Multimedia Đọc Báo in

Cùng trợ lực giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp tục khẳng định vị thế

21:47, 16/04/2011

Song hành phát triển với các loại hình doanh nghiệp khác, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đã và đang khẳng định vị thế của mình trong bức tranh kinh tế - xã hội. Không chỉ là chuyện đóng góp về ngân sách mà DNNVV còn là lực lượng quan trọng góp phần bảo đảm an sinh xã hội… Đó cũng chính là cơ sở để Đảng, Nhà nước xây dựng nhiều chính sách ưu đãi, tiếp tục trợ lực cho DNNVV phát triển.

Đạt đỉnh về tốc độ phát triển
Với tổng số doanh nghiệp đăng ký trên địa bàn toàn tỉnh tính đến hết năm 2010 là 5.470 doanh nghiệp, tăng 3.369 doanh nghiệp so với năm 2005 (tốc độ tăng bình quân đạt 23,38%/năm), giai đoạn 2006-2010 được đánh giá là giai đoạn có tốc độ phát triển DNNVV cao nhất từ trước đến nay. Trong đó đứng vị trí đầu bảng là loại hình doanh nghiệp dân doanh với 5.056 doanh nghiệp, tăng 3.294 doanh nghiệp. Sự phát triển mạnh mẽ của số doanh nghiệp dân doanh là phù hợp với yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế tư nhân theo chính sách khuyến khích của Nhà nước. Hầu hết các doanh nghiệp đăng ký hoạt động đa ngành nghề, tập trung vào một số lĩnh vực: thương mại dịch vụ chiếm 55%; công nghiệp xây dựng 25%; nông lâm nghiệp thủy sản 15%; giáo dục đào tạo chiếm 2% và các hoạt động khác chiếm 18%. Trong tổng số vốn của các doanh nghiệp đã đăng ký là 20.331 tỷ đồng, riêng số vốn DNNVV chiếm 99% với 19.567 tỷ đồng.

Khẳng định vị thế
Chủ động phát huy lợi thế và tìm kiếm mở rộng thị trường cũng như ứng dụng khoa học công nghệ, đa dạng hóa ngành nghề, linh hoạt điều chỉnh phương án đầu tư sản xuất kinh doanh, các DNNVV đã huy động được đáng kể nguồn vốn đầu tư, tạo ra nhiều sản phẩm cho xã hội, tạo thêm nhiều việc làm mới cho người lao động, đóng góp đáng kể cho ngân sách Nhà nước. Các doanh nghiệp cũng đã tham gia tích cực vào công tác xuất khẩu hàng hóa ra thị trường các nước trên thế giới. Các mặt hàng chủ yếu được xuất khẩu là cà phê, cao su, hạt điều, hạt tiêu, mật ong, gỗ tinh chế, trị giá xuất khẩu qua các năm tăng nhanh từ 300 triệu USD năm 2005 lên 620 triệu USD năm 2010.

Doanh nghiệp góp phần bảo đảm an sinh xã hội với lực lượng lao động thu hút vào làm việc trong các doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp dân doanh ngày càng tăng, tay nghề từng bước được nâng cao. So với năm 2005, năm 2010, tổng số lao động làm việc trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là 95.304 người, tăng 5.304 lao động và chiếm 10,48% so với tổng số lực lượng lao động toàn tỉnh. Theo tính toán, bình quân số lao động được thu hút vào làm việc trong các doanh nghiệp là 1.060 lao động/năm. Ngoài ra doanh nghiệp cũng tích cực tham gia các hoạt động xã hội nhân đạo như xây nhà tình nghĩa, trợ giúp kinh tế cho các gia đình khó khăn, nhận nuôi dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, kết nghĩa với đồng bào dân tộc các buôn làng…

Giám sát quy trình sản xuất bia tại Nhà máy Bia Sài Gòn. (Ảnh: Gia Thịnh)
Giám sát quy trình sản xuất bia tại Nhà máy Bia Sài Gòn. (Ảnh: Gia Thịnh)

Trợ lực cho DNNVV
Tiếp tục tạo môi trường thuận lợi về cơ chế, chính sách, hỗ trợ các nguồn lực cần thiết đẩy nhanh tốc độ phát triển cả về quy mô và hiệu quả sản xuất, để DNNVV đóng góp ngày càng lớn vào tăng trưởng kinh tế và ngân sách, tạo thêm việc làm mới góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, đó là những mục tiêu của tỉnh trong Kế hoạch phát triển DNNVV giai đoạn 2011-2015.

Theo đó, cùng với việc trang bị cho doanh nghiệp những kiến thức về pháp luật, chủ trương của UBND tỉnh là hoàn thiện cải cách thủ tục hành chính và các chính sách tạo môi trường thông thoáng, bình đẳng, công khai cho các doanh nghiệp phát triển, dễ tiếp cận với các thủ tục hành chính công như đăng ký kinh doanh, cấp phép đầu tư, cho thuê đất, thẩm định hồ sơ dự án xây dựng... Tổ chức đối thoại giữa chính quyền địa phương, các ngành và doanh nghiệp nhằm trao đổi thông tin, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong hoạt động kinh doanh của DNNVV - hình thức này đã, đang và sẽ tiếp tục được duy trì để trở thành điểm hẹn quen thuộc giúp doanh nghiệp và các đơn vị liên quan hiểu nhau hơn. UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối, phối hợp với các ngành xây dựng chương trình kế hoạch hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho các DNNVV trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực cho các DNNVV được lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, 5 năm của tỉnh.

Tranh thủ nguồn vốn của Trung ương, đổi mới công nghệ, thiết bị theo chiến lược phát triển và mở rộng sản xuất của các DNNVV đối với các sản phẩm xuất khẩu, sản phẩm công nghiệp cũng là lĩnh vực được UBND tỉnh quan tâm hỗ trợ để ưu tiên đầu tư. Một giải pháp trợ giúp tài chính cụ thể được UBND tỉnh nêu rõ trong Kế hoạch phát triển DNNVV giai đoạn 2011-2015 là xúc tiến thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng đối với các DNNVV; tiếp tục duy trì và tạo nguồn vốn bổ sung cho Quỹ đầu tư phát triển của tỉnh để các doanh nghiệp có đủ điều kiện được vay vốn đầu tư cho mở rộng sản xuất kinh doanh, chuyển đổi công nghệ. Bên cạnh đó, cùng với việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng các khu cụm công nghiệp, sẽ thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình triển khai, tổ chức thực hiện các chính sách để kịp thời điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện các chính sách khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo Kế hoạch phát triển DNNVV của tỉnh giai đoạn 2011-2015, số DNNVV thành lập mới khoảng 4.650 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp tham gia trực tiếp xuất khẩu năm 2015 là 60 doanh nghiệp; bình quân hằng năm tạo thêm 16.577 việc làm mới, trong 5 năm tạo thêm 82.888 việc làm mới. Bình quân hằng năm đào tạo quản trị doanh nghiệp cho 1.000 lượt học viên. Tỷ lệ lao động trong doanh nghiệp được đào tạo đạt 65%, trong đó đào tạo nghề đạt 50%.

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc