Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ Dự án điểm đầu tư phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đặc biệt khó khăn

10:33, 06/05/2011

Từ nhiều năm nay, Krông Nô luôn được biết đến là một trong những xã nghèo của huyện Lak. Toàn huyện có đến trên 28.000 ha diện tích đất tự nhiên nhưng đất canh tác nông nghiệp thì lại chỉ trên dưới 3000 ha (chiếm hơn 10%). Theo số liệu thống kê cách đây vài năm thì toàn xã có đến 61,67% hộ nghèo, bởi đời sống của người dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, cây công nghiệp ngắn ngày và hoa màu có năng suất cũng như hiệu quả kinh tế thấp, chủ yếu là mang tính tự cấp tự túc...

Xuất phát từ thực tế đó, UBND tỉnh đã có chủ trương giao cho Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương lập một dự án điểm về phát triển kinh tế, cải thiện đời sống người dân. Ông Ama Phong, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết, tên của dự án là “Dự án điểm đầu tư phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc M’nông, xã Krông Nô, huyện Lak”, được triển khai thực hiện trong giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến 2015. Mục tiêu của dự án là nhằm cải thiện đời sống của người dân, từng bước đẩy mạnh phát triển sản xuất, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế xã hội, hòa nhập cộng đồng; tạo mô hình phát triển kinh tế xã hội cho các xã phụ cận...

Dự án được triển khai với tổng số vốn đầu tư trên 33 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình 135 và huy động, lồng ghép nhiều chương trình, dự án, chính sách khác... Đến nay, về cơ bản thì các nội dung của dự án đều đã được thực hiện hoàn tất và mang lại hiệu quả rõ rệt. Trong đó, dự án đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng với tổng kinh phí hơn 29 tỷ đồng xây dựng được 18 công trình các loại, gồm: giao thông, thủy lợi, trường học... Nguồn vốn còn lại được tập trung vào việc hỗ trợ phát triển sản xuất; tập huấn đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ và cộng đồng; hỗ trợ hộ nghèo cải thiện vệ sinh môi trường...

Niềm vui được mùa mì của người dân buôn Cư Đ'răm (xã Cư Đ'răm, huyện Krông Bông). Ảnh: Lệ Văn
Niềm vui được mùa mì của người dân buôn Cư Đ'răm (xã Cư Đ'răm, huyện Krông Bông). Ảnh: Lệ Văn

Thực tế cho thấy, trên địa bàn xã Krông Nô có địa hình đồi dốc nên việc khai thác đất vào sản xuất các loại cây nông nghiệp ngắn ngày chỉ là giải pháp tạm thời, không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Do đó, chiến lược dài của dự án là quy hoạch các vùng để phát triển cây công nghiệp như: ca cao, điều, cây ăn trái... Đây là các loại cây phù hợp với thổ nhưỡng cũng như có khả năng mang lại thu nhập cao và ổn định cho người dân. Tính đến thời điểm này, dự án đã tiến hành hỗ trợ cây giống cho người dân tổng cộng 68.313 cây các loại với kinh phí 564 triệu đồng. Cùng với chương trình hỗ trợ người dân về trồng trọt, mục tiêu phát triển chăn nuôi cũng được dự án quan tâm và đầu tư đáng kể cho người dân. Trong những năm qua, dự án đã hỗ trợ trực tiếp cho các hộ nghèo bò cái sinh sản; đồng thời tổ chức các nhóm hộ để đầu tư bò đực giống lai nhằm cải tạo đàn bò địa phương. Trong 5 năm qua, dự án đã đầu tư hỗ trợ trực tiếp cho các hộ nghèo 686 con bò với kinh phí đầu tư 2.896 triệu đồng.

Thông qua việc lồng ghép các nguồn vốn đầu tư trên địa bàn đã tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân phát triển kinh tế, cải thiện và nâng cao đời sống, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo. Cụ thể, số hộ nghèo trên địa bàn toàn xã vào năm 2007 là 835 hộ, chiếm 61,67%, trong đó hộ nghèo người dân tộc M’nông là 755 hộ. Đến cuối năm 2010 vừa qua, số hộ nghèo của toàn xã đã giảm xuống còn 401 hộ, chiếm 23,98%, giảm đến 37,69%, trong đó hộ nghèo người M’nông còn 299 hộ, giảm đến 456 hộ.

Nói đến những hiệu quả mà dự án mang lại, ông Y Krang Ndu, Chủ tịch UBND xã Krông Nô phấn khởi: Nhờ dự án mà người dân đã nâng cao được đời sống rõ rệt. Hệ thống đường giao thông được đầu tư thông suốt từ trung tâm xã đến các thôn, buôn, đáp ứng nhu cầu đi lại và phát triển sản xuất của nhân dân. Các công trình trường học được đầu tư bảo đảm đủ phòng học, nhờ đó tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường đều tăng qua các năm. Toàn xã hiện đã có trên 90% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia. Trạm Y tế xã được xây dựng kiên cố, trang thiết bị được đầu tư đầy đủ để khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đến nay, toàn xã đã có 12/14 thôn, buôn có nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng... Bên cạnh đó, các chương trình 134, 167 cũng đã giúp cho 289 hộ nghèo trên địa bàn xã được xây dựng nhà ở, tạo điều kiện cho bà con ổn định cuộc sống, giảm đáng kể tỷ lệ hộ dân có nhà ở tạm bợ, dột nát...

Đánh giá mục đích, ý nghĩa của dự án này, ông Ama Phong, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh nhấn mạnh: “Cùng với chủ trương đầu tư phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống vùng đồng vào dân tộc thiểu số của Đảng, Nhà nước thì đây là một dự án điểm mà tham vọng của chúng tôi là muốn tạo nên một đòn bẩy để vực dậy đời sống kinh tế xã hội cho vùng cửa ngõ phía nam của tỉnh. Tôi tin rằng, dự án sẽ là tiền đề và tạo nên động lực kích thích người dân nỗ lực phấn đấu hơn nữa trong lao động sản xuất, vươn lên làm chủ cuộc sống”.

 

Việt Hoàng

 


Ý kiến bạn đọc