Multimedia Đọc Báo in

Lao đao tìm nước tưới

10:08, 18/04/2011

Những năm gần đây, cứ bắt đầu mùa khô, người trồng cà phê ở Dak Lak lại đối mặt với hạn hán kéo dài, không ít diện tích cà phê rơi vào tình trạng mất trắng…

Khô hạn nặng ngay từ đầu mùa tưới
Tại địa bàn huyện Krông Năng, người dân đang bước vào giai đoạn tưới nước đợt 2 cho cây cà phê. Tuy nhiên, mực nước ở các sông, hồ, giếng… hiện xuống rất thấp, chưa kể nhiều dòng chảy nhỏ như kênh, suối cạn trơ đáy, khiến nhiều diện tích cà phê lâm vào cảnh “khát” trầm trọng. Anh Mai Tuấn Dũng ở thôn Ea Đinh, xã Ea Tân cho hay: sau khi tập trung tưới xong đợt 1 thì hầu hết các đập chứa nước trong xã như Yên Khánh, Ea Đinh, Ea Chiên mực nước đã vơi đi phân nửa. Các mạch nước ngầm giảm mạnh không kịp bù lại số lượng đã mất nên trong đợt 2 này, nhiều diện tích cà phê không còn đủ nước tưới. Vì vậy, nỗi lo trước mắt là nếu tình trạng khô hạn cứ tiếp diễn thì những đợt tưới sau sẽ thực sự là vấn đề nan giải. Với diện tích gần 3.000 ha cà phê tại xã Ea Tam đang thời kỳ ra trái, nhưng có khoảng 1.000 ha trong số đó nguy cơ bị chết khô. Ông Lý Văn Đức, một người trồng cà phê nơi đây cho biết: chưa năm nào nước ở các hồ, đập, kênh, mương, suối trên địa bàn lại khô cạn nhanh như năm nay; nhiều rẫy cà phê cháy lá, rụng cả hoa và quả. Ở xã Cư Klông, hàng trăm hộ nông dân đang phải chạy đôn chạy đáo tìm nguồn nước ngầm, đào, khoan thêm giếng để cứu cà phê. Trong tình hình vật giá tăng cao như hiện nay, đặc biệt là dầu Diesel để chạy máy bơm, đã làm cho cuộc sống của người dân càng thêm vất vả. Theo tính toán: để đào và khoan được một cái giếng phải đầu tư 30-40 triệu đồng, chi phí chạy máy tưới cho 1 ha cà phê trong một đợt khoảng 4 triệu đồng. Không những thế, nhiều hộ dân không đủ điều kiện mua máy bơm nước mà phải đi thuê thì chi phí lại càng lớn hơn. Để thuê được một máy bơm, người trồng cà phê phải bỏ ra từ 50-80 ngàn đồng/giờ tưới (chưa kể chi phí xăng, dầu), trong khi đó mỗi ha cà phê phải tưới mất hơn 50 giờ; vị chi tiền tưới phải mất  từ 6,5-7 triệu đồng/ha.

Còn tại huyện Krông Buk, cà phê cũng trong tình trạng khô hạn nghiêm trọng với trên 4.000 ha. ông Nguyễn Văn Pháp, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: nắng nóng kéo dài dẫn đến tình trạng mực nước của các công trình thủy lợi đang giảm nhanh, một số đập thủy lợi chỉ bảo đảm được lượng nước tưới cho 2 đợt. Mặc dù vào đầu tháng 3, trên địa bàn huyện có vài trận mưa trải dài theo phía Tây quốc lộ 14 với thời gian từ 40-90 phút, đã “giải khát” cho khoảng 1.000-1.500 ha, nhưng nắng nóng kéo dài sau đó khiến cho tình trạng hạn hán trên địa bàn vẫn diễn ra gay gắt, diện tích cà phê bị hạn trong đợt I là 1.223 ha, đợt II là 3.689 ha, ước tính thiệt hại khoảng trên 7 tỷ đồng.

Nỗ lực chống hạn. (Ảnh: Lệ Văn)
Nỗ lực chống hạn. (Ảnh: Lệ Văn)

Gian nan chống hạn
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp huyện Krông Buk: trên địa bàn huyện có 37 công trình thủy lợi, trong đó 29 công trình có thể bảo đảm nước tưới cho cà phê trong 3 đợt, lượng nước ở các công trình còn lại chỉ đáp ứng nhu cầu tưới cho 1 hoặc 2 đợt. Tuy nhiên, từ giữa tháng Hai đến nay, nắng nóng kéo dài làm cho nhiều công trình thủy lợi khô cạn nên người trồng cà phê lâm vào tình cảnh lao đao trong việc tìm nguồn nước tưới. Nhiều hộ gia đình phải tưới cầm chừng chỉ để cứu sống cho cây cà phê. Ông Đào Xuân Sinh ở xã Pơng Drang có rẫy cà phê ở xã Cư Pơng than thở: “Đây là thời điểm cà phê bắt đầu tưới đợt III, nhưng vì thiếu nước nên gia đình cũng chỉ mới tưới đợt II. Chỉ có 1 ha cà phê nhưng hôm nay là ngày tưới thứ 7 rồi mà vẫn chưa xong. Năm nay, thời tiết thất thường, cà phê đang chuẩn bị ra hoa thì gặp lạnh, không bung được; rồi nắng hạn kéo dài, thiếu nước nên năng suất chắc chẳng được là bao. Ngay như đập Ea Dhung Tiêng, mọi năm vẫn đủ nước cho tưới đợt 2, nhưng năm nay cạn ngay từ đầu mùa. Chúng tôi phải đào giếng để lấy mạch nước nhĩ, tưới cầm chừng, cốt chỉ để cứu sống cho cây cà phê mà thôi.”

Đó cũng là tình cảnh của người trồng cà phê ở xã Cư Pơng, Cư Né - những địa bàn có nhiều diện tích cà phê hạn nặng nhất huyện Krông Buk. Để cứu cà phê, nhiều hộ gia đình đã đầu tư hàng chục triệu đồng mua thêm ống nhựa dẫn nước, đào, khoan giếng bằng nhiều hình thức như: đào giếng sau đó khoan ngang nhiều lỗ khoan hoặc khoan sâu xuống khoảng 100m; đào, khoan giếng ngay trên các hồ đập, con suối đã cạn nước để lấy mạch nước nhĩ chống hạn cho cây cà phê. Trước tình trạng khô hạn nặng diễn ra trên diện rộng, chính quyền huyện Krông Buk đã chỉ đạo các hợp tác xã dùng nước hướng dẫn đồng bào đầu tư nạo vét giếng, hồ đập, khơi thông dòng chảy, điều tiết, phân phối nguồn nước hợp lý, tránh không để xảy ra tình trạng tranh chấp nguồn nước giữa các vùng, các hộ gia đình có rẫy cà phê liền kề. Còn ở huyện Krông Năng, để khắc phục khó khăn về nguồn nước tưới cà phê, bảo đảm cây không bị khô héo và rụng quả, địa phương đã huy động các trạm bơm tăng cường bơm nước để kịp nhu cầu tưới của bà con; đồng thời nạo vét kênh, mương và hồ chứa để trữ nước; phân chia, điều tiết lịch bơm để bảo đảm cho các sông, hồ, đập không bị kiệt nước; hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp giữ ẩm cho cây… Người trồng cà phê ở huyện Krông Năng vẫn có thói quen tưới nhiều lần trong mùa khô, khối lượng nước cho mỗi lần lên tới 600- 700 lít/gốc, gây lãng phí lên tới 300- 400 lít/gốc. Ông Lê Rế, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Với diện tích gần 26.000 ha cà phê thì đến nay đã có trên 8.000 ha đang trong tình trạng thiếu nước trầm trọng, việc tưới chủ yếu dựa vào nguồn nước từ các sông, hồ, suối và giếng, nhưng đến nay nhiều nơi cũng đã cạn kiệt. Trước thực tế trên, ngành nông nghiệp huyện đã chỉ đạo các địa phương vận động người dân tưới nước hợp lý, khoa học; đồng thời, đào thêm giếng, nạo vét kênh mương… hạn chế thấp nhất những thiệt hại do hạn hán gây ra. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp huyện cũng phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan thường xuyên mở các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật về nông nghiệp, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng chống hạn hán thiên tai…. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện mực nước các hồ, đập, sông, suối, mực nước ngầm đang tiếp tục giảm nhanh;  một số hồ, đập, sông suối nhỏ đã khô cạn. Hạn hán đã xảy ra trên diện rộng, gây thiệt hại nặng cho các loại cây trồng vụ đông xuân, nhất là cây lúa nước và cà phê, tập trung nhiều nhất ở 7 huyện: Krông Bông, Lak, Ea H’leo, Cư M’gar, Krông Năng, Krông Pak, Krông Ana. Hiện toàn tỉnh có khoảng 10.000 ha cà phê bị hạn, 9.000 ha khác có nguy cơ “dính hạn”. Để giảm thiểu những tổn thất do hạn hán gây ra, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tập trung nạo vét các hồ đập, hệ thống kênh mương dẫn nước; hướng dẫn nông dân các dân tộc điều tiết nguồn nước hợp lý, ưu tiên nguồn nước tưới cho lúa, cà phê trong vùng tập trung, trong vùng kế hoạch; không để xảy ra tình trạng tranh giành nguồn nước tưới cho cây trồng… Tỉnh cũng đã có kế hoạch hỗ trợ một phần nhiên liệu cho bà con nông dân bơm nước chống hạn.

 

Hương Thành

 


Ý kiến bạn đọc