết luận, tiêu chết là do bệnh Thủy nấm (Phytophthora) gây ra. Nguyên nhân là bà con trồng tiêu ở những nơi có độ ẩm trong đất cao (thủy nấm lúc đầu ở trên lá, khi tưới hay có mưa sẽ đi theo dòng nước xuống gốc để phá bộ rễ của cây), hơn nữa, trong quá trình cải tạo đất không được bà còn xử lý kỹ càng. Hiện, địa phương cũng đã hướng dẫn người dân trước mắt cứ theo phương pháp phòng và chữa bệnh truyền thống, như phun thuốc, rắc vôi bột xuống gốc để tránh lây lan sang những cây khác.

 

Lê Thành

 


Ý kiến bạn đọc