Làng thanh niên lập nghiệp Ia Lốp: “Điểm nhấn” giữa vùng biên
Giữa bạt ngàn rừng, giữa cái nắng, cái nóng của xã vùng biên Ia Lốp (huyện Ea Súp), một Làng Thanh niên lập nghiệp (LTNLN) đã hình thành với gần 100 hộ gia đình là thanh niên tuổi đời còn rất trẻ đến từ các địa phương trong tỉnh. Với sức trẻ và lòng yêu lao động, làng thanh niên ấy đang khởi sắc, trở thành một chấm xanh, một điểm nhấn nơi vùng biên này.
Một góc làng TNLN Ia Lốp (xã Ia Lốp, huyện Ea Súp) |
Tháng 4, Tây Nguyên đang mùa khô. Mới sáng sớm nhưng chúng tôi đã cảm nhận được cái nóng đặc trưng chỉ có ở mảnh đất vùng biên này. Từ trung tâm huyện vào LTNLN phải qua những con đường đất với rất nhiều ổ gà, ổ voi. Hơn 1 giờ đồng hồ để vượt qua gần 60km đường, LTNLN cũng dần hiện ra. Đón chúng tôi là anh Sùng Vảng Lai, Trưởng Ban tự quản LTNLN. Anh hồ hởi: “Hôm nay BTQ họp để triển khai làm vụ mùa mới, nếu nhằm phải hôm khác chắc các anh sẽ không gặp được vì chúng tôi bận ra rẫy hết”. Dạo một vòng quanh LTNLN chúng tôi cảm nhận được cuộc sống nơi đây đang dần khấm khá lên. Hai bên con đường của làng dài gần 1 km, 99 nếp nhà nằm liền kề nhau. Nhiều nhà cửa mở, đồ đạc để trong nhà nhưng không có người, thấy chúng tôi có vẻ băn khoăn, anh Lai giải thích: “hôm nay đang vào vụ trồng màu nên các gia đình tranh thủ ăn cơm và ở luôn tại rẫy để làm buổi chiều. Ở đây an ninh rất tốt, các gia đình rất đoàn kết, nhà để vậy nhưng chưa khi nào xảy ra trộm cắp cả”. Ghé thăm nhà vợ chồng anh Cầm Bá Thường và Cầm Thị Huyền vừa lúc anh chị mới từ ngoài rẫy về. Rót ly chè mời khách, anh thường cho biết: gia đình anh từ Thanh Hóa vào sinh sống ở xã Ea Rốk (Ea Súp) nhưng đất đai ít quá không đủ làm. Khi biết có Dự án LTNLN anh chị đã viết đơn tình nguyện xin vào đây làm kinh tế. Tuy ban đầu còn vất vả nhưng điều kiện sản xuất sinh hoạt nơi đây vẫn rất tốt, khá hơn nơi cũ. Ngoài 1 sào đất ở, vợ chồng anh còn được dự án cấp 1 ha đất sản xuất đã được san ủi mặt bằng. Trên 1 ha đó, ngoài trồng lúa nước, vợ chồng anh còn làm thêm các loại hoa màu, cây ngắn ngày. Anh cho hay: vụ vừa rồi ngoài trồng lúa 1 vụ, tôi trồng thêm đậu, thu về hơn 20 triệu. Diện tích đất vườn sau nhà còn rộng rãi tôi khoanh lại để nuôi thả gà nên thực phẩm cũng rất dồi dào. Cuộc sống chưa hẳn đã giàu có nhưng thu nhập cũng khá, có tiền nuôi 2 con nhỏ đang học ngoài huyện.
Căn hộ của anh Cầm Bá Thường (người ngồi giữa) |
Anh Nông Văn Mạnh (SN 1983) nhà ở Thị xã Buôn Hồ vào lập nghiệp từ những đợt đầu của dự án cho biết: Thời tiết nơi đây rất khắc nghiệt, lúc mới vào chưa quen cũng cảm thấy rất khó chịu, nhưng giờ cái nóng, cái nắng không là gì với mình cả. Đất đai rất rộng rãi, nếu chịu khó lao động thì cuộc sống cũng có của ăn của để. Anh Mạnh còn là Phó Ban tự quản LTNLN và là gương điển hình về lao động sản xuất làm kinh tế giỏi. Ngoài làm lúa, trồng cây ngắn ngày, anh mạnh dạn xin dự án hỗ trợ 5 con bò giống, cộng với vay mượn, anh mua thêm 3 con nữa; sau hơn một năm giờ đàn bò của anh đã lên đến 12 con. Theo anh Sùng Vảng Lai, các hộ gia đình khi đến lập nghiệp đều được dự án hỗ trợ tạo điều kiện rất nhiều như: hỗ trợ mỗi hộ 20 triệu đồng dựng nhà, cấp 1 sào đất ở, 1 ha đất sản xuất, hỗ trợ 5 triệu tiền ăn uống sinh hoạt trong 3 tháng đầu mới vào làng. Bên cạnh đó cơ sở vật chất của làng đã được xây dựng khá khang trang, các công trình điện, đường, trường, trạm, nước sạch, đất sản xuất đã được dự án làm hoàn chỉnh. Các gia đình vào đây không phải lo gì nhiều, mà chỉ phải tập trung vào sản xuất, làm giàu trên đất mới, mà thôi.
Anh Hoàng Quốc Bảo – Phó Ban quản lý Dự án LTNLN biên giới Ia Lốp cho biết: trong tương lai không xa, đời sống của những hộ gia đình nơi làng thanh niên này sẽ còn có cơ hội phát triển hơn nữa, khi UBND tỉnh xét duyệt hồ sơ Dự án trồng cao su tại LTNLN. Hiện tại, Tỉnh đoàn đã làm hồ sơ trình Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Thường vụ Tỉnh đoàn cũng đã làm việc và có biên bản ghi nhớ với Công ty Cồ phần U&I (trụ sở ở Bình Dương) để liên kết trồng cao su. Chỉ chờ dự án phê duyệt thì sẽ thành lập tổng đội, và những hộ gia đình thanh niên nơi đây sẽ có cơ hội trở thành công nhân cao su và có thêm khoản thu nhập mới. Tin tưởng một ngày không xa, nơi đây sẽ là một làng phát triển, một chấm xanh trên vùng biên Ia Lốp này.
Dự án LTNLN Ia Lốp được xây dựng từ nguồn vốn Trung ương Đoàn và ngân sách của tỉnh. Làng được quy hoạch trên tổng diện tích 2.781,56 ha tại xã Ia Lốp, triển khai xây dựng từ năm 2006, được đầu tư theo nhiều giai đoạn. Quy mô làng theo dự án là 120 hộ, đến giai đoạn này đã có 99 hộ sinh sống. Dự án đã đầu tư xây dựng: Nhà tập thể rộng 200m2; Trạm xá 105m2; Nhà làm việc cho ban tự quản 130m2; Nhà sinh hoạt văn hóa 240m2 và Nhà mẫu giáo 250m2. Đường điện đã được kéo về làng hoàn chỉnh, với 3 trạm biến áp 5Kwh; khoan 70 giếng nước sinh hoạt và xây 120 bể chứa nước sạch cho các hộ. Trước mắt mỗi hộ được cấp 1 sào đất ở, 1 ha đất sản xuất và hỗ trợ 20 triệu đồng làm nhà… |
Ý kiến bạn đọc