Multimedia Đọc Báo in

Tạo động lực để kinh tế HTX phát triển

21:51, 16/04/2011

Kinh tế hợp tác xã (HTX) Dak Lak trong thời gian qua đã có những đóng góp đáng kể trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Thế nhưng, mô hình kinh tế này hiện vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề cần quan tâm, tháo gỡ để có bước phát triển mạnh mẽ và đột phá hơn...

Cải tiến mẫu mã sản phẩm mây tre đan là yếu tố quan trọng để thu hút khách hàng và mở rộng thị trường của các HTX mây tre đan hiện nay.
Cải tiến mẫu mã sản phẩm mây tre đan là yếu tố quan trọng để thu hút khách hàng và mở rộng thị trường của các HTX mây tre đan hiện nay.

Từ những năm 2009-2010, Liên minh HTX và doanh nghiệp ngoài quốc doanh Dak Lak đã có chủ trương thúc đẩy khối kinh tế này từng bước phát triển toàn diện và mạnh mẽ hơn với mục tiêu đặt ra là có khoảng 70% HTX sản xuất, kinh doanh đạt khá giỏi, ít nhất 60% cán bộ quản lý chủ chốt của các đơn vị có trình độ đại học và cao đẳng; giá trị đóng góp vào GDP của tỉnh hàng năm đạt từ 12-13%. Ông Nguyễn Thiên Văn – Phó chủ tịch Liên minh HTX Dak Lak cho rằng: để mục tiêu đó trở thành hiện thực, những cơ quan có trách nhiệm còn phải nỗ lực rất nhiều. Trước mắt cần phải kiên quyết hơn trong việc giải thể những HTX tồn tại trên danh nghĩa, làm ăn thua lỗ kéo dài. Đối với những HTX cổ phần đã được xã viên xác lập, nhưng giá trị cổ phần thấp thì cần phải được sáp nhập lại, tùy theo tình hình cụ thể ở từng địa phương để tiến hành sáp nhập theo nhóm hộ, hoặc theo địa bàn dân cư sao cho phù hợp. Một vấn đề cốt lõi nữa cần được giải quyết là nâng cao trình độ quản lý cũng như nguồn nhân lực lao động cho khu vực kinh tế HTX hiện nay bằng các giải pháp: hỗ trợ một phần kinh phí giúp các đối tượng (là cán bộ đang làm việc trong các HTX, hoặc con em xã viên) đi học tập, nâng cao trình độ chuyên môn theo nhu cầu sử dụng; cho phép các địa phương được điều động cán bộ nguồn, có năng lực và tâm huyết về làm việc tại các HTX, nhất là các HTX nông nghiệp; giao cho các ngành liên quan nghiên cứu để sớm có cơ chế điều động cán bộ quản lý, cán bộ khoa học kỹ thuật đang công tác tại các cơ quan Nhà nước về làm việc tại các HTX theo yêu cầu của cơ sở.

Về chính sách tín dụng, đối với một số dự án mới (chủ đầu tư là HTX), hoặc mở rộng năng lực sản xuất, kinh doanh nằm trong danh mục các dự án vay vốn tín dụng theo Nghị định 151 của Chính phủ mà chưa được tiếp cận nguồn vốn thì đề nghị Ngân hàng Đầu tư - Phát triển của tỉnh xem xét thủ tục cho vay. Đối với các HTX có những dự án đem lại hiệu quả kinh tế  cao, giải quyết được nhiều lao động tại địa phương thì đề nghị Ngân hàng Chính sách - xã hội ưu tiên bố trí nguồn vốn vay từ Quỹ giải quyết việc làm của quốc gia. Theo đó, tiến hành đẩy nhanh việc cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các HTX để họ chủ động hơn trong việc tổ chức sản xuất-kinh doanh cũng như đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng; từng bước ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới một cách tích cực, hiệu quả hơn để nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh trên thị trường…

HTX Thổ cẩm - Mây tre Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) đầu tư thiết bị chẻ mây bằng máy để nâng cao chất lượng sản phẩm.
HTX Thổ cẩm - Mây tre Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) đầu tư thiết bị chẻ mây bằng máy để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Có thể nói, đây là cơ sở pháp lý và cũng là lộ trình mang tính khả thi để tạo điều kiện cho kinh tế HTX có bước đột phá để vươn lên. Tuy nhiên, thực tế trong thời gian  qua, khối kinh tế tập thể này vẫn chưa thật sự có những chuyển biến rõ nét.  Vì sao?

Theo số liệu của Liên minh HTX và Doanh nghiệp ngoài quốc doanh Dak Lak, toàn tỉnh hiện có 303 HTX đang hoạt động trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề ở địa phương. Và điều đáng nói ở đây là chỉ có hơn 30% HTX làm ăn khá giỏi, còn lại là trung bình và yếu kém. Thống kê cho thấy: có hơn 50% số HTX hiện nay được hình thành và tồn tại khá lâu trong cơ chế bao cấp, nên cung cách làm ăn theo kiểu thụ động, ỷ lại và thậm chí trì trệ kéo dài cho đến nay. Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều đơn vị. Cụ thể là họ không quan tâm lắm đến vấn đề tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường, cải tiến sản phẩm và nâng cao sức cạnh tranh. Vì thế số HTX làm ăn khá giỏi chưa nhiều là điều dễ hiểu! Mặt khác, từ khi chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX vào năm 1997 đến nay, vẫn còn nhiều đơn vị làm ăn không hiệu quả, không bứt phá lên được.

Qua tìm hiểu được biết, khi chuyển sang cơ chế thị trường, các HTX phải tự chủ mọi hoạt động của mình, trực tiếp tham gia vào nền kinh tế thị trường. Muốn tồn tại, các HTX phải đổi mới, nhất là vấn đề nâng cao trình độ, năng lực quản lý của lực lượng lao động trực tiếp cũng như gián tiếp. Thế nhưng, qua khảo sát mới đây của Liên minh HTX cho thấy: trong số gần 300 người là cán bộ chủ chốt của các HTX hiện nay chỉ có 6% có trình độ đại học và cao đẳng, trung cấp khoảng 50%, còn lại chưa qua trường lớp đào tạo chuyên môn nào. Ông Bùi Văn Hiền-Chánh văn phòng Liên minh HTX Dak Lak trao đổi thêm: những năm gần đây, công tác đào tạo và bồi dưỡng cho đội ngũ quản lý, cũng như dạy nghề cho người lao động trong các HTX đã được chú trọng, quan tâm hơn. Nhưng do thời gian của những khóa học quá ngắn, mang tính chất bồi dưỡng, hoặc chỉ dừng lại ở mức “làm quen” kỹ năng nghề nghiệp ban đầu là chính, nên không tạo được sự đột phá về nguồn nhân lực trong khối kinh tế này.
Điều đáng quan tâm nữa là hầu hết các HTX đều thiếu vốn, nhất là các HTX nông nghiệp. Theo Nghị định 88/2005 của Chính phủ, các HTX có dự án đầu tư, mở rộng qui mô và năng lực sản xuất, kinh doanh thì được vay vốn Tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước từ Quỹ hỗ trợ phát triển, thế nhưng lâu nay một số HTX chưa tiếp cận được nguồn vốn này, hoặc nếu có thì không đáng kể vì quỹ hỗ trợ của Dak Lak quá “khiêm tốn”, khoảng hơn 3 tỷ đồng. Còn những nguồn vốn khác thì sao? Theo Luật HTX và Nghị định 88/2005 thì các HTX đều được cấp đất để xây dựng trụ sở và được thuê đất dài hạn để mở rộng sản xuất, kinh doanh… nhưng đến nay trong số 303 HTX hiện có trên địa bàn, mới chỉ có vài chục đơn vị được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất. Rõ ràng, một khi không có tài sản trong tay thì các HTX không thể thế chấp cho ngân hàng để vay vốn sản xuất, kinh doanh. Ông Hiền cho rằng: đây thực sự là vấn đề nan giải, khó có thể vực dậy khối kinh tế quan trọng này, nếu như không có giải pháp cụ thể nhằm khắc phục những  tồn tại trên.

 

Phương Đình 

 


Ý kiến bạn đọc