Nghĩ về cơ hội nâng cao chuỗi giá trị của cà phê Dak Lak
Kim ngạch xuất khẩu của cà phê Dak Lak mang lại khoảng 60-62 triệu USD mỗi năm. Con số này có tăng lên và bền vững được hay không trong thời gian tới? Câu trả lời sẽ là có, nếu như chuỗi giá trị của ngành hàng này được mọi người quan tâm hơn; theo đó việc phân chia lợi ích cũng được tính toán một cách hợp lý hơn…
Sự liên kết lỏng lẻo...
Nhiều người cho rằng, so với các ngành hàng có tiềm năng và thế mạnh khác như mía đường, lúa gạo, cao su… thì ngành cà phê Việt Nam nói chung và Dak Lak nói riêng đang tồn tại những dấu hiệu bất ổn từ khâu tổ chức sản xuất, tiêu thụ… cho đến phát triển thị trường, khiến chất lượng, năng lực cạnh tranh cũng như việc nâng cao giá trị kinh tế của ngành hàng này luôn bấp bênh, không bền vững. Ông Nguyễn Văn Sinh - Phó giám đốc Sở NN-PTNT Dak Lak chỉ ra: trước hết là không xây dựng được vùng nguyên liệu, nên doanh nghiệp (DN) không gắn kết với người nông dân. Hiện tại ở địa bàn Dak Lak còn quá ít DN xây dựng được cho mình vùng nguyên liệu ổn định, có chất lượng để chủ động trong hoạt động kinh doanh, xuất khẩu cà phê. Theo ông Sinh, mới chỉ có Công ty TNHH Một thành viên Cà phê Thắng Lợi làm được điều này. Và mới đây, nhờ nguồn tài chính từ Ngân hàng Thế giới (WB) hỗ trợ thông qua Dự án cạnh tranh nông nghiệp, Dak Lak mới có thêm Công ty cà phê 2-9 và Công ty Dak Man triển khai mô hình liên kết trồng cà phê với một vài địa phương ở Buôn Ma Thuột từ hơn một năm qua. Còn lại gần 40 DN chuyên kinh doanh, chế biến cà phê đứng chân trên “thủ phủ” này đều bỏ trống vùng nguyên liệu - một yếu tố được coi là “sống còn” của bất cứ ngành hàng nào.
Nói thêm về vấn đề trên, ông Nguyễn Xuân Thái - Tổng giám đốc Công ty Cà phê Thắng Lợi đánh giá: do không có vùng nguyên liệu, nên các DN, đặc biệt là các nhà xuất khẩu không kiểm soát hết hàng hóa của mình, cụ thể ít nhất là về mặt chất lượng, kế hoạch sản xuất và kinh doanh của từng đơn vị. Từ yếu tố thiếu bền vững đầu tiên này mới nảy sinh vấn đề tranh mua, tranh bán khi mùa vụ cà phê đến; rồi đến lúc xuất khẩu ra thị trường thế giới bị đối tác thải loại do không bảo đảm tiêu chí, yêu cầu đặt ra. Những “rủi ro” đó không những gây thiệt hại cho DN, mà còn là nguyên nhân ban đầu khiến chuỗi giá trị kinh tế của ngành hàng cà phê giảm sút, không phát huy được trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay. Ông Thái nhấn mạnh: rõ ràng không xây dựng, tổ chức được vùng nguyên liệu và không có sự gắn kết giữa “hai nhà”: nông dân – doanh nghiệp, thì mục tiêu nâng cao chất lượng và sự bền vững cho cà phê Dak Lak khó lòng thực hiện được. Bởi nói cho cùng, chất lượng và sự bền vững cho bất kỳ ngành sản xuất nông nghiệp nào cũng được quyết định từ kinh nghiệm: “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” của ông cha ta từ bao đời nay - ông Thái lưu ý. Thực tế sản xuất của người trồng cà phê hiện nay vẫn đang tồn tại phổ biến tình trạng canh tác manh mún, nhỏ lẻ, không tập trung nên khó áp dụng “bộ tiêu chuẩn” mà ông Thái đưa ra. Nhiều người thừa nhận rằng, các nông hộ làm cà phê trên địa bàn Dak Lak áp dụng khoa học, kỹ thuật vào các khâu chăm sóc, thu hái cà phê không theo một qui trình nào cả, khiến năng suất, sản lượng, và cuối cùng là chất lượng sản phẩm không đồng đều. Hạn chế này, theo Sở NN-PTNT đánh giá là do sự thiếu liên kết giữa “4 nhà”, trong đó nông dân và DN chưa tạo dựng đựợc “gạch nối” cần thiết, hay nói đúng hơn là chưa cùng nhau chia sẻ, xây dựng vùng nguyên liệu hàng hóa đúng nghĩa. Từ đó dẫn đến khó khăn trong việc hướng dẫn, chuyển giao khoa học-công nghệ tiến tiến cho lọai cây trồng chiến lược này trên địa bàn Dak Lak.
![]() |
Mùa thu hoạch cà phê ở Công ty TNHH Một thành viên Cà phê Việt Đức (Tổng Công ty Cà phê Việt Nam). Ảnh: Nam Sơn |
...Và “Sứ mệnh” của doanh nghiệp
Vậy, vấn đề đặt ra hiện nay là cần phải quy họach, tổ chức lại sản xuất cho ngành cà phê. Theo đó, nói như nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNN, Lê Huy Ngọ khi bàn đến Quyết định 80 của Thủ tướng Chính phủ về mối liên kết “4 nhà” (nhà nông - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học - nhà quản lý) thì nên lấy nông dân làm trung tâm, DN thúc đẩy các nhà khoa học hướng dẫn và chính quyền quản lý. Thực hiện tốt quy trình ấy với quyết tâm chính trị cao thì mới nói đến chuyện nâng cao chất lượng, phát triển bền vững cho cà phê Dak Lak nói riêng và cả nước nói chung.
Với DN, từ chỗ giúp đỡ, hỗ trợ người nông dân tích lũy đất đai, mở rộng diện tích và tăng quy mô sản xuất để có sản lượng cao… “sứ mệnh”của họ là phải thật sự “vào cuộc” trên các bình diện kích cầu thương mại, dịch vụ và chia sẻ với người sản xuất nhằm tạo ra chuỗi giá trị kinh tế vượt trội cho mặt hàng cà phê. Chuỗi tạo sinh giá trị ấy, theo TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương trao đổi, tham luận tại Hội thảo phát triển cà phê bền vững cách đây ba năm (tháng 11-2008) thì dựa trên ba tác nhân cơ bản (người trồng cà phê, người tiêu thụ và DN), trong đó DN đóng vai trò hướng dẫn mô hình, năng lực sản xuất cho người nông dân là điều quan trọng. Vì thiếu đi vai trò ấy, chuỗi tạo sinh giá trị sẽ đứt gãy, không thành. Ông Nguyễn Văn Sinh - Phó giám đốc Sở NN-PTNT cũng rất đồng tình với ý kiến này và cho rằng, đầu tư nguồn lực giúp người trực tiếp làm cà phê xây dựng cơ sở hạ tầng (thủy lợi, sân bãi, nhà kho, máy móc nông cụ, kỹ thuật và công nghệ…) dưới hình thức “đồng chủ thể” với DN để làm mới giá trị cà phê là vấn đề cấp bách. Cấp bách bởi vì: một khi xác định “cà phê và sản phẩm cà phê là trung tâm” – trong khi các DN hiện nay chỉ lo xây dựng thương hiệu, quảng bá hình ảnh, lên sàn giao dịch, phát triển tụ điểm thưởng thức cà phê v.v… thậm chí chỉ chú ý đến việc đi tìm và khai thác các giá trị cùng hệ (như du lịch, văn hóa) mà quên đi, hay nói chính xác là thờ ơ với chủ thể của “trung tâm” ấy, thì khó lòng đạt được mục tiêu mà ngành cà phê đang hướng đến.
Đình Đối - Việt Cường
Ý kiến bạn đọc