Thủy điện vừa và nhỏ với bài toán lỗ - lãi
Dak Lak là một trong những tỉnh có số lượng nhà máy thủy điện vừa và nhỏ (TĐVVN) lớn nhất cả nước, hàng năm đáp ứng hơn 1/3 nhu cầu dùng điện của toàn tỉnh và đóng góp vào ngân sách hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn các nhà máy này đang ở trong tình trạng khốn khó, các doanh nghiệp đầu tư làm thủy điện kêu trời vì lỗ nặng.
Thiếu nước hoạt động và lỗ nặng
Vào thời điểm cuối tháng 4, theo danh sách của Sở Công thương cung cấp, chúng tôi đã đi tìm hiểu tình hình hoạt động của nhiều nhà máy TĐVVN trên địa bàn toàn tỉnh. Hầu hết chủ của các nhà máy này đều lắc đầu ngao ngán trước thảm trạng hoạt động cầm chừng do thiếu nước hoạt động trong mùa khô và nguy cơ thua lỗ do lãi suất ngân hàng tăng lên mà giá bán điện vẫn như cũ.
Vấn đề khó khăn muôn thuở của các TĐVVN ở Dak Lak là thiếu nước trong mùa khô. Năm nay, chưa có nhà máy nào phải ngừng hẳn hoạt động nhưng để đủ nước chạy hết công suất là vấn đề hết sức nan giải. Ông Hoàng Việt Tùng, Giám đốc Điện lực M’Drak cho biết: trên địa bàn huyện này có 3 công trình TĐVVN đã đi vào hoạt động với tổng công suất 10,8 MW, nhưng từ đầu năm đến nay chỉ hoạt động cầm chừng do mực nước ở các sông, suối xuống thấp. Cụ thể, dòng suối Ea M’Doal vào thời điểm này nhiều đoạn cạn trơ đáy, nổi lên những tảng đá lớn, 2 nhà máy thủy điện trên con suối này chỉ hoạt động cầm chừng. Ở nhà máy Ea M’Doal 3 (công suất 1,8 MW) của Công ty TNHH Hòa Long, cả 3 tổ máy đều ngừng hoạt động do nhà máy nằm ở hạ lưu suối, dùng tràn tích nước chứ không có hồ chứa nên hoạt động phụ thuộc vào nhà máy Ea M’Doal 2 ở thượng nguồn. Kỹ sư Nhữ Trung Dũng, người trực tiếp quản lý ở đây cho biết: nhà máy khánh thành từ năm 2008, vào những mùa khô đều phải hoạt động hạn chế; thậm chí một số thời điểm trong năm 2010 phải ngừng hoạt động. Hiện tại nhà máy chỉ chạy máy chưa đầy 10 giờ/ngày, công suất chỉ đạt khoảng 20 – 30% so với mùa mưa. Đó cũng là tình trạng chung của nhiều nhà máy TĐVVN khác trên địa bàn toàn tỉnh. Ông Trương Công Hồng, Trưởng phòng Quản lý năng lượng, Sở Công thương cho biết: toàn tỉnh có 9 nhà máy TĐVVN đã đi vào hoạt động có tổng công suất 58 MW nhưng vào thời điểm này chỉ phát được 4 – 5,5 triệu KWh, còn công suất hoạt động của các nhà máy ở M’Drak, Ea H’leo, Krông Bông, Ea Kar…chỉ đạt xấp xỉ 50% so với thiết kế.
Vấn đề nhức nhối nhất của các doanh nghiệp đầu tư làm thủy điện hiện nay là lỗ vốn do lãi suất ngân hàng tăng lên, trong khi giá bán điện không tăng mà còn phải “cõng” thêm tiền thuế. Khó khăn nhất trong số các doanh nghiệp này là Công ty TNHH Hoàng Nguyên (đóng tại Cụm Công nghiệp Tân An – TP. Buôn Ma Thuột). Ông Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc công ty cho biết: từ năm 2006 đến nay đã đầu tư xây dựng 3 nhà máy thủy điện Quảng Tiến, Dak Ru (Dak Nông) và Ea Kar có tổng công suất 15 MW với tổng số tiền 500 tỷ đồng, trong đó 350 tỷ là tiền vay ngân hàng theo lãi suất 10%/năm. Theo tính toán của ban đầu, trong vòng 10 năm công ty có thể thu hồi vốn, nhưng do lãi suất ngân hàng đến thời điểm này lên đến 19%/năm nên dù doanh thu của ba nhà máy là 45 tỷ đồng/năm nhưng vẫn không đủ trả lãi ngân hàng. Trong khi đó, để xây dựng được nhà máy thủy điện Ea M’Doal 3, năm 2007, Công ty TNHH Hòa Long đã phải vay Ngân hàng Đầu tư và Phát triển 21 tỷ đồng, với lãi suất 11,75%. Đến nay, với giá bán điện cho Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) là 607 đồng/KWh, doanh thu từ nhà máy hàng năm đạt 3 – 4 tỷ đồng, nhưng phải trả lãi suất ngân hàng 20%/năm (tương đương 3 tỷ đồng), cộng thêm 1,5 tỷ đồng tiền thuế và tiền quản lý, vận hành nên Công ty lỗ nặng. Ông Phan Mưu Bính, Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty chua chát: “Chúng tôi đầu tư xây dựng nhà máy theo cơ chế thị trường mà bán điện cho EVN theo cơ chế bao cấp, nên 3 năm nay coi như đi làm không công cho ngân hàng”.
Nhà máy thủy điện Ea M’Doal 2 chỉ hoạt động cầm chừng do thiếu nước. |
Gỡ khó cho doanh nghiệp
Như trên đã nói hiện nay, toàn tỉnh có 9 nhà máy TĐVVN với tổng mức đầu tư khoảng 1.160 tỷ đồng đã đi vào hoạt động, tổng công suất lắp máy 58 MW, lượng điện phát hàng năm 290.000.000 KWh, doanh thu 174 tỷ đồng/năm, đóng thuế 67 tỷ đồng/năm. Có thể nói, TĐVVN có những đóng góp đáng kể cho ngân sách của tỉnh cũng như góp phần ổn định hệ thống điện của địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh khó khăn về lãi suất ngân hàng kể trên, các doanh nghiệp đầu tư làm thủy điện hiện đang chịu thiệt đơn thiệt kép về giá mua điện của EVN, thuế tài nguyên nước v.v... Ngày 6-4 vừa qua, Đồng chí Trần Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì cuộc họp giữa Sở công thương và các doanh nghiệp có nhà máy TĐVVN tại tỉnh ta. Sau khi nghe báo cáo về những khó khăn, vướng mắc của các chủ đầu tư các nhà máy TĐVVN trên địa bàn tỉnh, ngày 21-4-2011, UBND tỉnh đã có công văn số 1857/UBND-CN gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị xem xét, tháo gỡ những khó khăn trên cho doanh nghiệp với nội dung: Đề nghị Chính phủ, Bộ Công thương cho phép các nhà máy ký lại hợp đồng bán điện theo Quyết định 18/2008/QĐ-BCT ngày 18-7-2008 của Bộ Công thương, điều chỉnh bằng 80% giá bình quân hàng năm của EVN; đề nghị Bộ Tài chính tính thuế tài nguyên nước bằng 2% giá bán điện trên hóa đơn của doanh nghiệp cho Tổng Công ty điện lực miền Trung; đồng thời Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương và Bộ Tài chính có cơ chế, chính sách đặc thù để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư TĐVVN trong thời gian lãi suất ngân hàng tăng cao như hiện nay.
Ngày 1-6 tới đây, sẽ áp dụng giá thị trường điện cạnh tranh, nhưng các nhà máy có công suất dưới 30 MW không được nằm trong diện này. Như vậy, các nhà máy TĐVVN trong toàn tỉnh vẫn tiếp tục phải bán điện theo cơ chế bao cấp. Chỉ khi nào được hưởng các chính sách ưu đãi của Chính phủ, được bán điện theo cơ chế thị trường…thì các doanh nghiệp đầu tư làm thủy điện trong tỉnh mới có lãi, để từ đó đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Ý kiến bạn đọc