Multimedia Đọc Báo in

Nguồn vốn 120: Tiếp sức cho phụ nữ nghèo

08:48, 23/03/2011

Ngoài các nguồn vốn vay ủy thác của Ngân hàng Chính sách – Xã hội, trong những năm qua, Hội LHPN tỉnh còn được giải ngân 1,1 tỷ đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm (vốn 120) của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Nguồn vốn 120 đã tạo động lực, tiếp thêm sức cho hội viên phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, vươn lên ổn định cuộc sống.

Bây giờ đã thành chủ của trang trại chăn nuôi heo, gần 2 ha cà phê, 3 sào lúa và 2 ha cao su (trồng năm thứ 4), mỗi năm cho thu nhập hơn 100 triệu đồng, nhưng chị Nguyễn Thị Định, dân tộc Tày (ở thôn Xuân Lạng 2, xã Ea Dah, huyện Krông Năng) vẫn nhớ như in những ngày còn nghèo khó, lận đận. Dẫn chúng tôi đi tham quan cơ ngơi của gia đình, chị Định nói: “Căn nhà xây đang ở, vật dụng sản xuất, sinh hoạt, vườn, rẫy… của gia đình hôm nay một phần cũng nhờ vào 17 triệu đồng do Hội Phụ nữ xã đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách - Xã hội và vốn 120 của Trung ương Hội. Không có sự “tiếp sức” ấy thì chắc vợ chồng tôi phải mất thêm vài năm nữa mới ổn định được cuộc sống”. Năm 1990 gia đình chị Định chuyển từ Lạng Sơn vào Dak Lak sinh sống. Không có vốn liếng, hai vợ chồng tự khai phá đất hoang trồng hoa màu để lấy cái ăn qua ngày. Bên cạnh đó, anh chị còn tích cực làm thuê, dành dụm để  đầu tư chăn nuôi heo, trồng dần cà phê. Do không có vốn nên việc chăn nuôi, trồng trọt cũng chẳng thu được là bao. Đang loay hoay tìm vốn đầu tư, năm 2007, gia đình chị được chi Hội Phụ nữ thôn bình chọn vào danh sách vay vốn phát triển kinh tế. Việc đầu tiên chị Định làm là mở rộng quy mô chăn nuôi, đầu tư trồng lúa để “lấy ngắn nuôi dài”. Tiền thu được từ hai nguồn trên, anh chị dồn vào chăm sóc cà phê, sau đó lấy nguồn thu của cà phê  đầu tư trồng cao su. Chăm chỉ, chịu khó lại biết tính toán hợp lý nên sau 4 năm, kinh tế gia đình đã dần ổn định, thoát khỏi danh sách hộ nghèo của thôn. Theo tính toán chỉ vài năm nữa khi cây cao su cho thu hoạch, với giá cả ổn định như hiện nay, mỗi năm anh chị sẽ thu về vài trăm triệu đồng.

Chị Hà Thị Lý (thôn Xuân Thái, xã Ea Dah, huyện Krông Năng) giới thiệu mô hình trồng chanh dây.
Chị Hà Thị Lý (thôn Xuân Thái, xã Ea Dah, huyện Krông Năng) giới thiệu mô hình trồng chanh dây.


Khi mới lập gia đình, điều kiện kinh tế của vợ chồng chị Hà Thị Lý, dân tộc Thái (thôn Xuân Thái, xã Ea Dah, huyện Krông Năng) cũng rất khó khăn. Được người quen bán rẻ cho 2 ha cà phê nhưng ở chỗ đất xấu, lại không có tiền đầu tư chăm sóc nên năng suất thấp. Sau gần chục năm làm cà phê, gia đình chị vẫn không dư giả gì, chi phí sinh hoạt và nuôi con ăn học chủ yếu dựa vào việc làm thuê của hai vợ chồng. Qua các buổi sinh hoạt hội, nghe phổ biến mô hình trồng chanh dây cho hiệu quả kinh tế cao, đầu năm 2010, anh Nguyễn Đức Trường (chồng chị) đã quyết định đến xã Ea Tân (huyện Krông Năng) học hỏi cách làm. Loại cây trồng mới này đã thực sự thuyết phục vợ chồng anh, nhưng khó khăn lớn nhất vẫn là vốn. Nghe chị Lý trình bày về ý tưởng của việc xây dựng mô hình mới, hội viên chi hội Phụ nữ thôn Xuân Thái đã đồng tình bình chọn cho chị được vay 13 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách - Xã hội và vốn giải quyết việc làm của Trung ương Hội. Nhờ vậy, anh chị đã mạnh dạn chặt bỏ 1 sào cà phê già cỗi, năng suất thấp chuyển sang trồng thử nghiệm cây chanh dây. Sau 3 tháng, nhận thấy cây chanh dây thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu nơi dây, lại dễ trồng, chăm sóc, nên anh chị đã vay mượn thêm đầu tư trồng tiếp 5 sào nữa. Chị Lý hồ hởi cho biết: “Đến cuối tháng 3-2011 này, 6 sào chanh dây của gia đình sẽ cho thu hoạch. Ước tính mỗi sào được khoảng 3 tấn, toàn bộ sản phẩm lại được Công ty Hà An ký hợp đồng thu mua với giá khoảng 7.000 đồng/kg thì gia đình tôi sẽ có đủ tiền trả nợ. Nếu tiếp tục đầu tư chăm sóc tốt, những vụ sau chắc chắn sẽ có lãi. Mô hình này hiện đang được nhiều hội viên trong xã tham quan học tập để nhân rộng”.

Qua tìm hiểu được biết, năm 2007, Hội LHPN tỉnh được Trung ương Hội LHPN Việt Nam phân bổ 1,1 tỷ đồng vốn 120. Từ nguồn vốn này, Hội LHPN tỉnh đã phân bổ cho Hội LHPN mỗi huyện, thị xã, thành phố 50 triệu đồng để giúp các đối tượng hội viên phụ nữ nghèo vay phát triển kinh tế. Riêng các huyện có nhiều hội viên khó khăn hơn sẽ được giải ngân 100 triệu đồng. Sau thời hạn 24 tháng, những hội viên đã được vay sẽ hoàn trả vốn để luân chuyển cho các xã khác trong huyện. Nhờ cách làm đó, từ năm 2007 đến nay, đã có hàng trăm lượt hội viên nghèo được vay vốn đầu tư sản xuất, chăn nuôi, buôn bán nhỏ… Bà Mai Hoan Niê Kđăm, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh đánh giá: “Có thể nói, tuy nguồn vốn được vay không nhiều (mỗi hội viên 5 triệu đồng) nhưng đã góp phần tạo động lực cho chị em vươn lên. Qua đó cũng giúp hội viên phụ nữ nhận thấy sự quan tâm của tổ chức hội đối với chính gia đình mình nên càng tích cực phát triển kinh tế và động viên nhiều chị em khác tham gia sinh hoạt, xây dựng hội vững mạnh”.

Nguyễn Xuân

 


Ý kiến bạn đọc