Multimedia Đọc Báo in

Sẽ “nóng” vấn đề lạm phát tại các cuộc hội thảo của ADB

10:07, 03/05/2011

Ngày 3-5, Hội nghị thường niên (HNTN) lần thứ 44 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) chính thức khai mạc tại thủ đô Hà Nội. Hội nghị lần này tập trung thảo luận hàng loạt các vấn đề lớn như: an ninh lương thực, vượt bẫy thu nhập trung bình, đối phó với sự bất ổn của các dòng vốn nóng...

 

Tại HNTN lần thứ 43 của ADB được tổ chức tại Thủ đô Tashkent (Uzbekistan) năm 2010, các đại biểu đã bàn rất nhiều về khủng hoảng. Sau một năm thì tình hình cũng có những diễn biến mới. Năm 2010 và đầu năm 2011 xuất hiện hàng loạt vấn đề như: Nợ công ở châu Âu; khủng hoảng chính trị một số nước; thảm hỏa động đất, sóng thần ở Nhật Bản… Như vậy, nhiều khó khăn cũ chưa giải quyết xong thì đã xuất hiện thêm những vấn đề mới. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Văn Giàu, Phó Trưởng ban thường trực chỉ đạo tổ chức Hội nghị khẳng định: Lạm phát cao chắc chắn sẽ là vấn đề được bàn nhiều tại các cuộc hội thảo của ADB lần này. Không chỉ Việt Nam đối mặt với nguy cơ lạm phát cao mà nhiều nền kinh tế mới nổi hay ngay cả các quốc gia phát triển cũng đang nỗ lực tìm cách đối phó với lạm phát. Việt Nam đang nỗ lực rất cao để kiềm chế lạm phát.

Việt Nam là một thành viên sáng lập ADB vào năm 1966 và ngay từ giai đoạn 1966 -1975, ADB đã tiến hành tài trợ cho một số dự án tại miền Nam Việt Nam. Các hoạt động hợp tác giữa ADB và Việt Nam đã bị gián đoạn trong giai đoạn 1979 - 1992 và đến tháng 10-1993 quan hệ này được thiết lập trở lại. Cơ quan đại diện thường trú của ADB tại Việt Nam được mở vào năm 1997, mở ra những hoạt động hợp tác cơ bản giữa ADB và chính phủ, khu vực tư nhân, các thành viên khác trong xã hội.

Kể từ năm 1993 đến nay, ADB phê duyệt 114 khoản vay cho Chính phủ Việt Nam trị giá 9,09 tỷ USD, 1 khoản bảo lãnh trị giá 325 triệu USD, 255 dự án hỗ trợ kỹ thuật, trị giá 199,5 triệu USD và 26 dự án tài trợ khác trị giá 150,1 triệu USD. Việt Nam cũng tham gia vào các dự án hỗ trợ kỹ thuật của ADB dành cho Tiểu vùng sông Mê Kông. Hiện nay, Việt Nam là một trong những thành viên nhận nhiều nguồn tài trợ nhất từ Quỹ phát triển châu Á (ADF) và cũng là một nước được ADB cung cấp đáng kể các khoản vay thông thường (OCR).

Đ.T

 

 

 

 


Ý kiến bạn đọc