Trở lại vùng căn cứ
36 năm sau ngày đất nước giải phóng, dấu tích của những vùng căn cứ cách mạng đã bị thời gian che lấp. Song, trang sử hào hùng của những vùng“đất thép” vẫn luôn tỏa sáng và ý chí kiên cường của người dân nơi đây vẫn tiếp tục được hun đúc để chiến đấu và chiến thắng trên mặt trận mới - mặt trận phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu…
Diện mạo mới ở buôn Liêng Kéh
Từng vang danh bởi dũng sĩ Y Chông Sruk bắn rơi máy bay Mỹ trong cuộc kháng chiến trường kỳ vì độc lập, tự do của dân tộc, buôn Liêng Kéh, xã Dak Phơi, huyện Lak ngày hôm nay luôn phát huy tinh thần bất khuất, kiên cường để phát triển, vươn lên.
Trong kháng chiến, với mật danh H10, buôn Liêng Kéh được biết đến là khu căn cứ vững chắc, nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng. Trong những năm chiến tranh, Liêng Kéh luôn bị bom đạn Mỹ, ngụy tàn phá, nhưng đồng bào các dân tộc nơi đây vẫn một lòng kiên trung theo Đảng, theo cách mạng, bám buôn, bám làng, tăng gia sản xuất để nuôi quân. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, buôn Liêng Kéh luôn được sự quan tâm, đầu tư của Đảng và Nhà nước, đời sống của đồng bào vì vậy không ngừng cải thiện, nâng cao. Như những gì mà Trưởng buôn Ama Nhơn hồ hởi khoe: vùng đất này, trước đây còn gian khổ lắm chỉ toàn đồi núi hoang vu. Được sự quan tâm đầu tư của chính quyền các cấp, buôn làng ngày nay đã đổi mới nhiều. Nay điện đã chiếu sáng khắp buôn làng, đường giao thông được mở rộng, kiên cố, có trường mầm non cho các em vui học; đời sống kinh tế của bà con trong buôn không ngừng được cải thiện nhờ thay đổi nếp nghĩ, biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.
Người dân ở buôn Liêng Kéh làm giàu từ việc trồng cây ca cao. (Ảnh: L.H) |
Có thể thấy niềm vui của buôn trưởng Ama Nhơn được minh chứng qua từng nếp nhà mới với những vườn ca cao xanh mướt. Đó chính là thành quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được thực hiện khá hiệu quả ở nơi đây từ sự hỗ trợ của dự án đa dạng hóa nông nghiệp, phát triển ca cao của tỉnh và của tổ chức ActionAid Việt Nam để giúp người dân nơi đây phát triển kinh tế bền vững. Phong trào chăn nuôi của buôn vì vậy phát triển khá mạnh với tổng lượng đàn gia súc gần 300 con. Amí Krai, một trong những hộ gia đình nghèo được hỗ trợ bò theo hình thức nuôi rẽ vui mừng nói: “Từ một con bò được Nhà nước hỗ trợ vào năm 2007 để giúp gia đình phát triển chăn nuôi, xóa đói giảm nghèo đến nay, tổng đàn bò của gia đình đã hơn 10 con, trước đó đã bán 2 con để làm nhà.” Từ hộ nghèo năm 2007, sau 3 năm nỗ lực cố gắng cùng với sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước qua các chương trình 132, 134, 135, 167… năm 2010, gia đình Amí Krai cũng như nhiều hộ gia đình trong buôn đã vươn lên thoát nghèo. Toàn buôn hiện có 56 hộ với 439 khẩu thì đến nay chỉ còn 8 hộ nghèo. Đời sống kinh tế ổn định, bà con trong buôn tích cực hưởng ứng các phong trào xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ an ninh trật tự… Bên cạnh đó, các hoạt động văn nghệ, thể dục, thể thao được tổ chức thường xuyên góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân. Anh Y Liêng, cán bộ xã Dak Phơi cho hay, Liêng Kéh là buôn vẫn còn gìn giữ được nhiều bộ chiêng quý. Hiện, trong buôn có 23 hộ gia đình vẫn còn chiêng, không những thế các lễ hội văn hóa truyền thống của dân tộc như lễ mừng lúa mới, cúng bến nước… cũng được buôn duy trì thường xuyên. Đây chính là những nỗ lực của chính quyền địa phương cũng như ý thức của người dân trong việc gìn giữ, bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Tuy nhiên, cũng như Y Liêng chia sẻ, là vùng sâu vùng xa, nên điều kiện giao lưu kinh tế, văn hóa của những buôn căn cứ cách mạng nói chung, Liêng Kéh nói riêng vẫn gặp khó khăn hơn. Bởi vậy, để tạo điều kiện cải thiện hơn nữa cuộc sống của đồng bào nơi đây, bên cạnh sự nỗ lực tự thân, rất cần Nhà nước tăng cường nguồn kinh phí, lồng ghép nhiều chương trình đầu tư để buôn phát triển toàn diện, bền vững.
Kiên Cường hôm nay
Những con đường thảm nhựa, cấp phối thẳng tắp, nhiều nóc nhà xây san sát nhau, đường điện chạy dọc, ngang đến từng khu xóm, tiếng học sinh đọc bài ê a vang vọng từ các ngôi trường… đó là diện mạo mới của thôn Kiên Cường (nay là thôn 1, xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột).
Ông Võ Tấn Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hòa Thuận, Bí thư Chi bộ thôn phấn khởi cho biết: “Khi chiến tranh thôn 1 là khu vực bị tàn phá, giết chóc ác liệt nhất cả về cơ sở vật chất lẫn con người nhưng nay lại là nơi phát triển nhanh và ổn định nhất trong xã. Có được điều này cũng chính là nhờ truyền thống Anh hùng của những người con thôn Kiên Cường”. Để chứng minh, ông đã dẫn chúng tôi đến nhà bà Võ Thị Hường (75 tuổi) một trong số 38 hộ dân vẫn bám trụ từ lúc còn gian khổ, hy sinh nhất cho đến tận ngày nay. Sau 36 năm đất nước thống nhất, cuộc sống của gia đình bà cũng như nhiều hộ khác trong thôn đã đổi thay, có nhà xây rộng rãi, khang trang, rẫy vườn xanh tốt, các con, cháu đều được học hành đến nơi đến chốn. Mặc dù vậy, trong ký ức của mỗi người vẫn vẹn nguyên những năm tháng đấu tranh hào hùng, kiên cường. Năm 1961, Ngô Đình Diệm thực hiện chính sách ly gián cách mạng. 150 hộ dân từ Quảng Nam bị chúng đưa lên Tây Nguyên, cho ở gần trung tâm Buôn Ma Thuột để dễ bề kiểm soát. Sau khi bình định không được, chúng bắt bớ, tra tấn nhưng người dân Kiên Cường vẫn một lòng một dạ theo cách mạng, tìm mọi cách tiếp tế lương thực, móc nối, cung cấp thông tin cho lực lượng cách mạng. Sự khôn khéo của những người dân nơi đây đã làm kế hoạch của địch thất bại. Bình định được một thời gian không kết quả gì, chúng đành rút và chuyển sang kế hoạch dồn dân lập ấp nhưng bà con vẫn kiên cường đánh trả, chống lại âm mưu của kẻ thù. Vì vậy, địch lại tăng cường các cuộc càn quét, giết chóc, đốt nhà, buổi chiều chúng vào gài mìn dày đặc quanh thôn và ngay cạnh chuồng trâu, chuồng bò, đến sáng lại vào gỡ ra để “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Nhưng có hàng rào nào cản nổi, ý chí, lòng người dân Kiên Cường vẫn tìm được cách tiếp tế lương thực, thực phẩm, cung cấp thông tin an toàn”, bà Hường kể. Cả vùng đất biến thành cơ sở cách mạng trong lòng địch, mỗi người dân dù già hay trẻ đều là một giao liên làm cầu nối giữa chiến khu với các cơ sở nội thành. Năm 1973, sau hiệp định Pari, cờ Giải phóng bay phấp phới trên cây goòng trong thôn. Bọn địch tập trung tứ phía bắt người dân trèo lên lấy cờ, nhưng ai cũng nhất quyết không chịu. Từ hơn 150 nóc nhà, do bị địch đánh phá, o ép, bắt bớ… cuối cùng chỉ còn lại 38 căn. Ba mươi tám hộ gia đình vẫn bám trụ kiên cường, vẫn cùng Ban Binh vận làm cầu nối giữa căn cứ với nội thành cho tới ngày đất nước toàn thắng. 38 hộ dân Kiên Cường thì có tới 32 liệt sĩ, 11 thương, bệnh binh. Chính sự anh dũng, chịu đựng mọi gian khổ hy sinh của những người con Kiên Cường đã nuôi giấu, bảo vệ những chiến sĩ cách mạng mà sau này đã trở thành những người lãnh đạo chủ chốt của tỉnh.
Không chỉ kiên cường bám trụ trong thời chiến, sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, người dân ở mảnh đất Anh hùng này lại tiếp tục tăng gia sản xuất, kiến thiết xây dựng lại thôn xóm. Từ 38 hộ khi xưa, nay đã phát triển lên 304 hộ với hơn 4.000 khẩu. Tận dụng lợi thế của vùng đất trồng cà phê, tiêu lại được sự giúp đỡ, chuyển giao khoa học, kỹ thuật của các ngành chức năng, bà con đã tìm tòi, sáng tạo, áp dụng và phát triển thành công 320 ha cà phê xen canh cây tiêu, sầu riêng cho năng suất cao. Bên cạnh đó, thôn đã được Đảng và nhà nước đầu tư xây dựng trường học, đường giao thông, đường điện chiếu sáng, hồ chứa nước, hội trường và nhà bia tưởng niệm vừa để tri ân các Anh hùng liệt sĩ, vừa là nơi sinh hoạt văn hóa, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Cùng với sự quan tâm của Nhà nước và chính những nỗ lực vượt khó của người dân, cuộc sống nơi đây đang đổi thay từng ngày. 70% số hộ trong thôn có mức sống khá trở lên, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn gần 4%. Hầu hết các hộ đã mua sắm được phương tiện phục vụ sinh hoạt, sản xuất, 100% trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường, tình hình an ninh trật tự luôn ổn định. Cuộc sống của người dân thôn Kiên Cường đang thực sự “thay da đổi thịt” là điều dễ nhận thấy đối với những ai có dịp đến thăm vùng đất cách mạng này hôm nay.
Đổi thay ở xã Anh hùng Cư Drăm
Cư Drăm là một xã vùng sâu, vùng xa nằm ở phía đông cách trung tâm của huyện Krông Bông chừng 35 km. Trước những năm 1960 xã Cư Drăm có tên gọi là xã Lak Măn; trong kháng chiến chống Mỹ còn có các tên gọi là: O2 – A2 – A3 (thuộc căn cứ H9). Người dân của xã trước đây chủ yếu là đồng bào Êđê sinh sống rải rác theo từng buôn dọc sông Krông Tul.
Chợ Buôn Chàm (chợ cụm 3 xã đóng trên địa bàn xã Cư Drăm) nay được quy hoạch rộng rãi với nhiều mặt hàng phong phú phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. (Ảnh: L.V) |
Là căn cứ cách mạng điểm (thuộc khu căn cứ H9) trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Cư Drăm từng phải đối mặt với âm mưu thủ đoạn đánh phá hết sức ác liệt của địch, bị nhiều trận càn quy mô lớn hòng tiêu diệt lực lượng du kích của ta và xúc dân ra khỏi địa bàn, nhiều buôn phải tản cư vào đầu nguồn suối hoặc vùng sâu để củng cố lực lượng đánh địch lâu dài. Đồng bào ở nhiều buôn làng như buôn Chàm Ngó, buôn Chàm D4, buôn Cư Drăm, buôn Tâng Rang, phải chịu hậu quả ác liệt của nhiều trận mưa bom, bão đạn và nhiều buôn làng đã bị đốt phá, có lúc tưởng chừng bị xóa sổ nhưng nhân dân vẫn kiên cường bám trụ, nuôi quân. Mặc dù trong điều kiện chiến tranh ác liệt của nhiều trận mưa bom, bão đạn và nhiều buôn làng đã bị đốt phá, có lúc tưởng chừng bị xóa sổ nhưng nhân dân vẫn kiên cường bám trụ, nuôi quân. Mặc dù trong điều kiện chiến tranh ác liệt với muôn vàn khó khăn, lạt muối, vơi cơm nhưng đồng bào không ngại gian khổ, hy sinh mất mát vẫn đóng góp, chia sẻ cho cách mạng hàng chục tấn lương thực, thực phẩm; trâu, bò để vận chuyển vũ khí, đạn dược. Ngoài ra còn có 2 chú voi tham gia chuyên chở vũ khí từ Phú Yên về Dak Lak... Bên cạnh việc đóng góp sức người, sức của, nhân dân Cư Drăm còn xây dựng được phòng tuyến chiến đấu bảo vệ an toàn vùng giải phóng. Lực lượng vũ trang của xã đã phối hợp với lực lượng chủ lực của tỉnh, của huyện đánh rất nhiều trận gây cho địch tổn thất nặng nề, góp phần làm nên chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
36 năm sau giải phóng, vượt qua muôn vàn khó khăn, phát huy tinh thần kiên cường, bất khuất trên quê hương Anh hùng, nhân dân các dân tộc xã Cư Drăm không ngừng thắt chặt mối đoàn kết, thi đua phát triển kinh tế, để Cư Drăm hôm nay đang “thay da đổi thịt” từng ngày, đời sống của nhân dân từng bước được nâng lên. Nếu như trước đây, với tập quán truyền thống nhân dân địa phương sống chủ yếu theo lối du canh, du cư, canh tác và phát triển kinh tế theo lối tự cung, tự cấp, phương thức sản xuất lạc hậu, gieo trồng theo kiểu chọc tỉa bỏ hạt… thì những năm gần đây được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên dành cho các buôn căn cứ, nhân dân nơi đây đã định canh, định cư, áp dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, chăn nuôi, đẩy lùi được cái đói cái nghèo. Nói về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, ông Trần Thế Thành, Phó Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Từ gần 100 % số hộ trên địa bàn xã là nghèo đói trước năm 1990, đến nay tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 31% (giảm trung bình 5% /năm); tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng hàng năm từ 6 – 10%; thu nhập bình quân đầu người từ các sản phẩm làm ra đến nay là 5,5 triệu đồng/người/năm. Đặc biệt, đã có những hộ thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Hệ thống trường lớp trên địa bàn xã đã được đầu tư xây dựng khang trang, công tác giáo dục từng bước được quan tâm đầu tư thỏa đáng, chất lượng dạy và học ngày một nâng lên. Năm 1998 xã được công nhận phổ cập tiểu học và xóa mù chữ; năm 2008 hoàn thành chương trình phổ cập THCS. Tỷ lệ học sinh đến trường năm sau cao hơn năm trước, những năm gần đây đã có nhiều học sinh dân tộc thiểu số thi đậu và theo học tại các trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học … Xã cũng đã có trạm y tế đạt Chuẩn quốc gia với đội ngũ y, bác sĩ, y tế thôn, buôn nhiệt tình phục vụ nhân dân, công tác khám chữa bệnh cho người dân từng bước được nâng cao. Các hủ tục lạc hậu được đẩy lùi, dịch bệnh không còn xảy ra, đặc biệt là dịch sốt rét. Bên cạnh đó, để phần nào bù đắp lại những mất mát hy sinh của đồng bào, công tác “Đền ơn, đáp nghĩa” được cấp ủy, chính quyền địa phương hết sức quan tâm, nhất là các chế độ chính sách cho người có công với cách mạng, chú trọng công tác xóa đói giảm nghèo, thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo. Trong những năm qua, địa phương đã tiếp nhận nhiều chương trình hỗ trợ của Chính phủ có hiệu quả như Chương trình 327, 132, 134, 135, 139, 168… nhờ vậy nhân dân trong xã đã giảm bớt được khó khăn, đời sống tinh thần được nâng lên từng ngày.
Điện về bừng sáng mọi thôn buôn; giao thông được nhựa hóa, kiên cố hóa; hoạt động giao thương hàng hóa ngày một trở nên sôi động ở chợ trung tâm cụm xã buôn Chàm; những nếp nhà mới khang trang… đó là hình ảnh của một Cư Drăm anh hùng đi lên cùng với sự phát triển, đổi mới của đất nước hôm nay.
Cuộc sống mới trên vùng “đất thép”
Vùng căn cứ cách mạng xã Dur Kmăl (huyện Krông Ana), còn được gọi với mật danh H6, là nơi từng hứng chịu bao mưa bom bão đạn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nhưng, đến hôm nay, dấu vết của những đau thương, mất mát, của những ngày tháng gian khổ đã lùi vào quá khứ, cuộc sống ở vùng căn cứ cách mạng xưa đã bước sang trang sử mới với những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống ấm no.
Với sự quan tâm, đầu tư của Đảng và Nhà nước, hệ thống đường giao thông trên địa bàn xã Đur Kmăl đều được nâng cấp. (Ảnh: K.O) |
Đặt chân đến Dur Kmăl, cái nắng như thiêu của mùa khô Tây Nguyên không thể làm vơi đi vẻ xanh tươi của những vườn cà phê, ruộng lúa trải dài trên khắp vùng đất kiên cường này. Theo ông Đinh Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã, từ sự đầu tư của nhà nước, đặc biệt là chương trình 135 kết hợp với các chương trình khác trong những năm qua, đến thời điểm này, con đường từ huyện về tận trung tâm xã đã được trải nhựa, hệ thống giao thông trên địa bàn cũng được đầu tư với 100% các tuyến đường thôn, buôn đều nâng cấp, bảo đảm giao thông thông suốt. Đồng thời, những hộ sống hẻo lánh nhất ở các thôn, buôn cũng được Nhà nước kéo điện về tận nơi; công trình thủy lợi, nước sạch được xây dựng và phát huy hiệu quả; trường học, trạm y tế phục vụ tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn và đón trẻ em trong độ tuổi đến trường; hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở xây dựng theo hướng hiện đại, kết hợp bảo lưu và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, bảo đảm các sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người dân... Ngoài ra, với sự hỗ trợ của chương trình 134, 167, trong 5 năm (2005 - 2010), toàn xã đã có 232 hộ khó khăn về nhà ở được hỗ trợ xây dựng nhà mới và sửa chữa. Nhờ vậy, đến nay, tất cả các thôn, buôn của xã đều đã thực hiện xóa xong nhà tạm bợ, tranh tre nứa lá.
Để giúp người dân vươn lên phát triển kinh tế một cách bền vững, những năm qua, UBND xã còn chủ động giúp bà con nông dân tiếp cận khoa học - kỹ thuật để ứng dụng sản xuất. Nói về việc chuyển giao kỹ thuật giúp đồng bào thoát nghèo, đi lên xây dựng cuộc sống mới, Phó Chủ tịch UBND xã Đinh Thanh Hùng bộc bạch: “Vùng Dur Kmăl này có tiềm năng phát triển nhiều loại cây trồng giá trị kinh tế cao nhưng đời sống của bà con cứ nghèo, lạc hậu vì kiểu canh tác theo "truyền thống". Việc chuyển giao kỹ thuật đối với bà con dân tộc thiểu số là "cầm tay chỉ việc", "tai nghe mắt thấy" thông qua những mô hình trình diễn để đồng bào làm theo. Do đó, thời gian qua, xã thường xuyên tổ chức cho các hộ tham gia lớp tập huấn về cây trồng vật nuôi, thăm quan, tiếp cận với các mô hình thực tế để áp dụng những tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. bằng cách làm này, bà con đã biết thay đổi cây trồng, vật nuôi đạt năng suất cao hơn, thay đổi các tập quán, phương thức sản xuất lạc hậu, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào chăm sóc cây trồng, vật nuôi… đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ vậy, nông nghiệp có bước phát triển vượt bật, từ chỗ canh tác bằng phương thức lạc hậu, năng suất kém, đời sống đói nghèo thì đến nay ruộng nước đã phát triển mạnh với gần 1.200 ha, năng suất đạt từ 6-7 tấn/ha/vụ, sản lượng trung bình đạt gần 8.000 tấn/vụ. Không chỉ có lúa nước, bà con ở nhiều thôn, buôn còn làm say lòng người bởi những vườn cà phê xanh mướt, vườn điều sum xuê, những đồng mía, vườn tiêu xanh ngút ngàn tầm mắt... nên số hộ nghèo trên địa bàn chỉ còn khoảng 8%, đặc biệt, nhiều gia đình từ chỗ thiếu ăn nay đã giàu lên nhờ trồng trọt, chăn nuôi như: gia đình ông Lã Như Kỷ, Nguyễn Đức Lợi (ở thôn buôn Triết) thu hoạch trên 50 tấn lúa mỗi năm, tương đương khoảng 300 triệu đồng; hay gia đình ông Lê Văn Phòng (ở buôn Dur 2), thu hoạch khoảng 10 tấn cà phê nhân mỗi năm, mức thu nhập tương đương khoảng 400 triệu đồng/năm…
Vùng căn cứ xưa nay đã khoác lên mình chiếc áo mới, người dân Dur Kmăl đã không còn cảnh đói, con em được học trong những ngôi trường khang trang, sạch đẹp, chất lượng cuộc sống của bà con từng bước nâng lên ngang bằng với các địa phương khác trong huyện. Đó là hình ảnh đẹp về vùng căn cứ H6 hôm nay.
Ý kiến bạn đọc