Multimedia Đọc Báo in

Ngành vận tải thời "bão giá"

20:18, 08/05/2011

Từ cuối tháng 2 đến nay, sau việc điều chỉnh giá xăng, dầu của Bộ Tài chính, hầu hết các ngành, nghề, đối tượng (từ người sản xuất đến người tiêu dùng) đều gặp khó khăn, trong đó ảnh hưởng trực tiếp nhất là ngành vận tải. Để kịp thời đối phó với những biến động của giá cả thị trường, một trong những giải pháp hữu hiệu, được các “Nhà” chọn lựa nhiều nhất là ...đồng loạt tăng giá.

Bắt đầu từ 22h ngày 29-3, theo quyết định của Bộ Tài chính, giá bán lẻ các loại xăng dầu trong nước đều tăng từ 2.000-2.800 đồng/lít. Trước đó, hơn một tháng, vào ngày 24-2, giá xăng, dầu trong nước cũng đã chứng kiến một đợt tăng mạnh, trong đó riêng giá xăng A92 có "bước nhảy" kỷ lục tới 2.900 đồng (từ 16.400 lên mức 19.300 đồng/lít)…

Như vậy, chỉ trong thời gian hơn một tháng, Bộ Tài chính đã có tới 2 lần điều chỉnh giá xăng, dầu. Trước thực tế đó, ngay từ đầu tháng 3, đa số các doanh nghiệp (DN) vận tải trong cả nước đều có sự điều chỉnh về giá vé. Riêng trên địa bàn tỉnh ta, ở mỗi loại hình vận tải, các DN “cân nhắc” về giá vé cũng có sự khác nhau. Chẳng hạn, tại Công ty TNHH Vận tải tốc hành Kumho Samco bắt đầu điều chỉnh giá vé từ ngày 8-4 dao động từ 10-14%/chặng. Cụ thể, tuyến từ TP.Buôn Ma Thuột-TP.Hồ Chí Minh và chiều ngược lại, tăng từ 150.000 lên 160.000 đồng/ghế ngồi. Anh Lê Thái Hoàng, Trưởng đầu Bến xe phía Nam Buôn Ma Thuột cho biết, tất cả các tuyến xe thuộc công ty quản lý đều có sự điều chỉnh về giá vé, chỉ riêng tuyến xe xuất phát từ đường Phạm Ngũ Lão (TP.Hồ Chí Minh)-PhnômPênh (Campuchia) là vẫn giữ nguyên giá như cũ (10USD). Theo lý giải của anh Hoàng, sở dĩ ở chặng này công ty không tăng giá vé là do đồng đôla cao nên vẫn có lãi khi giữ nguyên giá vé. Đối với các xe không thông qua các bến như xe Trâm Ka (huyện Cư Kuin) chạy tuyến Dak Lak-Gia Lai cũng tăng giá khoảng 10% (từ 60.000 đến 70.000 đồng/chặng).

Hầu hết các DN vận tải đều điều chỉnh giá vé từ đầu tháng 3.
Hầu hết các DN vận tải đều điều chỉnh giá vé từ đầu tháng 3.


Trong khi đó, loại hình vận tải xe buýt cũng “khẩn trương” điều chỉnh giá vé. Là một DN vận tải quản lý trên 60 đầu xe các loại, trong đó: 42 xe buýt, 8 xe khách đường dài và 13 tacxi; ngay sau đợt tăng giá xăng, dầu lần thứ nhất trong năm nay (24-2), ban chủ nhiệm HTX Quyết Thắng (huyện Krông Pak), đã quyết định tăng giá vé lên khoảng 10%. Đối với loại xe buýt thường, giá vé tăng từ 12.000 lên 15.000đồng/50km; xe buýt chất lượng cao từ 30.000 lên 40.000 đồng/100km. Riêng đối với tuyến xe đường dài từ Dak Lak-TP.Hồ Chí Minh, từ đầu tháng 3 đến nay, DN đã có 2 lần điều chỉnh giá vé, cụ thể: từ 1-3 (tăng từ 130.000 lên 160.000 đồng; sau đó vào ngày 7-4, tăng từ 160.000 lên 180.000 đồng/chặng). Cùng chia sẻ về vấn đề này, chị Nguyễn Thị Tâm, kế toán DN cho hay: đến thời điểm này, về loại hình vận tải xe buýt chưa có điều chỉnh giá vé lần thứ 2, nhưng trong thời gian tới, nếu thị trường xăng, dầu có nhiều biến động thì DN cũng phải có sự thay đổi.

 

Ông Trần Thường, Phó giám đốc Công ty Cổ phần Quản lý bến xe liên tỉnh cho biết, bắt đầu từ 1-4, hầu hết các DN vận tải đăng ký tại bến đều có thông báo tăng giá vé lên 20%.

Trước sự leo thang của giá phòng trọ, điện, nước, xăng, dầu, vé xe và các loại nhu yếu phẩm hằng ngày đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của các đối tượng: người lao động có thu nhập thấp, học sinh, sinh viên…, khiến họ cũng phải dè dặt trong việc chi tiêu. Bạn Nguyễn Thị Mùi (sinh viên Trường CĐ Lương thực thực phẩm Đà Nẵng) tâm sự: trước tết, giá vé xe Dak Lak-Đà Nẵng chỉ dao động từ 140.000 đến 150.000/chặng, nhưng từ đầu tháng 3 đến nay đã tăng thêm 30.000 đồng (đối với loại xe ghế ngồi). Do giá vé tăng cao như vậy, sinh viên như bọn em phải “đắn đo” số lần về thăm nhà vào các dịp nghỉ lễ như giỗ tổ Hùng Vương, sắp tới là 30-4 và 1-5. Có lẽ phải chờ đến hè, được nghỉ vài tháng thì mới có dịp về thăm nhà mà thôi.

Sự điều chỉnh về giá vé của các DN vận tải là lẽ đương nhiên trước những biến động của giá cả. Thế nhưng, điều chỉnh thế nào cho hợp lý, không gây xáo trộn thị trường thì đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các DN phải tính toán thật kỹ lưỡng để vừa bảo đảm hoạt động kinh doanh của mình, đồng thời tránh ảnh hưởng đến đời sống của người dân trong thời “bão giá”.

 

Hoàng Tuyết

 


Ý kiến bạn đọc