Xóa bỏ tâm lý găm giữ USD: Đâu là vấn đề mấu chốt?
Sau hàng loạt giải pháp hạ nhiệt thị trường ngoại tệ được triển khai, kết quả cho thấy thị trường này đã và đang có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, để giải quyết có hiệu quả tâm lý găm ngoại tệ (chủ yếu là USD) của người dân, vấn đề mấu chốt là phải ổn định kinh tế vĩ mô.
Xu hướng chuyển dịch từ USD sang VNĐ
Sau khi các ngân hàng (NH) hạ lãi suất huy động USD đối với khách hàng cá nhân về còn tối đa 3%/năm theo quy định mới, nhiều khách hàng gửi tiền đã và đang tính đến chuyện bán USD để lấy đồng Việt Nam (VNĐ) gửi tiết kiệm. Anh N.V.T, một khách hàng gửi tiền cho biết: với mức lãi suất hiện tại, gửi tiết kiệm bằng VNĐ được lợi hơn hẳn USD. Anh tính toán: Với số tiền là 10.000 USD, nếu gửi tiết kiệm USD, kỳ hạn 1 tháng được hưởng lãi suất tối đa 0,25%/tháng (tương đương 3%/năm). Kết thúc kỳ hạn gửi tiền, người gửi nhận được 25 USD tiền lãi, tương đương hơn 525.000 đồng. Trong khi đó, cũng với 10.000 USD, nếu người gửi bán USD để lấy VNĐ, sẽ được khoảng 210 triệu đồng (1USD = 21.000 đồng). Số tiền này mang gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng, lãi suất 1,16%/tháng (tức 14%/năm) thì sẽ sinh lời hơn 2.436.000 đồng. Như vậy, gửi tiết kiệm bằng VNĐ sinh lợi gấp gần 5 lần so với gửi tiết kiệm USD.
Lãnh đạo một chi nhánh NH thương mại cho biết: do thời gian áp dụng mức lãi suất huy động USD tối đa 3%/năm mới được triển khai từ ngày 13-4-2011 nên chưa thể đánh giá được cụ thể sự dịch chuyển vốn sang VNĐ. Song, chắc chắn lượng vốn bằng VNĐ vào hệ thống NH sẽ dồi dào hơn. Suốt mấy ngày qua, rất nhiều khách hàng đến đề nghị tư vấn về việc chọn loại tiền gửi tiết kiệm hiệu quả nhất. Cũng do lãi suất huy động USD thấp, trong bối cảnh đồng tiền này không có khả năng tăng giá trong ngắn hạn, nên người giữ USD sẽ nghiêng nhiều về phương án bán ra lấy VNĐ gửi tiết kiệm hưởng lãi suất cao. Giám đốc một chi nhánh NH thương mại cổ phần cho biết thêm, qua tìm hiểu cho thấy, do lãi suất USD cao nhất chỉ ở mức 3%/năm, thấp hơn một nửa so với trước đó nên nhiều khả năng người dân sẽ không giữ USD. Hiện nay, chênh lệch giữa lãi suất huy động USD và VNĐ quá lớn (3%/năm và 14%/năm) sẽ kích thích người dân chuyển sang gửi tiết kiệm bằng VNĐ. Mức chênh lệch này cộng với việc tỷ giá đang được giữ ổn định, gửi tiết kiệm VNĐ sẽ có lợi hơn.
Theo đánh giá của các chuyên gia NH: việc NHNN Việt Nam cùng lúc công bố 2 biện pháp “song hành” là điều chỉnh tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi ngoại tệ và hạ lãi suất huy động USD như trên là hết sức cần thiết và hoàn toàn phù hợp. Trước đây, NHNN chưa điều chỉnh dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi ngoại tệ vì muốn để cho các NH huy động ngoại tệ đáp ứng cho nhu cầu của nền kinh tế. Hiện nay, để chủ động kiểm soát tín dụng phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ, chống đô la hóa thì một trong những giải pháp hiệu quả là nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi ngoại tệ. Bên cạnh đó, lãi suất huy động USD thời gian qua quá cao so với thế giới, nên việc giảm lãi suất này xuống sẽ góp phần giảm phạm vi hoạt động của USD, hỗ trợ tích cực cho giải pháp chống đô la hóa.
Ảnh minh họa |
Quan trọng là ổn định vĩ mô
Diễn biến trên thị trường tiền tệ cho thấy các biện pháp quản lý thị trường ngoại tệ của NHNN Việt Nam đã và đang phát huy tác dụng. Rõ nhất là tỷ giá bắt đầu ổn định, tình trạng thu gom, găm giữ USD đã giảm dần. Từ cuối tháng 2-2011 đến nay, tỷ giá ngoại tệ trên thị trường tự do giảm khoảng 1.400 đồng/USD, từ đỉnh 22.400 đồng/USD xuống còn khoảng 21.000 đồng/USD (giá ngày 13-4-2011); các điểm mua bán, đổi ngoại tệ trái phép không còn hoạt động công khai. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, nhiều người vẫn có tâm lý găm giữ USD. Qua tìm hiểu được biết, không phải người gửi tiền nào cũng bán USD để lấy VNĐ gửi tiết kiệm, dù việc sinh lợi có sự chênh lệch khá lớn. Những người này cho rằng, giá cả hàng hóa ngày càng tăng và chưa có dấu hiệu dừng khiến VNĐ vẫn chưa hết mất giá; tỷ giá từ nay đến cuối năm còn biến động; nhập siêu vẫn còn lớn… nên nảy sinh tâm lý giữ USD để bảo toàn vốn chứ không cần sinh lãi.
Theo các chuyên gia kinh tế, để ổn định thị trường ngoại hối, vấn đề mấu chốt vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô. Xung quanh vấn đề này, có ý kiến cho rằng: Nhà nước nên xem xét và cho phép các NH thu phí bán ngoại tệ; coi đây là một trong những biện pháp giúp minh bạch hóa các giao dịch ngầm, đưa tỷ giá chính thức sát với tỷ giá tự do. Theo ý kiến các NH: khi khách hàng có nhu cầu ngoại tệ thì NH phải lấy ngoại tệ gửi từ NH nước ngoài hoặc mua ngoại tệ ở các NH nước ngoài, do vậy NH phải chịu chi phí liên quan đến giao dịch ngoại tệ tiền mặt. Lẽ tất nhiên, phí đó phải tính vào giá bán ngoại tệ cho khách hàng. Mặt khác, do lo ngại lạm phát tăng cao khiến người có ngoại tệ chỉ gửi chứ không bán cho NH khiến tỷ giá trên thị trường tự do cao hơn thị trường chính thức. Để mua được, NH phải trả với mức giá cao hơn nên không thể bán cho khách hàng bằng với giá niêm yết trên thị trường chính thức.
Không đồng tình với đề xuất cho phép NH thu phí bán ngoại tệ, một số ý kiến khác lại cho rằng: thu phí là tạo thuận lợi cho NH bởi vì không thể cho phép người dân thu phí khi bán USD cho NH. Vấn đề của thị trường ngoại tệ hiện nay là giải quyết có hiệu quả sự chênh lệch tỷ giá giữa thị trường tự do và chính thức. Việc trước tiên là kéo lạm phát xuống, đồng thời kiểm soát chặt nhập siêu để giảm áp lực mất giá của VNĐ. Giải pháp hiện nay là chú trọng thắt mạnh chi tiêu công để vốn được phân bổ hợp lý, hiệu quả hơn. Giảm được đầu tư công sẽ kéo giảm nhập siêu. Khi lạm phát được khống chế, nhập siêu giảm, thị trường ngoại hối sẽ ổn định. “Vấn đề hiện nay là sử dụng chính sách để khơi thông nguồn ngoại tệ. Không thể dùng mệnh lệnh hành chính để "gom" ngoại tệ vì như vậy sẽ làm cho nguồn ngoại tệ càng co lại, kéo theo thiếu nguồn càng gay gắt hơn. Để cung - cầu ngoại tệ cân bằng, phải xử lý tận gốc từ gốc, đó là ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giảm nhập siêu; kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp niêm yết, thanh toán hàng hóa bằng ngoại tệ trái phép”, nhiều chuyên gia tài chính đề nghị.
Ý kiến bạn đọc