Quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm nông sản: Bao giờ mới hết bất cập?
Sản xuất nhỏ, manh mún; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật giữa các bộ, ngành về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) còn chồng chéo, không phù hợp... đang là những bất cập trong quản lý chất lượng VSATTP đối với sản phẩm nông nghiệp.
Nguy cơ ngộ độc từ nguồn nguyên liệu xấu
Trong những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển khá mạnh, đóng góp không nhỏ vào tốc độ phát triển kinh tế chung của Dak Lak. Tuy nhiên, việc chạy theo lợi nhuận đã khiến nhiều người sản xuất bỏ qua khâu VSATTP, gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người tiêu dùng. Theo kết quả hậu kiểm chất lượng VSATTP năm 2010 của Chi cục Quản lý chất lượng Nông-lâm sản và Thủy sản, trong 139 mẫu sản phẩm nông, lâm sản và thủy sản trên địa bàn tỉnh được kiểm nghiệm thì chỉ có 53 mẫu đạt chất lượng VSATTP. Điều đáng lưu ý là 100% mẫu rau, củ, quả đều không đạt tiêu chuẩn VSATTP, trong đó đáng báo động nhất là hàm lượng nitrat (NO3) trong rau quá cao, đa số trên 10.000 mg/kg, đặc biệt là trong rau cải xanh và xà lách, hàm lượng NO3 là 54.492,91 mg/kg và 35.306,78 mg/kg, cao hơn gấp nhiều lần so với mức cho phép theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tối đa là 1.500 mg/kg. Một khi dư lượng NO3 cao thì càng có nhiều nguy cơ gây ngộ độc cho người tiêu dùng; và theo các nhà khoa học, đây cũng là nguyên nhân gây bệnh ung thư thực quản. Ngoài ra, trong tổng số 40 mẫu thịt (bò, heo, gà, vịt) được kiểm nghiệm, thì chỉ có 15 mẫu đạt chất lượng, còn lại đều không đạt do nhiễm Coliforms, E.coli; còn 9 mẫu đường cát lấy tại các chợ, đại lý và Công ty Cổ phần Mía đường 333, tuy không phát hiện hàm lượng chì và đồng nhưng lại có lượng tạp chất không tan trong nước quá cao so với ngưỡng giới hạn < 60 mg/kg... Bên cạnh đó, các cơ sở chế biến nông sản phần lớn chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn VSATTP như: không có nhà kho chứa bán thành phẩm hoặc một kho cùng chứa nhiều loại nông sản; dùng lại bao bì (theo nguyên tắc phải dùng bao bì mới chưa qua sử dụng), bố trí nhà vệ sinh chưa hợp lý…đã gây ô nhiễm nguồn nguyên liệu trước khi được chế biến thành sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
Những con số nêu trên chỉ là phần nổi của tảng băng chìm trong vấn đề VSATTP nông sản. Thực chất việc sử dụng những hóa chất cấm dùng trong nuôi trồng, chế biến nông sản; quy trình chế biến bị nhiễm độc từ môi trường v.v… chưa được xử lý nghiêm ngặt đã gây ảnh hưởng xấu đến xuất khẩu và tiêu dùng. Bên cạnh đó, các vụ ngộ độc thực phẩm, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm càng làm bùng lên sự lo âu của mọi người. Đây cũng là một thách thức lớn đối với ngành nông nghiệp trên con đường hội nhập kinh tế thế giới, mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ quy mô sản xuất nhỏ, manh mún dẫn đến khó triển khai việc đảm bảo chất lượng VSATTP.
Khuyến khích người sản xuất thực hiện quy trình sản xuất rau an toàn. |
Quản lý bằng cách nào?
Một trong những khó khăn lớn nhất trong công tác quản lý chất lượng VSATTP trong sản xuất nông nghiệp chính là hệ thống văn bản pháp quy về quản lý sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm còn thiếu và chưa đồng bộ. Mặc dù đã có Pháp lệnh Thú y, Pháp lệnh ATVSTP, Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa và sắp tới là Luật An toàn thực phẩm (sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7-2011) nhưng việc quản lý về mặt Nhà nước vẫn còn chồng chéo, khó quy trách nhiệm và làm giảm hiệu năng quản lý. Đơn cử như quy định về điều kiện vệ sinh thú y đối với cơ sở chăn nuôi tập trung an toàn, quy trình xử lý động vật, sản phẩm động vật không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh thú y… chưa cụ thể; trường hợp trong quá trình chăn nuôi đã vi phạm để các chất kháng sinh tồn dư trong sản phẩm động vật cũng chưa có quy định xử lý rõ ràng; xử lý vi phạm sử dụng các chất cấm và tồn dư độc hại trong thủy sản cũng chưa có hướng dẫn cụ thể. Đặc biệt là công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý còn lúng túng, chưa thực sự hiệu quả.
Theo ông Trần Ngọc Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông-lâm sản và Thủy sản: việc đảm bảo VSATTP chỉ có thể giải quyết tốt nếu có những biện pháp đồng bộ từ nhiều phía gồm: người quản lý, người sản xuất, người tiêu dùng đều phải đồng lòng thực hiện với mục tiêu bảo vệ sức khỏe của cộng đồng. Trong đó, về mặt quản lý Nhà nước, trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ quan chức năng cần quy định cụ thể hình thức, phương thức tổ chức quản lý để tránh tình trạng chồng chéo; đồng thời sớm thiết lập hệ thống quản lý nhà nước về chất lượng VSATTP nông, lâm, thủy sản ở các huyện, xã, phường, thị trấn; tăng cường công tác truyền thông về VSATTP để thông tin rộng rãi đến người sản xuất và người tiêu dùng những vấn đề liên quan đến chất lượng nông sản. Bên cạnh đó, cần thành lập Trung tâm kiểm nghiệm chất lượng nông, lâm và thủy sản trên địa bàn tỉnh để kịp thời phân tích, đánh giá các chỉ tiêu VSATTP của các mẫu nông sản được lấy trong quá trình thanh, kiểm tra và nhanh chóng đưa ra các biện pháp xử lý phù hợp.
Ý kiến bạn đọc