Diện mạo mới ở vùng căn cứ cách mạng Ea Mdroh
Về xã Ea Mdroh, huyện Cư M’gar vào những ngày tháng 4 lịch sử, nhìn cờ đỏ sao vàng phất phới tung bay trước cổng mọi nhà, khuôn mặt rạng ngời của các em nhỏ sải bước tới trường trên con đường nhựa, đông đảo người dân đang thăm đồng cày đất chuẩn bị cho vụ gieo trồng… chúng ta mới cảm nhận hết sự vươn mình trỗi dậy của người dân vùng căn cứ cách mạng H5 ngày ấy.
36 năm đã đi qua song hình ảnh buôn làng những ngày bị địch càn quét, đốt phá dồn dân lập ấp của ngụy quân, ngụy quyền dường như vẫn còn in đậm trong tâm trí của nhiều người dân nơi đây. Ngồi bên hiên nhà dài già Y Soan Ksơr, buôn Ea Mdroh nhìn về ngọn Cư Ké bồi hồi kể: “Địch nó biết đây là vị trí xung yếu tập trung nhiều cán bộ, người dân có tinh thần cách mạng cao nên thời điểm đó Ea Mdroh luôn nằm trong tầm ngắm của chúng. Cuối năm 1961, để cắt đứt mối liên hệ giữa nhân dân và các chiến sĩ cách mạng, chúng đã đốt phá hết buôn làng bắt người dân dồn về Buôn Đôn thế nhưng đông đảo bà con đã phá vòng vây chạy vào rừng đi theo cách mạng”. Ea Mdroh là một trong những xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, hiện có 1.700 hộ, 7.800 khẩu với 13 dân tộc anh em cùng sinh sống ở 11 thôn, buôn.
Một góc buôn căn cứ cách mạng Ea M'roh hôm nay. |
Bên cạnh đó, bằng nguồn vốn của Nhà nước đầu tư theo Chương trình 135 nhiều công trình của xã như trụ sở làm việc, trường học, trạm y tế được xây dựng khang trang kiên cố. Ngay tại trung tâm của xã đã xây dựng một trường tiểu học, một trường trung học cơ sở hai tầng với đầy đủ phương tiện, dụng cụ phục vụ cho việc dạy và học. Giao thông nông thôn đã và đang được mở rộng đến tất cả 11 thôn, buôn. Sự nghiệp y tế, giáo dục được quan tâm đúng mức, 100% thôn, buôn đều có lớp học, số trẻ em trong độ tuổi được huy động đến trường đạt 95%; ngoài ra cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đã được triển khai sâu rộng dến từng khu dân cư và được đông đảo bà con nhân dân ủng hộ.
Ý kiến bạn đọc