Multimedia Đọc Báo in

Khuyến nông Dak Lak: Cầu nối giữa nông dân với tiến bộ khoa học kỹ thuật

10:40, 30/03/2011

Năm 2010, Nông nghiệp Dak Lak thắng lớn với thành tựu nổi bật là đạt chỉ tiêu 1 triệu tấn lương thực. Đó là sự nỗ lực rất lớn của cả ngành nông nghiệp, trong đó có sự góp sức không nhỏ của các hoạt động khuyến nông trong việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật đến với người nông dân.

Say sưa với đống tài liệu về quy trình làm phân bón vi sinh, anh Lê Phước Lan, cán bộ khuyến nông huyện Cư M’gar cho biết, anh đang chuẩn bị bài để hướng dẫn nông dân làm phân bón vi sinh. Bây giờ không như trước kia nữa, các lớp tập huấn kỹ thuật luôn được xây dựng theo nhu cầu của bà con nông dân, và phần lớn diễn ra tại thực địa (vườn cây, ruộng lúa, điểm chăn nuôi…) phù hợp với nội dung học. Ở đó, nông dân được tham gia tích cực vào việc dạy và học, cũng như trao đổi kinh nghiệm, thảo luận chuyên sâu về đề tài mà bà con quan tâm nên rất dễ tiếp thu và nhớ lâu. Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Dần (thôn 3, xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar) cho hay, nhờ tham gia các lớp tập huấn khuyến nông mà anh đã nắm vững kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi, từ đó có cách nghĩ, cách làm hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Vừa rồi được cán bộ khuyến nông hướng dẫn cách làm phân bón vi sinh, anh cùng bà con trong thôn đã làm thử và đạt hiệu quả rất tốt, nhờ vậy đã giảm được chi phí đầu tư sản xuất thông qua việc tận dụng các phế phẩm nông nghiệp để làm phân bón.

Nông dân huyện Cư M'gar đang được cán bộ khuyến nông hướng dẫn cách làm phân bón vi sinh.
Nông dân huyện Cư M'gar đang được cán bộ khuyến nông hướng dẫn cách làm phân bón vi sinh.
Có thể thấy, hoạt động khuyến nông những năm qua đã có nhiều thay đổi về nội dung lẫn hình thức, đáp ứng được nhu cầu thiết thực của bà con nông dân về ứng dụng khoa học kỹ thuật trong quá trình sản xuất. Một trong những hoạt động nổi bật là các hội thảo, tham quan mô hình được tổ chức thường xuyên và được coi là hình thức quảng bá những kết quả trình diễn mô hình, qua đó phổ biến tiến bộ kỹ thuật đến nông dân. Không những vậy, công tác thử nghiệm các tiến bộ kỹ thuật trước khi khuyến cáo, chuyển giao cho bà con nông dân luôn được Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện nghiêm túc. Từ yêu cầu thực tiễn sản xuất, Trung tâm đã chủ động xây dựng kế hoạch và phối hợp với các viện, đơn vị sản xuất giống, phân bón… triển khai các thử nghiệm tiến bộ kỹ thuật mới về chế phẩm sinh học, giống thủy sản, giống bò. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để đưa nhanh các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, kịp thời đáp ứng những đòi hỏi từ thực tiễn sản xuất của địa phương. Bên cạnh đó, năm 2010, Trung tâm cũng đã triển khai xây dựng được 13 chương trình khuyến nông với 46 điểm trình diễn, trong đó có 41 điểm triển khai tại vùng khó khăn. Đặc biệt, các mô hình trình diễn triển khai diện rộng đã đạt hiệu quả cao về kinh tế và xã hội, như các mô hình về lúa lai đã đóng góp lớn trong chuyển dịch cơ cấu sản xuất giống nông nghiệp của tỉnh.

Ngoài các hoạt động trên, khuyến nông Dak Lak còn trực tiếp tham gia các dự án có vốn nước ngoài như: Phát triển sản xuất ca cao bền vững tại các nông hộ, cải tạo đàn bò bằng thụ tinh nhân tạo, hỗ trợ phát triển đồng cỏ chăn nuôi bò…, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, xóa đói giảm nghèo… Trong đó, phải kể đến Dự án Phát triển sản xuất ca cao bền vững tại các nông hộ, trong năm qua đã xây dựng thêm được 20 câu lạc bộ (CLB) nông dân trồng ca cao tại 2 huyện Ea H’leo và Lak với 834 hộ nông dân tham gia, đưa tổng số CLB từ khi triển khai dự án đến nay lên 81 đơn vị với 2.803 hộ nông dân tham gia. Theo đó, các hộ nghèo trong dự án được tiếp cận với giống cây trồng mới cùng với quy trình kỹ thuật chăm sóc vườn cây, đã giúp họ cải tạo vườn tạp hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, nhờ vậy, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo. Hay như Dự án cải tạo đàn bò bằng thụ tinh nhân tạo, đã duy trì hoạt động của mạng lưới dẫn tinh viên gồm 50 người ở 12 huyện, thành phố với số lượng bò được phối là 2.522 con, số bê đẻ ra là 2.012 con, góp phần phát triển chăn nuôi bò theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng đàn bò của địa phương và đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Những kết quả của hoạt động khuyến nông trên địa bàn tỉnh trong năm qua đã một lần nữa khẳng định vai trò đồng hành, sát cánh cùng bà con nông dân, đi đầu ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới và tổ chức sản xuất tốt để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp; thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển nông nghiệp tỉnh theo hướng tập trung, hiệu quả va bền vững; từng bước đưa công nghệ cao, cơ giới hóa vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hội nhập với thị trường trong nước và thế giới.

 

Thuận Nguyễn

 


Ý kiến bạn đọc